| Hotline: 0983.970.780

Na Uy sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển thương hiệu quốc gia thủy sản

Thứ Năm 06/06/2024 , 17:58 (GMT+7)

Phó Đại sứ Na Uy cho biết, Na Uy và Việt Nam là những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới, hiện Na Uy đứng thứ hai và Việt Nam đứng thứ ba.

Phó Đại sứ Na Uy Mette Møglestue chia sẻ, Chính phủ Na Uy đặc biệt ưu tiên cho nền kinh tế xanh vì 70% doanh thu xuất khẩu của Na Uy đến từ các ngành kinh tế biển. Na Uy là quốc gia đi đầu thế giới trong việc xây dựng ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy cho biết: 'Việt Nam và Na Uy có bề dày hợp tác nhiều thập kỷ trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản'. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy cho biết: "Việt Nam và Na Uy có bề dày hợp tác nhiều thập kỷ trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản". Ảnh: Hồng Thắm.

Na Uy đánh giá cao các mục tiêu của Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm giảm cường độ khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và tăng cường nuôi biển ở các khu vực phù hợp như đã được đề ra trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030.

“Từ góc nhìn của Na Uy, Việt Nam đang ở vị thế tốt để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác tiềm năng, sử dụng tài nguyên đại dương một cách có trách nhiệm và bền vững”, bà Mette Møglestue nhấn mạnh.

Cũng theo bà Mette Møglestue: "Việt Nam và Na Uy có bề dày hợp tác nhiều thập kỷ trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản. Hợp tác song phương đã chuyển từ viện trợ phát triển sang thúc đẩy thương mại. Na Uy và Việt Nam là những nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới (Na Uy đứng thứ hai và Việt Nam đứng thứ ba)".

Bà Mette Møglestue cho biết, ngày 21/5/2021, một ý định thư đã được ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Thương mại - Công nghiệp và Thủy sản Na Uy về việc tăng cường hợp tác thương mại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và thương mại thủy sản.

Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong trên thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Ảnh: NSC.

Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong trên thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Ảnh: NSC.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Phùng Đức Tiến đã đến Oslo, Na Uy và gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Thương mại - Công nghiệp và Thủy sản Na Uy Kristina Hansen. Hai lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề như: Thủy sản bền vững, tuân thủ, kiểm soát, quản lý thủy sản và chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Gần đây nhất, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam Phùng Đức Tiến và Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cùng các lãnh đạo hai bên đã tái khẳng định tiếp tục hợp tác song phương thông qua chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia, khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng thủy sản bền vững, thúc đẩy thương mại và đầu tư hai song phương.

Đặc biệt, Na Uy sẽ hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng bộ tiêu chuẩn về nuôi biển công nghiệp và chia sẻ các kinh nghiệm thành công trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm thủy sản trên thị trường quốc tế.

Tự hào về mối quan hệ hợp tác truyền thống trong lĩnh vực thủy sản giữa hai nước Na Uy và Việt Nam, đặc biệt là với Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT Việt Nam từ những ngày Việt Nam bắt đầu xây dựng Luật Thủy sản, Phó Đại sứ Na Uy nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tài trợ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, chúng tôi đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững hơn và có hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Na Uy sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với Việt Nam về nuôi biển. Ảnh: Hồng Thắm.

Na Uy sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với Việt Nam về nuôi biển. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo bà Mette Møglestue, là các quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu thế giới, Na Uy và Việt Nam hiểu rõ một thương hiệu quốc gia mạnh, cùng với các yếu tố khác như chất lượng, giá trị dinh dưỡng, các thông lệ nuôi trồng và đánh bắt bền vững… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu của các sản phẩm thủy hải sản.

“Na Uy luôn sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình trong quá trình Việt Nam xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho nuôi biển và các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam”, bà Mette Møglestue nói.

Na Uy là quốc gia có ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tiên phong trên thế giới với các giá trị cốt lõi là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường song song với việc không ngừng nâng cao giá trị kinh tế và uy tín của thủy sản quốc gia trên toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.

Thông qua hợp tác, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, Na Uy và Việt Nam có thể truyền cảm hứng cho nhau để tiếp tục nâng cao giá trị thủy hải sản xuất khẩu, trong đó có việc xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh cho thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Xem thêm
Xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình

TP Đà Nẵng cần xác minh, xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, tàu cá vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.