| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy ngành nuôi biển Quảng Ninh: [Bài 2] Bão to không lo mất lồng

Thứ Ba 22/10/2024 , 07:00 (GMT+7)

Những thiệt hại do cơn bão số 3 gây nên sẽ còn ám ảnh người nuôi biển lâu dài song cũng giúp bà con nhận ra những vật liệu không còn phù hợp.

Từ 2021-2023, huyện Vân Đồn thu gom gần 10 triệu quả phao xốp trên biển. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Từ 2021-2023, huyện Vân Đồn thu gom gần 10 triệu quả phao xốp trên biển. Ảnh: Nguyễn Thành. 

Định vị lồng bè nuôi biển

Thời gian trước, người nuôi biển ở Quảng Ninh chủ yếu sử dụng các loại vật liệu như phao xốp, bè tre. Đây là những vật liệu có giá thành thấp, người dân dễ đầu tư để nuôi trồng thủy sản.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, phao xốp có độ nổi mặt nước tốt nhưng độ bền sử dụng trung bình chỉ 2 - 3 năm. Về lâu dài, việc sử dụng phao xốp sẽ tác động lớn đến vấn đề rác thải và môi trường biển. Bởi đây là loại vật liệu không thân thiện với môi trường, có tuổi thọ ngắn.

Chỉ sau vài năm sử dụng, phao xốp sẽ phân hủy, vỡ thành những mảnh nhỏ trôi dạt trên mặt biển. Khi bị sóng đánh trôi dạt vào bờ thì trở thành rác vô cơ, khó phân hủy, gây mất mỹ quan. Còn khi trôi nổi trên biển sẽ trở thành cạm bẫy thức ăn, giết chết các loại sinh vật biển nếu ăn phải.

Đáng chú ý, mỗi khi mưa bão, người nuôi có nguy cơ bị thiệt hại rất nặng nề nếu nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu phao xốp hay lồng, bè gỗ. Ngoài ra, phao xốp bị phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng hệ sinh thái.

Vì lý do đó, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ. Đây chính là giải pháp của Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên biển. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Có thể nói, chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE của tỉnh Quảng Ninh được xem là hướng đi đúng đắn, nhằm bảo vệ môi trường biển, giúp nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển bền vững. Nhờ chuyển đổi vật liệu, sau bão số 3, hầu hết số lượng phao nhựa HDPE của người dân đều có thể tái sử dụng.

Hệ thống bè nuôi hàu, rong của STP Group đã được tìm lại sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hệ thống bè nuôi hàu, rong của STP Group đã được tìm lại sau bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thành.

Được biết, STP Group là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng vật liệu bền vững bằng nhựa HDPE để nuôi biển tại Quảng Ninh. Do ảnh hưởng của bão số 3, cơ sở NTTS ở khu vực xã Hạ Long, huyện Vân Đồn của STP Group bị tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, hệ thống lồng bè nuôi biển đã nhanh chóng được xác định vị trí và thu hồi dù trước đó đã bị bão gió kéo trôi trên biển.

Anh Nguyễn Văn Thắng, cán bộ phụ trách farm nuôi STP Group cho biết, hệ thống lồng bè của STP được làm từ chất liệu nhựa HDPE, được lắp ráp với nhau từ nhiều modun, mỗi modun đều có số hiệu và dữ liệu để tìm kiếm. "Vì vậy, chúng tôi đã nhanh chóng tìm hạ tầng nuôi về, giảm đi mức độ thiệt hại cũng như giúp farm có thể nhanh chóng tái sản xuất", anh Thắng nhấn mạnh.

Phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, tuổi thọ 30 - 50 năm, có thể chống chịu được với sóng to, gió lớn.

Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Đặc biệt, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển, bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh. Bên cạnh đó, khi tích hợp với các ứng dụng khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ người nuôi một cách tốt nhất.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, cho biết: "STP đã có nhiều giải pháp cho ngành nuôi trồng thủy sản. Thứ nhất là trên biển chúng tôi đã có lồng những lồng dùng cho ngoài khơi, có thể chịu được bão gió cấp 12, trên đó định vị được tọa độ, trong những trường hợp đặc biệt vẫn tìm được sản lượng, data trên biển bằng mã QR code và iCheck trên lồng. Thứ hai chúng tôi đã có sản phẩm thay thế cho sản phẩm phao xốp mà trước đây bà con dùng, hay thay thế những thùng phi bằng những hệ nổi bằng những ngôi nhà, bằng những phao HDPE bền vững với biển và bảo vệ môi trường, thay thế cho sản phẩm phao cũ ngày xưa".

Quảng Ninh xác định cần khắc phục những điểm yếu còn tồn tại trong nuôi biển. Ảnh: Cường Vũ

Quảng Ninh xác định cần khắc phục những điểm yếu còn tồn tại trong nuôi biển. Ảnh: Cường Vũ

Nuôi biển ứng phó biến đổi khí hậu

Sau trận bão, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thẳng thắn nhìn nhận "đã bộc lộ những điểm yếu trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là thủy sản".

Theo ông Huy, có lẽ chúng ta không chỉ dừng ở chuẩn hóa vật liệu nuôi biển thân thiện môi trường mà còn phải tính đến cả giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cấp thiết kế vật liệu lên mức chống chịu bão trên cấp 12.

Thế rồi, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhắc lại sự kiện hội nghị nuôi biển do tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng Bộ NN-PTNT và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, đã có doanh nghiệp ở Na Uy đến giới thiệu hệ thống lồng bè tự đánh chìm khi có bão.

"Tại các nước có ngành công nghiệp nuôi biển như Na Uy, Nhật bản, khi gặp bão gió giật cấp 12 trở lên thì hệ thống lồng bè tự đánh chìm và trở lại bình thường khi bão tan. Là nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để tiếp cận công nghệ. Việc tính toán để vừa đảm bảo hiệu quả vừa thích ứng thiên tai phải là yêu cầu bắt buộc khi bắt tay khôi phục nuôi biển", ông Huy gợi mở.

Farm nuôi biển của STP Group đang trong quá trình sửa chữa để nhanh chóng khôi phục sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

Farm nuôi biển của STP Group đang trong quá trình sửa chữa để nhanh chóng khôi phục sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình cho biết, đơn vị đã và đang hiện đại hoá, công nghệ hoá sản phẩm của mình, một trong số đó là việc cài đặt dữ liệu cho sản phẩm.

"Tới đây, STP Group sẽ có những hệ thống lồng bè mà trong điều kiện bão lớn sẽ tự động được đánh chìm xuống đáy biển và bảo toàn đàn cá nuôi đang có trong môi trường lưới 3 chiều. Với công nghệ này, tôi cho là đáng để đầu tư nếu hướng tới việc sản xuất bền vững".

"Quảng ninh vùng đáy là bùn, dùng hệ cọc sẽ rất yếu, chúng ta phải nâng cấp lồng HDPE lên 1 cấp độ nữa là cấp chống chịu bão, nếu chịu bão thì lắp ghép lego vẫn bị giật ra, chúng ta sẽ phải dùng 1 phương pháp khác đó là hàn nhiệt", bà Bình chia sẻ.

Theo bà Bình, lồng HDPE, phao nhựa, phao composite đã và đang là tiêu chuẩn trong nuôi biển. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có cơ chế để người dân yên tâm đầu tư.

"Nếu không giao khu vực biển cho dân với thời gian đủ dài thì họ chỉ có thể đầu tư vào những vật liệu liệu bình thường. Chúng tôi đang chuẩn bị phương án tức là đầu tư và thế chấp cái công trình mà sẽ được đầu tư đấy vào ngân hàng để vay vốn. Muốn như thế thì các công trình đó phải có được đăng kiểm", bà Bình trăn trở.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản Bộ NN-PTNT chỉ ra rằng: "Mặc dù có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển ngành nuôi biển, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản và thiếu lao động có trình độ cao...

Với đường bờ biển dài, Việt Nam và Na Uy có nhiều điểm tương đồng và nhiều mối quan tâm chung. Vì vậy, nghiên cứu kinh nghiệm và bài học thành công của Na Uy sẽ đưa ra những gợi ý giúp ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam giải quyết các khó khăn hiện tại cũng như xây dựng được các chính sách phù hợp để phát triển ngành nuôi biển mạnh mẽ và bền vững hơn".

Xem thêm
Hướng đến nuôi trồng thủy sản bền vững: [Bài 2] Đánh giá lượng chất thải tôm hùm

Để góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các nhà khoa học đã bố trí thí nghiệm xác định tải lượng chất thải từ hoạt động nuôi tôm hùm.

Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD và ngành này sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển