| Hotline: 0983.970.780

Vựa rừng xứ Tuyên: Rừng xanh lấn núi trọc, đồi hoang

Thứ Tư 05/05/2021 , 09:56 (GMT+7)

Hơn 20 năm trước, chuyện trồng rừng ở Tuyên Quang khiến ai cũng ngao ngán. Người dân sợ trồng rừng sẽ không có cái ăn, rồi cái nghèo cứ bám chặt lấy cả đời người.

Những cánh rừng gỗ lớn trên đỉnh núi Bầu của huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.

Những cánh rừng gỗ lớn trên đỉnh núi Bầu của huyện Sơn Dương. Ảnh: Đào Thanh.

Những cánh cửa vội vàng khép chặt

Những người có thâm niên gắn bó với rừng ở các làng quê ở Tuyên Quang kể rằng, hơn 20 năm trước người dân ở các bản làng nơi đây thích trồng sắn, trồng ngô hơn trồng rừng. Tỉnh có chủ trương nếu dân cố tình trồng sắn vào diện tích đất lâm nghiệp thì phải vận động nhổ bỏ để trồng keo, trồng bạch đàn.

Các thôn trước đây chưa đông như bây giờ. Mỗi thôn khoảng 30 nóc nhà, mỗi nóc nhà ở một quả đồi. Đường đi lại rất khó. Một ngày mỗi cán bộ lâm nghiệp, khuyến lâm cũng chỉ đến được khoảng 3 - 4 nhà dân để vận động. Thế nhưng hôm thì họ đi vắng, khi có nhà nhưng thấy cán bộ đến là những bóng người đang quanh quẩn ở góc sân, mảnh vườn nhanh chân lẩn mất. Mỗi cảnh cửa từ phía các ngôi nhà vội vàng khép chặt.

Dân “ghét” cán bộ lâm nghiệp, khuyến lâm đến mức, dù không bàn nhau nhưng hầu như làng nào cũng có những thanh niên choai choai chuyên “phá xe” của cán bộ. Mục đích để cán bộ nản không dám đến kiểm kê hay vận động các hộ dân trồng rừng nữa.

Anh Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang ngày ấy là cán bộ trẻ của lâm trường Sơn Dương kể lại rằng, có những hôm giữa trưa hè, cán bộ đi rừng về áo ướt đầm đìa, bụng đói meo nhưng khi về nhìn thấy xe máy hôm thì bánh hết sạch hơi, hôm thì mất gương chiếu hậu, hôm thì bị rách yên…

Dù xe bị hỏng lại còn phải nhận những lời mắng xối xả nhưng anh Khoa và những cán bộ kiểm lâm khác chẳng nỡ trách dân. Bởi các anh đều hiểu rằng, dân làm vậy vì sợ không được trồng sắn, lũ trẻ con nheo nhóc của họ sẽ không được no cái bụng.

Rồi những cán bộ như anh Khoa nghĩ cách cho các hộ dân nhận trồng rừng được trồng xen với cây sắn. Thế nhưng đến lúc sắn được thu hoạch dân nhổ sắn, nhổ luôn cả cây rừng. Vì thế năm thứ nhất thì còn cây rừng, nhưng đến năm thứ 2 cây thưa dần và năm thứ 3 thì đồi trọc không còn một bóng cây rừng trồng.

Từ trồng rừng, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đào Thanh.

Từ trồng rừng, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang đã có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đào Thanh.

Mang ô tô chở… tiền về làng

Thằng Khoa phải không? Lâu lắm rồi mới thấy mặt về làng, mái đầu cũng điểm bạc giống ông Ké (cách nói về người nhiều tuổi) rồi đấy! Ông Phạm Đức Thắng, ở thôn Thái Sơn Tây, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương - người người tiên phong trong phong trào trồng rừng phát triển kinh tế ở tỉnh Tuyên Quang giọng hào hứng, thân mật tiếp đoàn chúng tôi.

Sau 20 năm gắn bó với mảnh đất Đại Phú, nay anh Khoa có dịp trở lại. Ngày trước, để lấy được niềm tin của dân, anh Khoa nghĩ cách tiếp cận với những người có uy tín, những người có máu làm giàu ở làng như ông Thắng để vận động chọn làm mẫu; hỗ trợ ông từ thiết kế, giao đất, giao rừng, đảm bảo cây rừng phát triển.

Thấy anh Khoa cùng các cán bộ lâm nghiệp khác mãi loay hoay, rầu rĩ chuyện dân không chịu hợp tác trồng rừng xanh, ông Thắng mách nước: Muốn làng nghe theo thì cán bộ phải cho người làng nhìn thấy cái oách của người trồng rừng.

Nghe lời ông Thắng, đến cuối vụ trồng rừng năm ấy anh Khoa và các anh em khác xin cấp trên duyệt cho mang ô tô về trả tiền cho dân. Cả làng ngỡ ngàng khi thấy anh Khoa cùng đoàn cán bộ mang theo cả “ô tô tiền” chở về nhà ông Thắng. Khi ấy chuyện xuất hiện ô tô về như sự kiện lạ lẫm của làng. Đến khi trả tiền, anh bảo ông Thắng mời lãnh đạo thôn, lãnh đạo xã và bà con lối xóm vào cùng chứng kiến. Khi ấy, lương cán bộ như anh Khoa chỉ được có hơn 300 nghìn đồng/tháng, vậy mà nhiều hộ dân trồng rừng được nhận cả mấy chục triệu đồng.

Thấy những vị có uy tín trong làng đã tham gia trồng rừng lại còn được nhận món tiền lớn từ hỗ trợ trồng rừng của nhà nước mang lại, những vụ sau đó, người dân bắt đầu say mê việc leo đồi, bạt núi, hào hứng tiếp nhận gian khó và nuôi hi vọng, khát vọng với rừng xanh.

Khu rừng được cấp chứng chỉ FSC của gia đình ông Phạm Đức Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Khu rừng được cấp chứng chỉ FSC của gia đình ông Phạm Đức Thắng. Ảnh: Đào Thanh.

Tôi hỏi ông Thắng: Tại sao ngày ấy ông lại nhận trồng rừng trong khi người dân chỉ thích trồng sắn, trồng ngô? Ông đáp: Xác định trồng rừng là quăng mình vào cái khổ, cái gian nan. Nhưng đã nhận lời với cán bộ là phải làm. Vợ ông dù luôn cằn nhằn, con ông dù luôn bàn lùi nhưng trước quyết tâm của ông thì đều răm rắp nghe theo. Bởi thế, chỉ trong 3 năm cả nhà cùng chung lưng đấu cật cùng nhìn về một hướng, cùng dốc sức trồng rừng ông Thắng đã sở hữu hơn 50ha rừng ở Đại Phú.

Năm 2002, những cây gỗ to bằng thùng nước, to bằng cái mũ cối được bán, ông Thắng thu lãi 1,2 tỷ đồng. Thời điểm ấy đây là số tiền khổng lồ mà cả làng, cả xã đều mơ cũng chẳng dám nghĩ tới.

Vụ năm nay là chu kỳ thứ 3 rừng của ông Thắng chuẩn bị cho thu hoạch. Với 30ha rừng nhận trồng liên doanh với Công ty lâm nghiệp Sơn Dương, trừ các khoản chi phí ông còn lãi 50 triệu đồng/ha. Còn hơn 20ha rừng của gia đình đứng tên, chắc chắn số tiền lãi thu về sẽ gấp đôi.

Ở cái tuổi gần 70, ông Thắng chẳng khoe đủ sức với đám thanh niên tuổi đôi mươi. Nhưng việc vác cuốc, leo đồi, bạt cỏ, băng dốc thì chưa khi nào ông ngao ngán. Bởi cả nửa đời ông gắn bó với rừng xanh và rừng rèn cho ông nước da nâu đen bóng, cho sức vóc dẻo dai và cuộc sống chẳng phải lo về cái nghèo. Bởi vậy, dù ngoài trời mưa phùn lất phất bay, mưa như bôi mỡ vào nền đường đèo vậy mà ông già 70 tuổi vẫn phăm phăm leo dốc để dẫn đường đưa chúng tôi đi tham quan khu rừng của nhà ông trên đỉnh núi Bầu.

Nhân rộng rừng xanh

Trên đỉnh núi Bầu là ầm ầm cây gỗ rừng trồng lao xuống thung lũng. Tiếng ô tô tải chở gỗ gầm gào bò lên triền dốc. Những chiếc cưa máy đặt sát gốc cây rồi răm bay tung tóe cả một vùng đất. Trong giây lát những cây keo to bằng ấm đun nước, to bằng cái mũ cối nằm la liệt trên mặt đất…

Anh Nguyễn Tiến Khanh, Phó giám đốc Công ty TNHH lâm nghiệp Sơn Dương bảo rằng, rừng của ông Thắng luôn là khu rừng đẹp và cho sản lượng cao nhất ở vùng núi Bầu. Sản lượng rừng ở Sơn Dương trung bình là 80m3/ha nhưng rừng của ông Thắng thường đạt 100m3/ha. Cũng phải, bởi ngay từ đầu vụ trồng ông Thắng đã nắm chắc kỹ thuật xử lý thực bì, cuốc hố rồi chăm sóc một cách khoa học và bài bản. Khi rừng lớn ông bỏ sức, bỏ công, bỏ tiền thuê người bón phân, làm cỏ tỉa cành theo đúng quy cách.

Không chỉ trồng rừng giỏi, ông Thắng còn tích cực chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế của rừng cho các hộ dân trong thôn, trong xã. Ảnh: Đào Thanh.

Không chỉ trồng rừng giỏi, ông Thắng còn tích cực chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế của rừng cho các hộ dân trong thôn, trong xã. Ảnh: Đào Thanh.

Tôi hỏi ông Thắng: Bí quyết của ông là gì? Ông bảo: Nhất giống, nhì cần, tam phân, tứ nước. Cây rừng cũng cần nước nhưng không cần quá nhiều như sản xuất lúa và cây rau màu. Điều quan trọng nhất vẫn là giống và sự cần mẫn chăm sóc của chủ rừng.

Điều khiến ngành lâm nghiệp ở miền núi xứ Tuyên càng nhớ về ông Thắng nhiều hơn là việc ông đã góp phần quan trọng khởi dậy tinh thần yêu rừng; giúp đỡ và hướng dẫn để hình thành nên cả một thế hệ sau này của làng nhân rộng việc trồng rừng và làm giàu từ rừng xanh.

Như khi gia đình anh Trang Nga, gia đình ông Huynh, ông Vẫn… người cùng làng thiếu cây giống, thiếu đất ông nhường một phần diện tích đất rừng của mình cho. Lúc họ chưa tự tin, sợ trồng rừng đã nghèo còn thêm gánh gợ từ rừng thì không biết tương lai ra sao, ông bảo cứ trồng nếu thua ông sẽ gồng ghánh hộ. Nghe ông, hộ bắt tay trồng rừng. Và nhờ rừng mà từ những hộ nghèo khó giờ họ đều có trong tay tiền trăm, tiền tỷ sau mỗi vụ rừng cho thu hoạch.

Sau buổi đi rừng về, khi quây quần bên mâm cơm, nâng ly rượu lên ông Thắng cười tự hào: “Ở mảnh đất này, trong ngôi nhà này tôi may mắn được hưởng 3 chu kỳ cây rừng cho thu hoạch, cũng được đón 2 thế hệ kiểm lâm đồng hành giữ, bảo vệ phát triển rừng xanh. Và chắc chắn sẽ còn dài hơn nữa”.

Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng tự nhiên và phát triển rừng sản xuất, Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng tự nhiên và phát triển rừng sản xuất, Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Trên các triền đồi của đỉnh núi Bầu và những ngọn núi láng giềng ở huyện Sơn Dương hôm nay màu xanh của rừng đã lấn đất trống, đồi hoang. Rừng ở Sơn Dương ngày một thêm xanh, dân ở Sơn Dương ngày một khấm khá. Con sông Phó Đáy huyền thoại của người quê Sơn Dương vẫn hiền hòa chảy, miệt mài đưa nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho các miền quê. Lẫn vào lòng sông là bóng núi, bóng rừng xanh biêng biếc.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1 vạn hộ phát triển kinh tế rừng, trong đó có hơn 1.000 hộ cho thu lãi từ 500 đến vài tỷ đồng từ rừng.

  • Tags:
  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

  • Trên đường và dưới cánh bay…
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:45

    Từ trên đường hay là trên cánh bay ngắm xuống, Tây Bắc hiện ra bóng dáng một miền cây trái mới, một vùng du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, thiên nhiên.

  • Phía ấy, biên thùy...
    Phóng sự 04/12/2024 - 10:10

    Đầu tháng 9/2024, tôi được mời đến dự Triển lãm 'Non nước biên thùy'. Ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được trở lại với những vùng đất đã từng qua. 

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.