| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân 2021 - 2022, Đồng Tháp Mười năng suất tăng hơn 20%

Thứ Sáu 29/04/2022 , 07:20 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2021 - 2022, các diện tích lúa áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng Tháp Mười năng suất tăng 10 - 15%, có nơi tăng tới 20%.

Đồng Tháp Mười trải rộng trên địa phận 3 tỉnh là Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Từ một vùng "đất chết", nơi mà các chuyên gia nước ngoài từng lắc đầu và khẳng định không thể khai phá, hoặc muốn khai thác trồng lúa 1ha thì kinh phí xử lý tốn cả triệu USD…

Thế nhưng hiện nay, khu vực Đồng Tháp Mười đã trở thành một trong những vựa lúa lớn của ĐBSCL và cả nước. Dù vậy, những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến việc sản xuất lúa của bà con nơi đây gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Nhờ áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh, nông dân đã tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, năng suất lại tăng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ áp dụng mô hình canh tác lúa thông minh, nông dân đã tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, năng suất lại tăng cao. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Bùi Văn Ra, một nông dân làm lúa lâu năm tại ấp Phước Cường, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh (Long An) cho biết, vùng này có khoảng 200ha sản xuất lúa theo điều kiện tự nhiên. Sau khi nước lũ rút mới gieo sạ, do chưa có hệ thống đê bao, nông dân chỉ sản xuất 2 vụ/năm.

Lượng giống gieo sạ truyền thống từ 120 - 150 kg/ha. Ở vụ đông xuân 2021 - 2022, gia đình anh Bùi Văn Ra và 3 hộ tham gia mô hình canh tác lúa thông minh đã giảm được lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha. Trước khi xuống giống, chương trình đã lấy mẫu đất phân tích để biết các chỉ số pH, canxi/magiê (Ca/Mg). Ruộng nhà anh và các hộ trong mô hình được các nhà khoa học xếp vào nhóm 2 với chỉ số Ca/Mg từ 1 - 3. Và 4 mô hình của 4 hộ đều thực hiện bón phân theo công thức bón khác nhau để so sánh và tìm ra công thức bón phân phù hợp nhất để mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo anh Ra, thời gian đầu khi thực hiện mô hình, nhiều giải pháp canh tác mới đã được áp dụng. Khi thực hiện mô hình, cũng là lúc giá vật tư nông nghiệp tăng và giá lúa giảm, tạo ra tâm lý lo lắng cho cả anh và tất cả các hộ tham gia.

Nhưng rồi kết quả cuối vụ, tất cả các mô hình đều đạt rất tốt. Bà con ai nấy đều phấn khởi vui mừng. Năng suất của mô hình đạt 9,1 tấn/ha, so với đối chứng là 8,1 tấn/ha, tăng 13%. Lợi nhuận của mô hình đạt 30.124.000 đồng/ha, so với đối chứng là 27.136.000 đồng/ha, tăng hơn 2.988.000 đồng/ha, tăng 11%.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, mô hình canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng Tháp Mười cho năng suất tăng hơn 20%. Ảnh: NNVN.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, mô hình canh tác lúa thông minh tại vùng Đồng Tháp Mười cho năng suất tăng hơn 20%. Ảnh: NNVN.

Thực tế, số liệu tổng kết mô hình canh tác lúa thông minh vụ đông xuân 2021 - 2022 cho thấy về năng suất, chương trình vừa trình diễn vừa thử nghiệm các nghiệm thức phân bón khác nhau nên có sự biến động về năng suất thu được giữa các ruộng. Tuy nhiên, gần như tất cả các ruộng mô hình đều tăng năng suất so với bình quân đối chứng.

Theo số liệu tổng hợp từ ruộng mô hình đạt năng suất tốt nhất so với bình quân đối chứng cho thấy, nhiều mô hình đã tăng năng suất trên 15%, các mô hình còn lại cũng phổ biến xung quanh mức tăng 10%. Đáng chú ý, ở vùng Đồng Tháp Mười ghi nhận tại Tháp Mười (Đồng Tháp) năng suất tăng cao trên 20%.

Vụ đông xuân 2021 - 2022 là vụ đầu tiên của năm thứ 2 theo thoả thuận hợp tác triển khai chương trình canh tác lúa thông minh giai đoạn 2020 - 2022 do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp thực hiện tại ĐBSCL. Đây cũng là mùa vụ có quy mô triển khai lớn nhất từ trước đến nay, ngay trong lúc tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại ĐBSCL, với tổng cộng 24 mô hình và 96 nông dân tại 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL tham gia thực hiện.

Với những thành công ngoạn mục của vụ đông xuân 2021 - 2022, nông dân giờ đây rất mong mỏi chương trình sẽ được nhân rộng ra toàn vùng ĐBSCL và cả nước. Mỗi cá nhân sau khi được tham gia mô hình đều tâm đắc truyền nhau kinh nghiệm canh tác, nhất là trong mùa vụ hè thu 2022 sắp tới.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.