| Hotline: 0983.970.780

Vụ dân mắc kẹt đất sản xuất: Hứa thu hồi nhưng chưa biết đến bao giờ

Chủ Nhật 07/04/2024 , 08:13 (GMT+7)

Hội đồng giải phóng mặt huyện Nông Cống cam kết thu hồi và bồi thường cho dân đối với phần đất nông nghiệp xen kẹt, khó canh tác, nhưng không hứa thời gian thực hiện.

Hội đồng giải phóng mặt bằng UBND huyện Nông Cống (Thanh Hóa)  vừa tổ chức hội nghị triển khai công tác giải phóng mặt bằng phần đất lúa ngoài mốc bị ảnh hưởng bởi Dự án cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ; Dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 45 với đường Vạn Thiện - Bến En đoạn đi qua địa phận huyện Nông Cống.

Cuộc họp xoay quanh việc giải đáp các thắc mắc và kiến nghị của các hộ dân về việc thu hồi diện tích đất lúa xen kẹt; đề nghị làm rõ trách nhiệm của cán bộ khi thông báo thu hồi đất một đằng nhưng đền bù một nẻo (thu hồi giảm diện tích so với cam kết ban đầu); phương án thu hồi phần diện tích đất xen kẹt giữa cụm công nghiệp và dự án đường trong thời gian tới...

Hội nghị có sự tham gia đông đảo của người dân thôn Ban Thọ và Đông Tài (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống). Ảnh: Quốc Toản.

Hội nghị có sự tham gia đông đảo của người dân thôn Ban Thọ và Đông Tài (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống). Ảnh: Quốc Toản.

Tại cuộc họp, bà Lê Thị Hồng, trưởng thôn Ban Thọ (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống) thay mặt bà con chỉ rõ những tồn tại trong quá trình thu hồi đất thực hiện 2 dự án nói trên: “Người dân bức xúc vì diện tích thu hồi bị giảm so với diện tích kiểm kê ban đầu. Ngoài ra, sau khi cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương thu hồi đất cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ, người dân không nhận được thông báo nên các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án không nắm được thay đổi thông tin đền bù.

Hiện nay, diện tích đất còn lại vẫn thuộc quyền quản lý và sử dụng của người dân nhưng rất khó canh tác vì diện tích nhỏ lẻ, bị chia cắt, trong khi xã đã có thông báo dừng sản xuất. Trường hợp nếu chưa có phương án thu hồi hết diện tích còn lại, tôi đề nghị nhà đầu tư hoàn trả lại hệ thống thủy lợi để bà con tiếp tục sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống”.

Một số hộ dân khác đề nghị nhà thầu dừng việc thi công mặt bằng, tập trung rà soát, kiểm kê, bồi thường số tiền còn thiếu cho người dân. Một số ý kiến khác đề nghị ban giải phóng mặt bằng huyện ấn định thời gian thu hồi, mức tiền đền bù đối với diện tích đất xen kẹt còn lại.

“Đã 3 vụ người dân không thể sản xuất, trong khi tiền đền bù thì chưa được nhận đủ. Khi dân hỏi tiền đền bù thì cán bộ đùn đẩy nhau. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát lại, lập danh sách thống kê đầy đủ số hộ dân bị ảnh hưởng của từng dự án và có phương án thu hồi, đền bù trong thời gian tới. Nếu không hoàn tất việc bồi thường thì đề nghị dừng thi công dự án”, bà Lê Thị Vân (thôn Ban Thọ) đề nghị.

Khu đất lúa xen kẹt khó canh tác do hệ thống mương tưới tiêu bị ảnh hưởng bởi dự án làm đường. Ảnh: Quốc Toản.

Khu đất lúa xen kẹt khó canh tác do hệ thống mương tưới tiêu bị ảnh hưởng bởi dự án làm đường. Ảnh: Quốc Toản.

Tại hội nghị, ông Lê Hồng Tới, trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống, đại diện ban giải phóng mặt bằng huyện cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân và cam kết thu hồi hết diện tích đất xen kẹt.

Cũng theo đại diện ban giải phóng mặt bằng huyện Nông Cống, trước ngày 10/4 huyện sẽ có văn bản trả lời công dân về những thắc mắc nêu trên. Mặc dù đơn vị cam kết sẽ thu hồi diện tích đất xen kẹt, nhưng không ấn định rõ thời gian triển khai thực hiện.

Giải thích rõ hơn về việc thay đổi diện tích thu hồi so với cam kết trước đó (thu hồi giảm diện tích), ông Tới cho biết: “Cán bộ trong quá trình thực hiện chi trả đền bù chưa phổ biến, giải thích chưa rõ ràng cho bà con, nên người dân chưa rõ nắm được thông tin đền bù (thay đổi). Việc này có trách nhiệm của cán bộ có liên quan".

Trước thắc mắc về việc thu hồi đất nhưng người dân không nhận được quyết định thu hồi, ông Tới cho biết, sẽ cho kiểm tra và gửi lại cho từng hộ: “Nếu hộ dân nào chưa nhận được quyết định và phương án thu hồi đất, trong nay mai, chúng tôi sẽ bổ sung, gửi đến từng hộ. Vấn đề này, anh em giải phóng mặt bằng nhận lỗi với bà con”.

Trả lời về phương án thu hồi diện tích đất xen kẹt, khó canh tác, ông Tới cho biết: “Huyện đang xin ý kiến tỉnh để thu hồi diện tích đất ngoài mốc giới hoặc xin một dự án khác tại khu vực trên để lấy căn cứ thu hồi đất xen kẹt cho bà con. Trước mắt, huyện chủ trương bạc với doanh nghiệp trả tiền bồi thường trước cho bà con đối với diện tích đất xen kẹt chưa thu hồi. Sau khi có dự án mở rộng, sẽ thu hồi đất để triển khai dự án giai đoạn 2”.

Trước thắc mắc của người dân về thời gian thực hiện thu hồi đối với diện tích đất xen kẹt, ông Tới cho biết, sẽ báo cáo cấp trên xin ý kiến vì vượt quá thẩm quyền trả lời của ban giải phóng mặt bằng.

Chưa thỏa mãn với trả lời của Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Nông Cống, người dân thôn Ban Thọ và Đông Tài (xã Vạn Thắng) đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND huyện Nông Cống để làm rõ các vấn đề còn băn khoăn và kiến nghị chưa được giải quyết tại buổi làm việc ngày hôm nay.

Trước đó, hàng chục hộ dân tại thôn Ban Thọ (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bất ngờ vì chính quyền ra thông báo thu hồi đất thực hiện dự án cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ nhưng lại bồi thường giảm diện tích so với cam kết trước đó. Hệ lụy là, phần diện tích đất xen kẹt, chưa thu hồi hết khó sản xuất vì nhỏ lẻ, manh mún. Đến nay, dù 2 dự án đã thi công một phần khối lượng công trình, thế nhưng kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Xem thêm
Sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 4] Bài học xương máu ở 'vựa' nuôi tôm hùm

Cơn bão số 12 (năm 2017) khiến hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ bỗng chốc trở nên trắng tay, đây là bài học ‘nhớ đời’ của những người nuôi biển hiện nay.