| Hotline: 0983.970.780

Vùng na nổi tiếng đất Thái Nguyên

Thứ Ba 18/08/2020 , 07:00 (GMT+7)

Đến La Hiên (Thái Nguyên) những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh những vườn na xanh mướt đầy quả cùng những người dân hái na, chở na đi chợ bán tấp nập.

Na La Hiên vào vụ chín

Những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có dịp về thăm vùng na nổi tiếng trên đất La Hiên, Võ Nhai, khi bắt đầu vào vụ chín. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất núi đá thuận lợi cho việc trồng và phát triển cây na. Na ở đây được người dân đánh giá là thơm, ngon, đậm vị ngọt. Nhờ thế mà na La Hiên luôn được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng về chất lượng.

Cây na ở La Hiên đã có từ mấy chục năm nay, được bà con trong vùng này trồng và chăm sóc qua nhiều thế hệ, nhưng trải qua nhiều năm na La Hiên vẫn giữ được hương vị đặc trưng mà ít nơi nào có được. Hiện nay, tổng diện tích trồng na của xã La Hiên đạt trên 200ha, trong đó có gần 700 hộ trồng na. Nhờ cây na, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Na giờ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, nhưng gia đình anh Vũ Văn Dương ở xóm Xuân Hòa đã bán được hơn 5 tạ. “Na năm nay được mùa lắm em ạ, hơn hẳn những năm trước. Quả nào quả nấy đều căng mọng to tròn và trắng hồng”. Vừa nhìn thấy chúng tôi đến vườn, anh Dương đã phấn khởi khoe.

Quả na chín sau khi thu hoạch sẽ bán được giá từ 40.000 - 45.000đ/kg. Ảnh: Toán Nguyễn.

Quả na chín sau khi thu hoạch sẽ bán được giá từ 40.000 - 45.000đ/kg. Ảnh: Toán Nguyễn.

Anh Dương là Giám đốc HTX La Hiên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng cây ăn quả như na, bưởi và cam. Anh cho biết: Gia đình anh hiện có 3.600m2 đất trồng na được trồng cách đây 20 năm từ lúc vợ chồng anh chị mới lấy nhau. Đến nay đã qua nhiều vụ thu hoạch nhưng với bàn tay kiên trì chăm sóc cây na vẫn phát triển xanh tốt và cho hàng chục tấn quả mỗi năm. Năm ngoái, gia đình anh Dương thu hoạch được tất cả 9 tấn na với giá bán trung bình khoảng 20.000đ/kg.

Năm nay, gia đình dự kiến thu hoạch khoảng 11 tấn, từ đầu vụ đến giờ anh xuất bán xuống Hà Nội khoảng 5 tạ với giá 45.000đ/kg, còn bán ở thị trường Thái Nguyên 40.000đ/kg vì không mất nhiều công vận chuyển.

Anh Dương cho biết, thị trường bán na của gia đình anh chủ yếu ở Thái Nguyên và Hà Nội thậm chí còn không có đủ hàng để bán. Nhờ trồng na mà gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà cao tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi.

Na là loại cây trồng kén đất, không trồng được trên đất đồi mà chỉ thích hợp với chất đất hang, đất núi đá có độ thoát nước nhanh vì cây na là loại cây không ưa nước, chỉ cần ẩm quá là cây sẽ chết. Điểm khác biệt của trồng và chăm sóc na so với những loại cây trồng khác đó là khi đến vụ thu hoạch và quả na đã già thì bắt buộc người trồng phải hái chứ không thể kéo dài thời gian.

Vì na có đặc điểm chín theo từng giờ do đó người trồng na phải thường xuyên kiểm tra quả để hái cho kịp thời điểm nếu không na sẽ chín quá mà hỏng, bởi vậy ngay cả khi thời tiết mưa gió thì vẫn phải hái nếu na đã già quả.

Vợ anh Dương hái na cho khách tại vườn nhà. Ảnh: Kiều Hải.

Vợ anh Dương hái na cho khách tại vườn nhà. Ảnh: Kiều Hải.

Trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ

Hiện nay, anh Dương đang thực hiện trồng na hữu cơ theo quy trình tương đối khắt khe. Phân bón được anh sử dụng phải là đỗ tương và cá được ngâm ủ mục cộng với chế phẩm sinh học EM, đợi đến khi phân hủy mới tiến hành bón cho cây. Một năm người trồng na tiến hành bón phân 2 lần, 1 lần bón lót sau khi hái quả xong vào tháng 12 âm lịch và bón thúc mỗi tháng 1 lần.

Thời gian thụ phấn của na thường là 1,5 tháng và thời gian thu hoạch na cũng kéo dài 1,5 tháng. Anh Dương bắt đầu thực hiện trồng theo hướng hữu cơ được 3 năm nay. Theo đó trồng hữu cơ có ưu điểm là quả sẽ thơm, ngon và ngọt đậm hơn nhưng lại mất nhiều công chăm sóc hơn và đặc biệt các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đều phải là sinh học.

Điểm cần lưu ý là sau khi cây na thụ phấn xong và bắt đầu có quả, lúc này là thời điểm quả hay bị bệnh như nấm, thán thư và nhện đỏ. Anh Dương thực hiện việc phun thuốc vi sinh để phòng bệnh cho na. Đến lúc quả na to, anh sử dụng chế phẩm hỗn hợp từ tỏi, ớt ngâm với rượu để phòng sâu bệnh gây hại trên na. Trung bình mỗi tháng tiến hành phun từ 1 – 2 lần.

Vào thời điểm na chín rộ, gia đình anh Dương phải thuê thêm 2 người để hái na cho kịp, thời điểm chín nhiều nhất có những ngày gia đình thu hoạch lên tới 7 tạ.

Điểm khác biệt của na La Hiên so với na ở những vùng miền khác đó là na ở đây được cắt già tay hơn. Để biết được na đã thực sự già quả hay chưa, theo kinh nghiệm của anh Dương thì trong quá trình thu hái việc thử na cũng giống như mít vậy phải búng thử quả rồi nghe tiếng phát ra xem đã "chuyển tiếng" hay chưa mới tiến hành hái.

Có hai cách để phân biệt sản phẩm na hữu cơ và vô cơ. Cách thứ nhất đó là đối với na hữu cơ thì màu sắc của quả sẽ sáng trắng và hồng, còn na trồng theo hướng vô cơ thì sẽ có màu sáng xanh. Cách thứ hai là phân biệt bằng tem truy xuất nguồn gốc. Đến thời điểm này, sản phẩm na của gia đình anh Dương và các thành viên HTX đã có tem truy xuất nguồn gốc và sản phẩm na của HTX đã đạt chuẩn OCOP.

Ngoài trồng na hữu cơ, gia đình anh Dương còn thuê thêm 3ha đất vườn đồi để trồng 1.300cây bưởi và 1.000 cây cam theo hướng hữu cơ. Theo anh Dương, trong 3 loại cây ăn quả mà anh đang trồng thì mỗi loại có một đặc tính riêng. Cam là loại cây trồng khó tính nên phải trồng theo hướng hữu cơ mới bền cây. Muốn biết cây cam khỏe hay không chỉ cần nhìn vào màu sắc của lá, nếu lá bóng đen thì nghĩa là cam khỏe. Đối với bưởi và cam anh Dương mới trồng được hơn 3 năm nên chưa thu hoạch được nhiều. Vụ năm ngoái mới bắt đầu cho thu hoạch khoảng 2 tấn cam với giá bán 15.000đ/kg, dự kiến năm nay cam và bưởi mỗi loại đạt sản lượng khoảng 20 tấn. Năm 2019, doanh thu từ na của HTX đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.

HTX La Hiên hiện có tất cả 8 thành viên. Điều thuận lợi nhất khi thành lập HTX theo anh Dương đó là sản phẩm bán ra thị trường có nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn đối với người sử dụng nên tiêu thụ dễ hơn.

Do đó, thời gian tới, anh Dương dự kiến sẽ mở rộng thêm mô hình cây ăn quả lên khoảng 10ha đồng thời đầu tư thêm lĩnh vực chăn nuôi gà thả đồi và cá để mang lại thu nhập kinh tế cao hơn nữa cho gia đình và các thành viên hợp tác xã.

Vườn cam trĩu quả của gia đình anh Vũ Văn Dương. Ảnh: Kiều Hải.

Vườn cam trĩu quả của gia đình anh Vũ Văn Dương. Ảnh: Kiều Hải.

Chị Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đến thời điểm này, các mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tập hợp được số lượng lớn bà con tham gia, nhờ chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả nên đã góp phần nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân.

Thực hiện theo đề án của Trung ương và tỉnh về xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực của địa phương, hiện tại Thái Nguyên đang bước đầu hình thành và đang làm được khoảng 40 mô hình trong các lĩnh vực như chè, chăn nuôi, trồng trọt.

Đặc biệt ở Võ Nhai có mô hình gắn với các đặc sản vùng miền là cây na, bưởi, cam; thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với trồng các loại cây, củ, quả đem lại giá trị và chất lượng cao.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.