| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang những mảng màu sáng - tối: Bài 10 - Hậu cần nghề cá cản trở một chủ trương tốt đẹp tại Quảng Trị

Thứ Năm 27/06/2019 , 15:18 (GMT+7)

Để việc khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ được thuận lợi, tỉnh Quảng Trị đã có các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, hiện nay hậu cần nghề cá ở địa phương này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Cảng cá xuống cấp, cửa sông bồi lắng

Dẫn chúng tôi xuống thăm tàu cá có công suất 713CV của mình đang neo đậu tại âu thuyền khu tránh trú bão Cửa Tùng, ngư dân Phan Thanh Đạo, ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) không giấu được sự lo lắng.

Theo lời ông Đạo, mùng 6 tháng giêng là chuyến ra khơi đầu năm. Sau hơn 3 ngày đánh bắt quay trở về cảng để bán cá theo luồng cũ thì tàu bị mắc cạn cách bến khoảng 100m. Phải chờ đến lúc thủy triều đạt đỉnh cao nhất mới đưa tàu thoát ra được.

Tuy nhiên do thời gian mắc cạn dài, sóng lớn liên tục đánh vào thân tàu đã làm nước vào tàu, nên phải đưa tàu đến âu thuyền chờ xử lý, chi phí sửa chữa lên đến cả trăm triệu đồng.

Nhiều tàu cá ở Quảng Trị phải nằm bờ vì thiếu lao động.

Thực tế, không chỉ luồng ra vào cảng mà phía trước bến cảng cũng đang bị bồi lấp. Tàu cá xa bờ công suất lớn không thể cập cảng để bán cá cũng như bổ sung thêm lương thực, nhiên liệu, đá lạnh… mà phải trung chuyển bằng tàu nhỏ.

“Tôi là người địa phương, nắm vững luồng lạch, thời gian lên xuống của thủy triều nên mới đưa tàu thoát ra được chứ tàu thuyền ở nơi khác đến thì rất nguy hiểm. Mắc cạn như chơi”, ông Đạo cho hay.

Theo nhiều ngư dân Cửa Tùng cho biết, ngày trước neo đậu tàu thuyền ở đây rất thuận lợi vì khu đất này vốn là vịnh tự nhiên khuất gió nhưng sau khi lấp vịnh xây dựng cảng cá kết hợp khu dịch vụ hậu cần neo đậu tàu thuyền Cửa Tùng như hiện nay thì khu vực này lại thường xuyên chịu lực va đập mạnh của sóng biển đánh trực diện nên mùa mưa bão tàu thuyền cũng không thể neo đậu tránh trú bão ở đây được.

Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng Nguyễn Văn Phú cho biết, trên địa bàn có 109 tàu thuyền đăng ký hoạt động, trong đó có 7 tàu công suất từ 90 CV trở lên. Đến mùa mưa bão ngư dân ở đây đều phải di chuyển tàu thuyền lên sông Cánh Hòm, hoặc qua khỏi cầu Hiền Lương tránh bão vì việc ra vào bến cảng Cửa Tùng gặp nhiều nguy hiểm, nguy cơ mắc cạn xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động nghề biển của địa phương, ảnh hưởng đến thu nhập của ngư dân.

Trong khi đó, tại khu vực cảng cá Cửa Việt, thực trạng công suất cảng không đáp ứng nhu cầu cho tàu thuyền ra vào cũng khiến cho nhiều ngư dân trăn trở. Có nhà ở ngay sát âu thuyền Cửa Việt, tưởng chừng như là điều kiện quá thuận lợi cho mỗi chuyến biển nhưng đối với ngư dân Bùi Đình Tiến (xã Gio Việt, huyện Gio Linh) việc ra khơi đánh bắt và trở về gặp không ít gian nan.

“Mặc dù ở gần âu thuyền Cửa Việt nhưng đến mùa tránh bão tôi thường đưa tàu ngược sông Hiếu lên Đông Hà hoặc qua con sông cụt (hói) ở xã Triệu Phước (Triệu Phong) để neo đậu. Âu thuyền Cửa Việt diện tích thiết kế chỉ phù hợp với tàu công suất nhỏ, chứ tàu 300 CV trở lên rất khó di chuyển khi cần vào ra khu neo đậu”, anh Tiến cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Quảng Trị, cho hay, Cửa Tùng và Cửa Việt là 2 cửa sông chính để tàu thuyền vươn khơi, cập cảng vào bờ hoặc chờ sửa chữa. Tuy nhiên, hiện nay, do xây dựng từ lâu nên tình trạng xuống cấp, công suất cầu cảng không đáp ứng tàu thuyền vào ra các cảng cá và khu neo đậu. Bên cạnh đó, do lượng cát bồi đắp hàng năm ở các cửa sông ngày một lớn nên hoạt động của các cảng cá gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Hoàng Cộng Hòa, Chủ tịch UBND xã Triệu An thì vài năm trở lại đây, thực trạng thiếu lao động biển là một nguy cơ rất lớn đối với các chủ tàu ở địa phương. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay tình trạng thiếu lao động diễn ra khá phổ biến. Toàn xã có 23 tàu đánh bắt xa bờ thì hiện chỉ có ½ tổng số tàu có khả năng vươn khơi bởi việc tìm bạn thuyền đi biển rất khó khăn.

Từ cầu Cửa Việt trở vào 2 km dưới lòng sông chỗ sâu nhất khoảng 2,5 m nhưng nơi cạn chỉ khoảng 20 - 30 cm, vì vậy rất nhiều tàu vào ra ở đoạn sông này bị gãy chân vịt, gãy trục lái do mắc cạn, nhất là các tàu ngoại tỉnh không am hiểu luồng lạch.

Để tránh rủi ro, những ngư dân có tàu cá công suất lớn trên địa bàn thị trấn Cửa Việt thường chờ lúc thủy triều lên mới cho tàu vào cập bến.

Tuy nhiên, ngư dân lo lắng nhất là những lúc chạy tránh bão, không có thời gian để chờ thủy triều nên nhiều khi bão sắp đến mà tàu thì bị mắc cạn, rất nguy hiểm.

Cũng theo ông Sơn, tại các khu neo đậu tàu thuyền đã được xây dựng, hầu hết công suất thiết kế đều dành cho tàu công suất từ 300 CV trở xuống. Tuy nhiên hiện nay các tàu xa bờ công suất lớn từ 400 CV trở lên được hỗ trợ đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Do đó, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình, khơi thông luồng lạch để đáp ứng nhu cầu của ngư dân là cấp thiết.
 

Loay hoay tìm “bạn thuyền”

Một trong những khó khăn đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh Quảng Trị hiện nay là tình trạng khan hiếm lao động nghề biển. Tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong khi vụ cá Nam của ngư dân đang vào cao điểm đánh bắt nhưng nhiều con tàu của ngư dân tại đây lại nằm yên trong khu neo đậu. Ghi nhận của chúng tôi thì nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do nhiều chủ tàu không tìm thấy bạn thuyền.

Gắn bó với nghề biển đã hơn 50 năm, đây là vụ mà một trong những năm ông Nguyễn Văn Giới (xã Triệu An, huyện Triệu Phong) lo lắng nhất về vấn đề lao động. Kế hoạch ra khơi của ông Giới đã phải thay đổi vì thiếu bạn thuyền. Đặc biệt là các tàu xa bờ tình trạng khan hiếm lao động còn trầm trọng hơn. Bởi vì lớp trẻ phần lớn đi xuất khẩu lao động, trong khi nhiều lao động lớn tuổi thì chỉ thích tự sắm thuyền nhỏ để đi riêng.

Cảng cá Cửa Việt xuống cấp gây khó khăn cho các tàu cập bến.

Trăn trở của ông Giới cũng là tâm trạng chung của nhiều ngư dân xã Triệu An. Từ nhiều tháng nay, một số chủ tàu đã phải cho tàu nằm bờ, cất ngư lưới cụ, người dân không biết bao giờ mới trở lại khơi xa, trong bối cảnh phần lớn thanh niên, trai tráng trên địa bàn rời quê hương tìm cơ hội nơi những miền đất mới.

Thực trạng thiếu lao động biển còn diễn ra tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cũng khiến nhiều chủ tàu đứng ngồi không yên. Nhiều chủ tàu đầu tư số tiền tỷ để đóng mới tàu, trang bị hiện đại, công suất lớn với mong muốn vươn khơi xa, thế nhưng khó khăn về lao động khiến mong ước đó xa vời.

Ông Hồ Văn Thà, một chủ tàu ở thị trấn Cửa Việt vẫn không khỏi lo lắng khi nhìn chiếc tàu cá trị giá tiền tỷ của mình phải nằm bờ bởi không tìm đủ bạn thuyền để vươn khơi.

Ông Thà cho hay, do tàu lớn nên phải cần từ 15-17 lao động mới đáp ứng đủ, thế nhưng với thực trạng hầu hết các chủ tàu đều thiếu lao động thì việc tìm cho đủ số lượng lao động rất nan giản.

Theo ông Thà, với thực tế hiện nay, giải pháp duy nhất là cần tăng cường đầu tư trạng thiết bị, máy móc hiện đại để giảm tối đa nhân lực thì may ra việc vươn khơi mới thuận lợi được.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển Formosa, tỉnh Quảng Trị được Chính phủ xác định ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá từ nguồn đầu tư theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Để việc phát triển kinh tế biển biển bền vững, để ngư dân yên tâm đầu tư tiền của cho tàu xa bờ, những rào cản trong hậu cần nghề cá tại địa phương cần được xóa bỏ.

Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nói rằng, việc nạo vét khơi thông luồng lạch tại cảng cá Cửa Tùng là nhu cầu chính đáng của ngư dân, không chỉ giúp tàu thuyền của ngư dân ra khơi được dễ dàng mà còn có tác dụng thoát lũ vào mùa mưa bão.

Về giải pháp trước mắt Sở NN - PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để nạo vét khơi thông luồng lạch. Còn hướng giải pháp lâu dài cần phải có đánh giá tổng thể về hiện tượng bồi lấp này, đồng thời cho chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện nạo vét duy tu theo hình thức xã hội hóa nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, tài sản và tính mạng ngư dân khi ra vào cảng cá và khu neo đậu trú tránh bão.


>>Bài 9 - Biển 'chết' Xuân Thành

>>Bài 8 - Tương lai bất định

>>Bài 7 - Đổi thay vùng chân sóng

>>Bài 6 - Đâu rồi những triệu phú, tỷ phú nuôi tôm?

>>Bài 5 - Nhiều lỗ hổng trong chính sách lớn

>>Bài 4 - Ngỡ ngàng đất biển Quỳnh Phương

>>Bài 3 - Đổi thay vùng cói

>>Bài 2 - Mơ về canh bạc tất tay

>>Vùng bãi ngang, những mảng màu sáng - tối

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Người tái hiện cảnh Bắc Bộ xưa trên cánh đồng làng

Cánh đồng Ngãi và Chành bỏ hoang chục năm nay bỗng một ngày xuất hiện một đầm sen rộng bát ngát và mấy căn chòi bằng gỗ lá đầy hấp dẫn bước chân người.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Công nhân thủy lợi thiệt mạng do tai nạn điện

Ngày 5/11, vụ tai nạn điện xảy ra tại khu vực thôn Lùng Sán, xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), khiến một người tử vong.