| Hotline: 0983.970.780

Mệt mỏi 'tàu 67': [Bài 2] Tàu mất, bất lợi đủ đường

Thứ Tư 27/03/2024 , 14:47 (GMT+7)

Việc nhiều tàu cá phá sản khiến ngư dân lâm vào cảnh thất nghiệp, ngân hàng không thể thu hồi hết số nợ đã cho vay.

Từ 58 tàu còn... 18 tàu

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ được xem là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Theo đánh giá của nhiều ngư dân có tàu đóng mới theo Nghị định 67, thời gian đầu, kết quả sau mỗi chuyến biển cho thấy, phương tiện đóng theo Nghị định 67 hiệu quả kinh tế khá hơn so với các đội tàu truyền thống của địa phương. Các phương tiện đảm bảo tính an toàn cao cho người và tài sản. 

'Tàu 67' nằm bờ sửa chữa. Ảnh: Quốc Toản.

"Tàu 67" nằm bờ sửa chữa. Ảnh: Quốc Toản.

Các ngư dân cho biết, tàu vỏ sắt có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu vỏ gỗ về độ an toàn, di chuyển rất nhanh; khoang rộng chứa được nhiều ngư cụ, nguyên liệu bảo quản, vật dụng sinh hoạt; được thiết kế hiện đại từ hệ thống buồng lái, đèn chụp đến cần cẩu... nên có thể đánh bắt xa bờ cả tháng trên biển và hiệu quả đánh bắt cao. Nhiều chủ "tàu 67" vươn khơi, đánh bắt xa bờ có hiệu quả, trả nợ ngân hàng đúng hạn.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, nhiều tàu cá do khai thác không đạt sản lượng, khiến việc trả nợ gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế trên, các ngân hàng rơi vào tình thế buộc phải khởi kiện chủ "tàu 67", thu tàu, bán đấu giá.

Bài liên quan

Toàn toàn tỉnh Thanh Hóa có 58 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 gồm 17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác, trong đó có 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ. Tuy nhiên, sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay có 40 tàu thường xuyên hoạt động thua lỗ, không thực hiện trả nợ vốn vay ngân hàng theo quy định và bị ngân hàng khởi kiện bán đấu giá. Trong số này có 13 tàu bán sang tỉnh ngoài, 26 tàu bán trong tỉnh, 1 tàu khai thác đang thu giữ, bán đấu giá.

Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 18 "tàu 67" đang hoạt động gồm 3 tàu dịch vụ hậu cần và 15 tàu khai thác, trong đó có 11 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ gỗ. Các tàu tổ chức sản xuất trên biển theo tổ đoàn kết, khai thác ở ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ. Một số chủ tàu đã mở rộng khai thác ở ngư trường miền Trung, miền Nam và vùng biển xa, sản lượng khai thác có hiệu quả, hoạt động ổn định và duy trì trả nợ cho ngân hàng. 

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, cho biết: Ngoài nguyên nhân do nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt, chi phí vận hành tăng cao, thì ngư dân còn gặp khó do ngư trường khai thác bị thu hẹp do Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc hết hiệu lực, các tàu cá không được sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ khai thác. 

Ngoài ra, nhiều chủ tàu chưa thực hiện trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng, cố tình chây ì, không trả nợ làm phát sinh các vụ kiện ra tòa án, dẫn đến phải thực hiện quy trình thi hành án dân sự và bán đấu giá theo quy định. 

Nhiều tàu không thể sử dụng, ngân hàng, ngư dân đều thiệt

Theo Cục Thi hành án dân sự Thanh Hóa, số tiền vay theo hợp đồng tín dụng để đóng "tàu 67" là hơn 600 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến cuối năm 2023, số tiền phải thi hành án là hơn 300 tỷ đồng, đã thi hành được khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền còn lại là “nợ xấu” khó thu hồi do người bị thi hành án không còn tài sản.

Ông Lê Viết Tám, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án (Cục Thi hành án Dân sự Thanh Hóa) cho biết: “Giá trị các "tàu 67" sau khi định giá và bán đấu giá thấp bởi tàu xuống cấp trầm trọng. Hầu hết khách hàng mua tàu chỉ lấy phần phụ tùng, máy móc, thiết bị để sử dụng. Tỷ lệ tàu cá sau khi bán đấu giá, sửa chữa có thể hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay”. 

Cũng theo ông Tám, cơ quan thi hành án rất vất vả khi xác minh hiện trạng tài sản vì tàu đang neo đậu ở những vùng biển rất xa (thường là các tỉnh phía Nam). Cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện lai dắt về để xử lý, dẫn đến phát sinh các chi phí và kéo dài trong quá trình tổ chức thi hành án.

Tàu cá neo đậu tại cảng cá Hải Bình, thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Quốc Toản.

Tàu cá neo đậu tại cảng cá Hải Bình, thị xã Nghi Sơn. Ảnh: Quốc Toản.

Thực tế cho thấy, khi chủ tàu vỡ nợ, cả ngân hàng và ngư dân đều chịu thiệt. Ngân hàng thu hồi nợ khó khăn, thậm chí số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản chỉ bằng một phần nhỏ so với số vốn cho vay. Trong khi đó, vì không trả được nợ, ngư dân lâm vào cảnh mất tàu, thậm chí có người mất luôn nhà ở và các tài sản thế chấp khác.

Một số chủ tàu cá cho biết, với phương án trả nợ mà các ngân hàng áp dụng như hiện nay sẽ rất khó cho ngư dân cầm cự được lâu. Trong khi đó, một số tàu đóng mới theo Nghị định 67 còn lại đang hoạt động buộc phải di chuyển vào vùng biển phía Nam tìm ngư trường khai thác để duy trì thu nhập, trả lãi ngân hàng.

Ngư dân Nguyễn Văn Tuy, chủ tàu vỏ thép TH-93666-TS cho biết, với số nợ lên tới hàng chục tỷ, mỗi quý anh phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 300 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi dài ngày tiêu tốn cả trăm triệu đồng. Theo nhẩm tính của anh Tuy, nếu mỗi tháng tàu không thể khai thác được sản lượng quy đổi thành tiền khoảng 400 triệu đồng thì không đủ chi phí trả tiền công lao động, nhiên liệu và tiền lãi ngân hàng. 

Cũng theo anh Tuy, có thời tàu cá của anh phải nằm bờ nhiều tháng liền để tu sửa, tiêu tốn khoảng 600-700 triệu đồng, nhưng định kỳ vẫn phải trả lãi ngân hàng. Nếu không thanh toán lãi, gốc đúng hạn thì sẽ bị quy vào "nợ xấu", dẫn đến khả năng mất tàu. Từ những khó khăn trên, chủ tàu vỏ thép đề nghị ngân hàng có thêm chính sách hỗ trợ, để giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm khai thác và thanh toán nợ.

“Sản lượng hải sản khai thác phụ thuộc theo mùa, nên có tháng được, tháng mất. Trong khi đó, việc khai thác chỉ tập trung vào mấy tháng hè nên thu nhập trong năm không đều, khiến việc trả nợ định kỳ gặp nhiều khó khăn. Nếu được ngân hàng giãn nợ, hoặc khoanh nợ, hạ lãi suất thì chúng tôi sẽ đảm bảo khả năng trả nợ tốt hơn”, anh Tuy chia sẻ.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác hải sản, trong đó có "tàu 67" đóng mới đang hoạt động, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tổ chức khai thác hải sản theo hướng tập trung thành các tổ đội, tổ đoàn kết trên biển; ứng dụng máy dò ngang Sonar, định vị vệ tinh; tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng… cho các tàu khai thác xa bờ; xây dựng cơ sở dữ liệu tàu thuyền đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh nhằm đưa công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khai thác.

Không chỉ chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong hoạt động khai thác, bà con lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bọt xốp Polyurethane (PU), lót hầm tàu bằng inox... để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp tỷ lệ cá đạt chất lượng cao trên 90%.

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, cho biết, để phát huy hiệu quả hoạt động khai thác của "tàu 67", cơ quan có trách nhiệm đã hướng dẫn ngư dân sản xuất theo mô hình tổ đoàn kết trên biển, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết sản xuất giữa khai thác và làm dịch vụ hậu cần trên biển và mở rộng ngư trường khai thác ở Nam Trung bộ, Đông Nam bộ để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Không để tình trạng manh mún, mạnh ai nấy ra khơi, không hiệu quả trong sản xuất dẫn đến thua lỗ. Hiện nay, số 'tàu 67' còn lại đang hoạt động khá hiệu quả, đảm bảo sản lượng khai thác, có thu nhập, thanh toán lãi suất đều đặn cho ngân hàng.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.