| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang những mảng màu sáng - tối: Bài cuối - Nỗi niềm đằng sau cuộc di dân vùng biển

Thứ Bảy 29/06/2019 , 15:36 (GMT+7)

Trước sự xâm thực ngày càng mạnh của biển, tỉnh TT- Huế đã tiến hành di dời, tái định cư để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho hàng trăm hộ dân vùng ven biển. Thế nhưng, mọi việc không dễ dàng...

 

Những ngôi nhà xập xệ ở xã Quảng Ngạn.

Bất hạnh, khó khăn

Về vùng bãi ngang ven biển ở huyện Quảng Điền, tỉnh TT- Huế, chúng tôi đi theo sự chỉ dẫn của người dân và phải mất gần 1 km len lỏi trên những con đường chật hẹp mới đến được ngôi nhà của ông Trần Ới (62 tuổi) ở tít cuối thôn 11 xã Quảng Ngạn.

Trước mặt chúng tôi ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ, xuống cấp với đầy vết nứt nẻ. Theo “khổ chủ” tất cả do ảnh hưởng từ các trận “cuồng phong” và sự ô xy hóa từ việc bị nhiễm mặn của hơi nước biển.

Sau một hồi hàn huyên với những thành tích của lão ngư hơn 40 năm gắn bó nghề biển, ông Ới kể về cuộc sống khó khăn của mình. Cuộc đời của người đàn ông hơn bốn thập kỷ gắn biển này cũng lắm thăng trầm. Thuở ấy, ông Ới với bà Hồ Thị Giá nên duyên vợ chồng, cùng nhau xây dựng hạnh phúc trên mảnh đất quê cha đất tổ với nghề đánh cá.

Cuộc sống quanh năm trên biển, kiếm từng con cá, con mực qua ngày. Hạnh phúc của đôi vợ chồng là 10 người con lần lượt chào đời, nhưng cái khó mãi đeo bám gia đình lão ngư Ới khiến phần lớn con cái ông phải dang dở “con chữ” để đi làm ăn xa, đỡ đần cho cha mẹ.

Hiện ông bà sống với 4 người con trong căn nhà cấp 4 chật hẹp. Dù đã gần cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Ới vẫn hàng ngày bám biển mưu sinh vì ông là lao động chính trong gia đình.

Sau nhiều năm vận động nhưng đến nay gia đình ông Trần Ới vẫn chưa thể di dời lên sinh sống tại khu tái định cư.

Năm 2013, thực hiện chủ trương di dân vùng sạt lở ven biển, gia đình ông Ới được chính quyền địa phương vận động đến khu tái định cư (TĐC) với 200m2 đất ở được cấp. Tưởng chừng sẽ thoát cảnh bao năm sống lơ lửng trước miệng “hà bá”, thế nhưng 1 năm sau đó, bất hạnh đã ập đến với gia đình ông, khiến vợ ông phải chịu tật nguyền không thể lao động nhiều năm nay.

Vợ ông Ới bị viêm gai cột sống nặng phải vào bệnh viện mổ cấp cứu; ngoài số tiền dành dụm được, gia đình ông đã phải chạy vạy người thân, bà con lối xóm hàng trăm triệu đồng để chữa trị và thuốc thang cho vợ.

Khó khăn chồng chất, khiến kinh tế gia đình ông ngày càng trở nên kiệt quệ. Vì thế đến nay gia đình ông vẫn chưa thể chuyển lên sinh sống ở khu TĐC. Thửa đất được nhà nước cấp cho gia đình ông đến giờ vẫn chỉ là bộ móng thô sơ với những thanh sắt chổng chơ, rỉ rét.

Chưa biết khi nào lên được tái định cư

Hơn 40 năm bám biển mưu sinh, đã quen với từng con sóng, ngọn gió nhưng theo ông Ới nghề đi biển vừa cực nhọc lại khó khăn, việc kiếm sống trên đại dương cũng giống như canh bạc, phụ thuộc vào sự may rủi.

Tờ mờ sáng ông đã phải xuống biển đến tối mịt mới quay về, bình thường "chiến lợi phẩm" mỗi chuyến được vài ba trăm ngàn đồng nhưng có khi gặp mùa ông cũng bỏ túi bạc triệu. Tất nhiên, những ngày thời tiết bất thuận, có khi cả tháng trời ông không kiếm được đồng nào đưa về nuôi vợ con. Thế nên, trong tâm trí ông Ới chẳng biết đến bao giờ gia đình ông mới chuyển lên được khu TĐC để mà ổn định cuộc sống.

Khu TĐC ở xã Quảng Ngạn vần còn nhiều lô đất bị bỏ trống, vắng chủ.

“Năm nào cán bộ xã cũng đến vận động nhưng do gia đình chưa có tiền nên chưa thể lên ở, bữa nay cất lên cái nhà cũng mất vài trăm triệu, mình là dân biển, hàng ngày đang chật vật mưu sinh thì lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy”, tiếng sóng biển vỗ vào bờ kèm theo những trận gió rít khiến cho giọng nói của người đàn ông được ví “kình ngư đại dương” bị chững lại.

Sau một hồi trầm ngâm, ông Ới tiếp tục: “Chờ tới đây nhận được tiền hỗ trợ tôi sẽ vay mượn thêm lên xây vách, rồi gom góp xây dựng từng công đoạn một, đến khi nào hoàn chỉnh sẽ chuyển lên ở. Thú thực, gia đình tôi cũng muốn sớm di dời lên khu TĐC để cuộc sống được ổn định chứ ở lại nơi này cũng lo lắng lắm”.

Theo quan sát của chúng tôi ở nơi xóm cư dân ven biển thôn 11 của xã Quảng Ngạn, xen lẫn bên những ngôi nhà đã dỡ mái, phá tường thì vẫn còn đó nhiều ngôi nhà “xập xệ”, chỉ một trận mưa rào kèm cơn gió nhẹ là “căn nhà” có thể đỗ sập xuống.

Trong khi đó, ở khu TĐC đầu thôn cách ngôi nhà ông Ới chừng 1km vẫn còn nhiều lô đất bị bỏ hoang hoặc chỉ hoàn thành xong bộ móng thô của ngôi nhà rồi bỏ dở.

Tiếp tục vận động

Theo thống kê của chính quyền địa phương, cho đến nay ở xã Quảng Ngạn đã có hơn 160 hộ vùng ven biển bị ảnh hưởng do việc xâm thực của biển, trong đó, còn khoảng 100 hộ chưa thể di dời đến khu TĐC.  

“Những hộ có điều kiện kinh tế khi vận động thì họ đi liền vì được quyền lợi từ việc cấp đất và cấp tiền. Thế nhưng ở Quảng Ngạn đến nay vẫn còn nhiều hộ chưa thể vận động di dời được vì hoàn cảnh còn khó khăn, trong đó hộ ông Trần Ới là một điển hình”, ông Nguyễn Đình Vu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn cho hay.

Nhiều hộ gia đình nằm trong diện di dời đến khu TĐC nhưng vẫn đang sống ở nơi ở cũ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thực hiện TĐC cho người dân ở  Quảng Ngạn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, phần do điều kiện kinh tế của người dân, phần do hạn tầng khu TĐC chưa đồng bộ. Hơn nữa, khu TĐC này cũng đang xen ghép vào các khu dân cư chứ chưa tập trung nên người dân còn e ngại.

Từ năm 2010, tỉnh TT- Huế đã đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư (TĐC) với diện tích 40ha, tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng ở 2 xã bãi ngang Quảng Công, Quảng Ngạn để di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Xã Quảng Ngạn được đầu xây dựng khu TĐC Tân Mỹ A với tổng diện tích 20ha, kinh phí hơn 3 tỷ đồng; trong đó, diện tích đất ở là 4,5ha, được chia làm 115 lô, diện tích còn lại là đất sản xuất và xây dựng hệ thống giao thông, điện nước.

Đã có không ít trường hợp người dân lên khu TĐC nhận đất và được cấp bìa đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ) nhưng rồi lại quay về nơi cũ để sinh sống.

Trước tình hình đó, huyện Quảng Điền cùng với chính quyền xã Quảng Ngạn đã thống nhất phương án là giao tạm đất và sau khi người dân làm nhà sinh sống ổn định mới tiến hành cấp bìa đỏ, còn nếu sau vài năm mà đất còn bị bỏ hoang thì sẽ rút lại.

Còn phía cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có quyết định tăng số tiền hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình đến khu TĐC thêm 10 triệu đồng, như vậy, trung bình mỗi hộ sẽ nhận 30 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch xã Quảng Ngạn thì việc tăng hỗ trợ đó vẫn chưa “thấm tháp" vào đâu, trong khi kinh tế nhiều hộ dân ở địa phương vẫn còn rất khó khăn.

Để đảm bảo an toàn cho bà con trong mùa mưa bão sắp tới, chính quyền xã Quảng Ngạn tiếp tục biện pháp tăng cường vận động, kêu gọi, cùng với đó sẽ xem xét những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện vốn vay cho các hộ dân để họ sớm được chuyển lên khu TĐC sinh sống.

Xem thêm
Bãi nhiệm chức vụ loạt nhân sự cấp cao ở tỉnh Vĩnh Phúc

Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã bãi nhiệm nhiều chức vụ của các cán bộ đã bị bắt tạm giam hoặc đã bị kỷ luật.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm