| Hotline: 0983.970.780

Hơn 60 hộ dân mắc kẹt đất sản xuất vì dự án thu hồi… nửa vời

Thứ Tư 03/04/2024 , 06:19 (GMT+7)

Hơn 2,1ha đất nông nghiệp nhỏ lẻ, mắc kẹt của dân bị ảnh hưởng bởi dự án làm đường và cụm công nghiệp tại xã Vạn Thắng vẫn chưa có phương án tháo gỡ.

Giảm diện tích bồi thường, dân không biết

Hàng chục hộ dân tại thôn Ban Thọ (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) bất ngờ vì dự án cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ do Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Hưng làm chủ đầu tư, ra thông báo thu hồi đất một đằng, thực hiện một nẻo.

Bà Lê Thị Hồng, trưởng thôn Ban Thọ cho biết, thôn có gần 200 hộ dân với diện tích hơn 15ha sản xuất nông nghiệp (trồng lúa) tại cánh đồng Mạ và Gò Mống, thuộc diện thu hồi đất thực hiện dự án cụm công nghiệp nêu trên. Sau khi chính quyền địa phương kiểm kê, đưa đơn giá, các hộ dân đồng ý với phương án thu hồi đất và mức giá bồi thường theo quy định. Để thuận lợi cho việc triển khai dự án, tháng 5/2023, UBND huyện Nông Cống ra thông báo dừng việc sản xuất để hội đồng giải phóng mặt bằng phối hợp với chủ đầu tư thực hiện các bước thu hồi đất theo quy định.

Đất kiểm kê xong, thế nhưng khi chi trả tiền đền bù, nhiều người dân tại thôn Ban Thọ “tá hỏa” vì diện tích đất thu hồi bị giảm xuống khá nhiều, không đúng với cam kết ban đầu.

Phần diện tích đất xen kẹt nằm bên trong dự án đường Vạn Thiện - Bến En đoạn qua huyện Nông Cống khó canh tác vì hệ thống thủy lợi bị vùi lấp khi thực hiện dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Phần diện tích đất xen kẹt nằm bên trong dự án đường Vạn Thiện - Bến En đoạn qua huyện Nông Cống khó canh tác vì hệ thống thủy lợi bị vùi lấp khi thực hiện dự án. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Nguyễn Thị Nhung (thôn Ban Thọ, xã Vạn Thắng) có hơn 1.600m2 đất nông nghiệp, chia làm 3 thửa đất, tương ứng diện tích 201m2, 406m2 tại đồng Mạ và 1.000m2 tại đồng Gò Mống. Trong phương án đền bù được công khai trước đó, toàn bộ diện tích trên của bà Nhung sẽ được thu hồi để thực hiện dự án cụm công nghiệp. Tuy nhiên, thay vì đền bù toàn bộ diện tích hơn 1.600m2 như trích đo trước đó, hộ gia đình này chỉ nhận được đền bù diện tích hơn 1.000m2 tương đương số tiền 140 triệu đồng (trong diện tích 1.000m2 tại đồng Gò Mống chỉ thu hồi 706m2; diện tích đất tại đồng Mạ chỉ thu hồi 343m2/707m2. Diện tích 201m2 không thu hồi).

“Khi người dân hỏi tại sao chính quyền không thu hồi hết diện tích đất như ban đầu đã kiểm kê và cam kết thì cán bộ trả lời, bây giờ chỉ tạm thời thu hồi thế đã, khi nào có phương án thu hồi bồi thường mới sẽ thông báo cho dân sau. Diện tích đất còn lại của gia đình tôi giờ mỗi nơi mỗi mảnh nhỏ hẹp, xen kẹt giữa dự án cụm công nghiệp và làm đường, không có mương máng tưới tiêu nên không thể canh tác, sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Nhung (thôn Ban Thọ) bức xúc vì dự án thu hồi đất 'nửa vời'. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Nguyễn Thị Nhung (thôn Ban Thọ) bức xúc vì dự án thu hồi đất "nửa vời". Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều hộ dân khác cho biết, sau khi thay đổi phương án thu hồi (giảm diện tích thu hồi) người dân không nhận được thông báo và quyết định thu hồi đất gửi cho từng hộ. Thay vào đó, người dân được cán bộ hướng dẫn ký tên vào sổ sau khi nhận tiền. Một số hộ dân khác cho rằng, việc thu hồi đất có sự chồng chéo giữa các dự án khiến họ không biết đường nào để nhận tiền đền bù.

Bà Lê Thị Vân (thôn Ban Thọ) có khoảng 100m2 đất tại cánh đồng Mạ. Dự kiến khi thu hồi đất thực hiện dự án cụm công nghiệp, bà Vân sẽ nhận được khoảng 13 triệu đồng tiền bồi thường và các khoản hỗ trợ khác. Tuy nhiên, thực tế hộ gia đình này mới nhận được hơn 8,6 triệu đồng.

“Họ nói khoản tiền đền bù này là tiền thu hồi đất để làm dự án đường chứ không phải dự án cụm công nghiệp chi trả bồi thường. Thế nhưng, khi dự án làm đường chi trả tiền cho dân thì gia đình tôi lại không có danh sách. Khi tôi hỏi, vậy ai sẽ thanh toán số tiền còn lại thì họ lại nói dự án cụm công nghiệp sẽ trả tiền. Giờ người dân biết tìm ai để nhận tiền đây”.

Cũng theo các hộ dân tại thôn Ban Thọ, mặc dù dự án cụm công nghiệp chưa hoàn tất việc trả tiền bồi thường cho các hộ dân theo đúng diện tích cam kết trước đó, thế nhưng đơn vị thi công đã bắt đầu san nền, tập kết máy móc, thi công công trình, bất chấp sự phản ứng từ phía người dân.

Để diện tích đất xen kẹt, dân không thể sản xuất

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thay đổi phương án đền bù đất cho người dân (giảm diện tích đền bù) xuất phát từ quyết định điều chỉnh chủ trương dự án cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, năm 2021, tại quyết định thành lập cụm công nghiệp nói trên, diện tích khu đất để thực hiện dự án là 49,87ha với tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, tháng 12/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch dự án, quy mô dự án sử dụng đất còn 43,82ha (giảm hơn 6ha so với ban đầu).

Việc giảm quy mô dự án để nhường đất cho dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 45 với đường Vạn Thiện - Bến En đoạn qua địa phận huyện Nông Cống giai đoạn 1. Điều này kéo theo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng thay đổi. Phần diện tích đất trước đây nằm trong kế hoạch thu hồi để làm cụm công nghiệp thì nay chuyển sang thu hồi để thực hiện dự án làm đường. Hệ lụy là, phần đất xen kẹt giữa dự án làm đường và dự án cụm công nghiệp khó canh tác thậm chí có nguy cơ hoang hóa.

Nhiều người dân có mặt tại nhà văn hóa thôn Ban Thọ, đề đạt nguyện vọng bồi thường đất. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều người dân có mặt tại nhà văn hóa thôn Ban Thọ, đề đạt nguyện vọng bồi thường đất. Ảnh: Quốc Toản.

Theo UBND xã Vạn Thắng (Nông Cống, Thanh Hóa) tại thôn Ban Thọ và Đông Tài có hơn 60 hộ dân có đất nông nghiệp có diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ, xen kẹt, khó canh tác nằm giữa hai dự án với diện tích hơn 2,1ha. Đây là diện tích đất ngoài mốc giới sau khi chính quyền điều chỉnh quy hoạch dự án cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ.

Ông Châu Hồng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã họp và tập hợp kiến nghị của người gửi huyện để xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, việc thu hồi phần diện tích đất còn lại không thể ngày một, ngày hai có thể thực hiện được và UBND xã cũng không có thẩm quyền để thực hiện việc này".

Cũng theo ông Tuấn, diện tích đất xen kẹt ngoài mốc giới rất khó để bà con canh tác sản xuất do mắc kẹt giữa một bên là dự án đường giao thông kết nối Quốc lộ 45 với đường Vạn Thiện - Bến En đoạn qua địa phận huyện Nông Cống giai đoạn 1. Nguyên nhân là do, diện tích đất sản xuất còn lại sau khi thu hồi rất nhỏ, lẻ và hệ thống thủy lợi bị ảnh hưởng do quá trình thi công, thực hiện dự án. Nếu canh tác phải đầu tư hạ tầng thủy lợi khá tốn kém.

Dù dự án làm đường chưa hoàn thành việc bồi thường nhưng máy móc vẫn thi công rầm rộ. Ảnh: Quốc Toản.

Dù dự án làm đường chưa hoàn thành việc bồi thường nhưng máy móc vẫn thi công rầm rộ. Ảnh: Quốc Toản.

Trước đề xuất của người dân về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất xen kẹt, đại diện phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống thì cho rằng, việc này phải chờ ý kiến cấp trên.

“Đối với phần diện tích đất xen kẹt dưới 150m2 có hình thửa phức tạp, không đảm bảo sản xuất, chúng tôi phải đưa ra hội đồng giải phóng mặt bằng của huyện để xét mới thu hồi được. Còn diện tích trên 150m2, huyện phải xin ý kiến của tỉnh. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Cụm công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ, huyện đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh cho phép huyện Nông Cống thu hồi hết diện tích còn lại”, ông Trịnh Ngọc Phúc, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống cho biết.

Trước sự việc trên, người dân đã có đơn gửi cấp có thẩm quyền, đề nghị vào cuộc làm rõ, nhằm đảm bảo quyền lợi của các hộ dân có đất bị thu hồi bởi dự án.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.