| Hotline: 0983.970.780

Vùng chè hữu cơ lớn nhất xứ Tuyên

Thứ Năm 07/05/2020 , 13:51 (GMT+7)

Đỉnh núi Kia Tăng cao nhất nhì Tuyên Quang có bạt ngàn chè shan tuyết cổ thụ. Đây cũng là vùng chè hữu cơ rộng và thơm ngon nổi tiếng của tỉnh.

Những cây chè shan tuyết ở Hồng Thái cao bằng mấy đầu người. Ảnh: Đào Thanh.

Những cây chè shan tuyết ở Hồng Thái cao bằng mấy đầu người. Ảnh: Đào Thanh.

Tiềm năng

Từ trung tâm UBND xã Hồng Thái, huyện Na Hang đi bộ vượt dốc gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi cũng đến được đỉnh núi Kia Tăng, nơi có độ cao khoảng 1.300m so với mực nước biển, khí hậu trong lành quanh năm mát mẻ.

Nơi đây có đất đai phì nhiêu là điều kiện lý tưởng để trồng các loài cây đặc sản đã gắn bó từ lâu với mảnh đất Hồng Thái như mận, lê và chè shan tuyết.

Cách đây cả trăm năm, cây chè shan tuyết đã được người ta mang lên đỉnh núi Kia Tăng trồng. Vào những năm 2006, 2007, thực hiện Dự án cải tạo phục hồi các vườn chè shan tuyết, Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang hỗ trợ nhân dân trồng thêm được 40 ha, góp phần bảo tồn lưu giữ nguồn gen chè shan tuyết tại địa phương. Chè shan tuyết Hồng Thái có một hương vị đặc biệt, ai đã thưởng thức một lần hẳn không thể nào quên.

Ở Hồng Thái có hàng nghìn cây chè shan tuyết, có những cây lên tới cả trăm năm tuổi, tán sum xuê. Những gốc chè cổ thụ to chẳng kém gì vườn chè Suối Giàng ở Yên Bái hay chè Hoàng Su Phì ở Hà Giang. Đến mùa thu hoạch phụ nữ người Mông, người Dao phải bắc những chiếc thang dài mới thu hết được búp non trên từng tán lớn.

Anh Hoàng Văn Tài (người Mông), thôn Khuẩy Phầy, xã Hồng Thái tâm sự, mấy năm gần đây cây chè đã thực sự góp phần mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con. Riêng gia đình nhà anh mỗi vụ thu hoạch được vài tấn chè tươi.

Mấy năm trước, chè thu hái xong người dân phải đi bộ mấy chục cây số đến xã Sinh Long mới bán được với giá chỉ 10.000 đồng/kg chè tươi. Nhưng giờ đây đã có cán bộ của Công ty cổ phần Chè Kia Tăng thu mua kịp thời với giá 20.000 đồng/kg với loại thông thường, với loại 1 tôm 1 lá giá lên đến 50.000/kg nên bà con phấn khởi lắm.

Khi đặt chân lên Hồng Thái, nhiều người đã ví vùng đất này như Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng hay Sa Pa của tỉnh Lào Cai bởi cảnh sắc thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ. Xã nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, địa hình núi cao có độ dốc lớn, phân làm hai loại: Đồi núi đất và đồi núi đá vôi; nhiệt độ trung bình năm 18,4 độ C, độ ẩm không khí 80 - 85%, lượng mưa trung bình 1.800 - 2.200 mm.

Mảnh đất Hồng Thái được ôm ấp bởi núi non trùng điệp như một vòng xòe vĩnh cửu, dồn tụ tất cả phì nhiêu của rừng núi là những điều kiện lý tưởng cho cây chè phát triển, nhất là các giống chè có giá trị kinh tế cao như chè shan tuyết, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên.

Niềm tự hào của nông nghiệp xứ Tuyên

Từ trên đỉnh núi Kia Tăng, tôi bị rợn ngợp bởi bạt ngàn màu xanh của chè. Cảm nhận được phảng phất vị thơm ngai ngái đặc trưng của giống chè shan tuyết.

Điều đặc biệt hơn khiến tôi thoái mái tận hưởng không gian tươi đẹp ấy bởi nơi đây có tới 21 ha chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ và là niềm tự hào của nông nghiệp sạch của Tuyên Quang.

Dù chè hợp với khí hậu và thổ nhưỡng như vậy nhưng trước đây nó chỉ giúp người dân làm thức uống đơn thuần, còn không mang lại hiệu quả kinh tế. Bởi cách trở đường đi và tập quán sản xuất lạc hậu. Thấy được tiềm năng đó, từ năm 2013 UBND huyện Na Hang đã có nhiều chương trình thu hút đầu tư khuyến khích phát triển vùng chè Hồng Thái; tạo cơ chế thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chế biến, tiêu thụ chè.

Đến nay, toàn huyện Na Hang đã có 2 công ty, 1 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và 14 hộ dân đầu tư vào chế biến, sản xuất chè.

Sản phẩm chè shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè shan từ cây rừng hoang nay đã cho người dân ở Hồng Thái thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm.

Trên đỉnh núi Kia Tăng có 41 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống. Nơi đây chính là vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Kia Tăng, thông qua HTX chè Sơn Trà để thu mua nguyên liệu.

Hiện HTX có vùng nguyên liệu với diện tích trên 30 ha chè Phúc Vân Tiên và  Kim Tuyên, 64 ha chè Shan tuyết cổ thụ. Mỗi năm HTX thu mua trên 150 tấn chè búp tươi của bà con với giá từ 20.000- 25.000 đồng/kg.

Hiện tại, Công ty cổ phần chè Kia Tăng đang triển khai khảo sát, đo đạc xác định nhu cầu sử dụng đất và lập dự án xây dựng mở rộng nhà máy chế biến chè tại thôn Khuổi Phầy. Như vậy sẽ mở rộng thêm cơ hội cho người dân có kế sinh nhai từ chè shan đặc sản.

Gia đình Ông Đàng Xuân Chân (người Dao), thôn Khau Tràng được giao quản lý hơn 5 ha chè shan tuyết.

Ông Chân cho biết, ưu điểm lớn nhất của những rừng chè nơi đây là từ trước đến nay người dân hoàn toàn trồng tự nhiên, nên khi làm các thủ tục công nhận hữu cơ rất thuận tiện. Tuy nhiên đây cũng là hạn chế, bởi người dân chưa biết cách canh tác, chăm sóc đảm bảo năng suất.

Được cán bộ khuyến nông huyện cùng cán bộ của Công ty cổ phần chè Kia Tăng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái nên những khó khăn dần được tháo gỡ.

Sản xuất chè hữu cơ, ông Chân tiến hành cải tạo, bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất cho cây. Giờ đây những cây chè cổ thụ to xù xì mốc trắng, thân cao và tán sum xuê cõng tua tủa những chồi non gấp 2, gấp 3 lần những vụ trước. Năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha/năm.

Thành công trong việc phát triển cây chè đặc sản đã giúp người dân xã Hồng Thái nâng cao thu nhập. Năm 2019, xã Hồng Thái đã về đích nông thôn mới, với mức thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm, trong đó hiệu quả cây chè shan đặc sản cũng góp phần quan trọng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2019, tỉnh xây dựng thành công 2 mô hình nông nghiệp hữu cơ. Gồm, mô hình chè Ngân Sơn – Trung Long, tại huyện Sơn Dương với diện tích 3 ha; mô hình gạo hữu cơ xã Tân Trào, huyện Sơn Dương với diện tích 3 ha.

Việc 21 ha chè shan tuyết ở xã Hồng Thái được công nhận đạt chuẩn hữu cơ được xem là thành công vượt bậc trong lộ trình xây dựng nền nông nghiệp sạch của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của sản phẩm nông sản Tuyên Quang.

Chè shan tuyết ở Hồng Thái hương thơm ngát, nước xanh đậm, uống một ngụm chè, ta tận hưởng từ từ vị chan chát, ngòn ngọt len lỏi vào từng tế bào của cơ thể, những mệt mỏi dường như tan biến.

Chè quý là vậy nên nó còn được làm quà tặng cho những người đi xa. Hương chè gợi nhớ về quê hương với biết bao kỷ niệm, tình cảm thắm thiết, nồng nàn.

Năm 2019, sản phẩm chè shan tuyết của HTX Sơn Trà nơi đây vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm quà tặng Thủ tướng Malaysia.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...