| Hotline: 0983.970.780

Vựa chuối Khoái Châu có nguy cơ bị 'xóa sổ'

Thứ Ba 16/11/2021 , 01:25 (GMT+7)

HƯNG YÊN Nhiều loại bệnh, nhất là bệnh vàng lá hoành hành đang khiến vựa chuối huyện Khoái Châu (Hưng Yên) dần lụi tàn, có nguy cơ bị 'xóa sổ'.

Cây chuối "hết thời hoàng kim"

Huyện Khoái Châu từng là vựa chuối tiêu hồng của tỉnh Hưng Yên, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2015. Vào thời kỳ cao điểm, diện tích chuối tiêu hồng của huyện này tới gần 600 ha, sản lượng ước trên 23 nghìn tấn/năm. Chuối tiêu hồng được trồng thâm canh chủ yếu tại các xã vùng bãi ven sông Hồng như Liên Khê, Đại Tập, Đông Ninh, Đông Kết, Tân Châu, Tứ Dân.

Vườn chuối tiêu hồng Khoái Châu ở thời kỳ hoàng kim. Ảnh: H.Tiến.

Vườn chuối tiêu hồng Khoái Châu ở thời kỳ hoàng kim. Ảnh: H.Tiến.

Nhờ trồng chuối tiêu hồng, nhiều hộ dân ở Khoái Châu đã phất lên làm giàu, nhà cao cửa rộng, xe ô tô đẹp, nhất là bộ phận cư dân sống ở khu vực đất bãi ngoài đê sông. Niềm vui đổi đời một thời luôn rạng ngời trên khuôn mặt mỗi nhà nông ở đây…

Nhưng đó là cảnh của những năm 2003 - 2016. Bây giờ thì ngược lại. Cây chuối tiêu hồng đã vắng bóng hẳn trên đồng đất nơi đây. Xã Tứ Dân là nơi khởi nguồn và là địa phương trồng chuối tiêu trọng điểm của huyện Khoái Châu nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung hiện cũng chỉ còn khoảng 40 ha chuối tiêu hồng, bằng 25% diện tích so với "thời hoàng kim".

Các xã trồng chuối khác trong huyện cũng nằm chung cảnh ngộ. Có thể chỉ vài ba năm nữa, vựa chuối tiêu hồng Khoái Châu sẽ chỉ còn trong tiềm thức của thương lái buôn chuối. 

Bà Phạm Thị Vân ở thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân nhớ lại: Vào thời kỳ phát đạt, tại ngã 3 làng này, lúc nào cũng có 3 - 4 “mỏ” cân thu mua chuối cho người dân trong thôn và phụ cận. Khung cảnh bán, mua tấp nập suốt ngày đêm. Nhất là vào những tháng cuối năm, làng Năm Mẫu đông vui như ngày hội, ô tô khắp các tỉnh thành miền Bắc đổ về thu gom chuối. Các dịch vụ ăn theo như xe ôm, ô tô chở chuối và dịch vụ cung ứng nhu yếu phẩm cho khách vãng lai cũng được đà “phất” lên trông thấy.

“Giờ chỉ còn già 2 tháng là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhưng tuyệt nhiên không một bóng xe về “ăn” chuối. Bởi khu vực này còn bao nhiêu chuối tiêu hồng nữa đâu mà thương lái đến cân”, bà Vân ngậm ngùi.

Vô phương cứu chữa...

Cây chuối tiêu hồng bị tàn lụi trên đồng ruộng Khoái Châu do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do đất trồng bị nhiễm dịch bệnh rất nặng. Nhiều diện tích chuối tiêu bị các triệu chứng như vàng lá, héo rũ, gãy ngọn, nứt gốc, bên trong thân giả còn có màu nâu đen và hôi thối rất khó chịu. Các diện tích chuối bị nhiễm bệnh này sẽ không có thu hoạch.

Vài nhà vườn xã Tứ Dân cố trồng lại chuối tiêu hồng nhưng bị nhiễm bệnh vàng lá rất nặng: Ảnh: H.Tiến.

Vài nhà vườn xã Tứ Dân cố trồng lại chuối tiêu hồng nhưng bị nhiễm bệnh vàng lá rất nặng: Ảnh: H.Tiến.

Theo người dân trồng chuối ở đây, ban đầu (năm 2016), bệnh mới chỉ phát sinh gây hại trên vài cây, coi như "không chấp”. Nhưng từ năm 2018 đến nay, bệnh ngày càng lan rộng ra khắp các cánh đồng trong khu vực.

Bà con nông dân đã phun đủ các loại thuốc BVTV, đổi phân bón vô cơ sang hữu cơ, hữu cơ vi sinh, mua cả cây giống nuôi cấy mô về trồng, bệnh vẫn không thuyên giảm. Thời tiết càng mưa, bệnh càng lây lan nhanh hơn, gây hại nặng hơn và rộng hơn.

Do vậy đến nay, hầu hết các nhà nông không còn thiết tha canh tác chuối tiêu hồng. Bởi vì càng trồng càng âm vào vốn. Đây là lý do 3 năm nay, vựa chuối tiêu hồng Khoái Châu liên tục thất thu.

Trước thực trạng trên, một số hộ đã nhanh nhạy thuê được ruộng ở các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam… để khai thác lợi thế đất bãi ven sông giàu dinh dưỡng cho trồng chuối tiêu hồng. Còn lại, đa số người trồng chuối còn lại, phải mạnh ai nấy làm, chuyển đổi sang trồng nhiều loại cây ăn quả và rau màu khác như cam, quýt, bưởi, nhãn, ổi, chuối tây và rau, dưa, đậu đỗ...

Tuy nhiên, do suốt thời gian trên 10 năm chỉ thâm canh một loại cây là chuối tiêu hồng, đã làm cho đất bị suy kiệt, nhiễm nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy, sau khi chuyển đổi sang các cây trồng khác, hiệu quả sản xuất cũng không đáng kể so với trồng chuối tiêu hồng những năm trước đó.

Nhiều diện tích chuối tiêu đã được người dân chuyển sang trồng chuối tây, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn đang rình rập. Ảnh: H.Tiến.

Nhiều diện tích chuối tiêu đã được người dân chuyển sang trồng chuối tây, nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn đang rình rập. Ảnh: H.Tiến.

Hiện nay, cây chuối tây đang được trồng với diện tích khá lớn ở huyện Khoái Châu nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung. So với chuối tiêu hồng, chuối tây không có nhiều lợi thế, do mùa thu hoạch chính là các tháng mùa hè, phải chịu áp lực tiêu thụ rất lớn từ các loại trái cây cùng vụ thu hoạch như nhãn, vải, xoài, dứa, mít, dưa các loại...

Mặt khác, nếu cây chuối tây sống liên tục nhiều năm trên cùng chân ruộng, cũng rất dễ mắc bệnh vàng lá do virus, do nấm. Đây đều là những bệnh hiện chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Thực tế là, đang có một tỷ lệ nhỏ diện tích chuối tây cũng đã bị nhiễm bệnh vàng lá. Đây là những bài toán cần các cấp ngành chuyên môn sớm có lời giải để tránh bị dịch bệnh xóa sổ như vựa chuối tiêu hồng Khoái Châu. 

Đến năm 2021, toàn tỉnh Hưng Yên có gần 2.700 ha chuối các loại. Trong đó diện tích chuối tây chiếm đa số. Chuối được trồng chủ yếu tại các xã vùng bãi ven sông của các huyện Khoái Châu, Kim Động và Thành phố Hưng Yên.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.