| Hotline: 0983.970.780

Vựa rừng xứ Tuyên: Đưa gỗ rừng đi 'Tây'

Thứ Năm 06/05/2021 , 09:14 (GMT+7)

Rừng xã Tiến Bộ ngập tràn đồi thấp, núi cao, sóng rừng lớp lớp xanh như sóng biển. Rừng ở đây 'oách' nhất tỉnh, bởi sản phẩm từ rừng đã chu du khắp thế giới.

Rừng FSC ở xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn được đánh giá đẹp và cho năng suất cao nhất tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Rừng FSC ở xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn được đánh giá đẹp và cho năng suất cao nhất tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Tôi có thể trồng rừng!

Đèo Trám, đèo Tượng, khe Lan là những ngọn núi dài dằng dặc ở xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Đầy trong mắt chúng tôi là rừng xanh thẫm mỡ màng. Nhìn những cánh rừng ấy không ai nghĩ rằng, có một thời việc trồng rừng nơi đây tưởng rằng sẽ chẳng thể nào làm nổi.

Tôi gặp ông Vũ Văn Hòe thật tình cờ. Trong khi chờ các đồng chí lãnh đạo xã còn bận việc, tôi nán lại Ủy ban xã ngồi uống nước chè với một người đàn ông đã luống tuổi. Khi những câu chuyện xã giao dần trở nên thân mật, chuyện rừng, chuyện đời của ông cứ dạt dào.

Ông Vũ Văn Hòe là Phó Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy, là người có nhiều kỷ niệm gắn bó với rừng nhất nhì ở xã này. Trước những năm 2000, núi đồi nơi đây chỉ thấy một màu đen thẫm vì rừng bị người ta đốt ngày đốt đêm âm ỷ cháy. Người dân đốt rừng để trồng sắn. Nhiều nhà trồng sắn khi thấy những mảnh nương đất đã bạc màu, năng suất thấp lại chuyển sang đốt ngọn đồi khác. Bởi vậy ngày ấy, rừng bị người dân cạo trọc loang lổ.

Nhìn những ngọn núi đồi cứ trọc mãi, đất đai ngày một cằn cỗi, chính quyền địa phương xót xa. UBND huyện chỉ đạo xuống xã, xã lại hỏi dân: Ai có thể trồng rừng? Dòng dã các cuộc họp đưa ra cùng 1 câu hỏi và luôn nhận được câu trả lời là sự im lặng. Người ta im lặng bởi ngày ấy 1ha rừng hiệu quả kinh tế bằng 1/2 giá trị 1ha sắn, đã thế việc bán cũng chật vật.

Một ngày cuối năm 2006, trong cuộc họp tại thôn Đèo Tượng, câu hỏi "Ai có thể trồng rừng" được ông Vũ Văn Hòe, khi ấy là Bí thư chi bộ thôn trả lời: Tôi có thể trồng rừng! Ông tâm sự rằng: Việc trồng rừng nếu dễ như ăn cỗ thì người ta thi nhau đi trước rồi, giờ khó nếu mình không “lội nước” đi trước thì ai sẽ đi? Là người đảng viên, lại là Bí thư Chi bộ thôn, ông càng phải nêu gương.

Câu trả lời của ông làm cả làng ai cũng lắc đầu vì trồng rừng vừa mất công, mất sức lại chẳng nhìn thấy tương lai. Còn vợ ông khi nghe thấy quyết định của chồng liền nổi giận và gay gắt phản đối. Cũng giống như số đông người dân, vợ ông lý lẽ rằng, 1ha rừng chỉ bán được 60 triệu đồng trong 7 năm, tiêu thụ khó khăn. Trong khi đó 1ha sắn được cả 10 triệu/năm. Nhưng ông cứ làm mình làm mẩy, rồi tuyệt thực nên vợ ông đành thuận theo ý chồng.

Căn lều nhỏ bên khe suối giữa núi đồi mênh mông của vợ chồng ông được dựng lên. Rồi ông gùi gạo, gùi sắn và gùi cả đàn con vào ở trong rừng. 2 vợ chồng vừa khai sơn, phá thạch ở những cánh rừng hoang vừa nhặt nhạnh lại công sức người ta bỏ rơi, bỏ vãi vào khai phá trồng vài vụ sắn rồi bỏ lại. Cứ thế gần 20ha đất trống, đồi trọc đã được vợ chồng ông “vá lại” thành công.

Vào những năm 2016, 2017 sau bao ngày đổ mồ hôi, sôi nước mắt, những cánh rừng to lấp kín những quả đồi trọc của ông cho thu hoạch. Lần đầu tiên trong đời ông được cầm trong tay cả tỷ đồng từ bán rừng, ông trở thành một hiện tượng của làng. Trở thành thần tượng của chính những người trước đó không lâu còn dè bỉu, ái ngại việc ông liều lĩnh nhận trồng rừng.

Ông Hòe tâm sự: “Ngày ấy mình nhận trồng rừng vì chẳng muốn nhìn thấy những cánh rừng ngày càng bị người ta cạo trọc nhiều hơn. Chứ cũng chẳng dám nghĩ sẽ có ngày được rừng trả lại bằng cuộc sống ấm no đủ đầy.”

Khu rừng FSC của HTX dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy do ông Vũ Văn Hòe làm Phó Giám đốc. Ảnh: Đào Thanh.

Khu rừng FSC của HTX dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy do ông Vũ Văn Hòe làm Phó Giám đốc. Ảnh: Đào Thanh.

Rừng FSC không phải đa cấp

Rừng ở xã Tiến Bộ hiện nay đẹp nhất tỉnh Tuyên Quang. Được cấp chứng chỉ FSC nên rừng có thể đi khắp thế giới. Nhưng chuyện làm FSC ở nơi đây đâu có dễ. Bởi người ta băn khoăn chứng chỉ rừng FSC là gì, chưa ai nghe thấy bao giờ? Ngay cả những người thạo tin trên tivi, đài báo của làng cũng chưa từng nghe thấy. Người ta còn đồn nhau rằng, có khi lại một dạng đa cấp giống như bao vụ đa cấp lừa đảo nổi đình nổi đám thời ấy.

Câu chuyện làm rừng FSC ở Tiến Bộ bắt đầu từ năm 2015. Khi ấy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang có chủ trương phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC và chọn Tiến Bộ làm điểm.

Do đã được tập huấn kỹ lưỡng, hiểu được các quy trình và lợi ích của làm FSC, ông Hòe và những người tiên phong đi đến tận cuối làng, giáp núi để giải thích, vận động để người ta vỡ ra khái niệm FSC là gì và lợi ích khi rừng được cấp chứng chỉ. Rồi sau đó huyện Yên Sơn thành lập tổ FSC do Phó chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng. Vậy là cái mác đa cấp đã được gỡ bỏ trong suy nghĩ của bà con nơi đây. Và những cánh rừng được cấp chứng chỉ đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đều ở xã Tiến Bộ.

Tiếp đó, năm 2017 HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy được thành lập, ông Hòe giữ chức vụ Phó Giám đốc HTX. Sau 4 năm thành lập, đến nay HTX có 7 thành viên với 886 hộ tham gia trồng rừng. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 1.451ha.

Trồng rừng FSC là phải làm theo quy chuẩn ngặt nghèo. Môi trường không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có đường vận xuất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ được tập huấn, trung bình 1ha chỉ trồng 2.500 cây... Thế nhưng khi cây gỗ bán ra thị trường sẽ bán giá cao hơn, bởi gỗ chất lượng đã được qua thẩm định. Nếu trồng rừng thông thường, 1ha rừng thu được khoảng 100 triệu thì rừng FSC giá trị là 120 đến 150 triệu/ha.

Ông Hòe bảo rằng, làm rừng FSC là được làm việc với "Tây" và gỗ rừng được... đi Tây. Nhưng làm việc với Tây là không được nói dối. Mỗi năm một lần, khi chuyên gia đi kiểm tra các lô rừng, họ bốc ngẫu nhiên 1 lô rừng trong bộ hồ sơ. Sau đó, kiểm tra việc cập nhật hàng quý, hàng tháng như thế nào. Nếu họ phát hiện ra các lỗi lớn như chưa chăm sóc bảo chăm sóc, chưa có đường bảo có… là có thể bị treo chứng chỉ. Mà để có chứng chỉ phải mất tiền tỷ cùng rất nhiều thời gian mới đạt được các bước quy trình. Tuy nhiên, Tây họ cũng khá thoải mái, rộng lượng nếu mình thật thà trình bày những lỗi do yếu tố khách quan gây ra thì họ sẵn sàng “ok” cho mình có thời gian khắc phục.

Ý thức được điều đó, dù thời gian gần đây do ảnh hướng của dịch Covid-19 rừng khó bán, nhưng người trồng rừng ở Tiến Bộ vẫn không để gián đoạn việc thuê người giám sát, cập nhật các lô rừng, từ khâu chăm sóc, trồng, mở đường, khai thác để có dữ liệu cung cấp đầy đủ cho tổ chức FSC mỗi lần về đánh giá, dù việc thực hiện duy trì các bước này mất cả trăm triệu đồng.

Trồng rừng gỗ FSC đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của xã Tiến Bộ. Ảnh: Đào Thanh.

Trồng rừng gỗ FSC đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động của xã Tiến Bộ. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Trần Quyết Cường, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết, hiện nay toàn xã có 3.600ha rừng, trong đó có 1.700ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. Việc trồng rừng đã giúp Tiến Bộ có khoảng 20 hộ thu tiền tỷ. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm.

Với quy cách làm rừng ngày càng chuyên nghiệp, bài bản nên trong khoảng mười năm trở lại đây núi đồi ở Tiến Bộ rừng ngày một trù phú, xanh tươi. Rừng giúp người dân nơi gỡ được mối lo túng thiếu cơm, áo, gạo tiền cứ thắt chặt lấy làng bao năm qua. Rừng giúp các hộ dân nhân lên trăm ngàn niềm vui. Rừng là điểm tựa cho lớp trẻ nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, khát vọng tri thức, được vươn ra khỏi làng… giống như cây rừng đã vươn ra thế giới.

Từ thành công của xã Tiến Bộ, phong trào trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC ở Tuyên Quang ngày càng mở rộng. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 35.800ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân trồng rừng gỗ lớn để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế từ rừng.

    Tags:
Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất