| Hotline: 0983.970.780

Người trồng rau trái vụ 'méo mặt' vì sâu bệnh

Thứ Năm 08/12/2022 , 09:35 (GMT+7)

HÀ NỘI Thời tiết bất lợi khiến nhiều diện tích rau vụ đông sớm phát triển kém, cộng với sâu bệnh bùng phát mạnh phá hoại rau nên nông dân trồng rau lỗ nặng.

Văn Đức và Đặng Xá là 2 xã trồng rau trọng điểm của huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tổng diện tích chuyên rau của các địa phương này đạt gần 400ha. Do thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều, làm cho nhiều gia đình sống bằng nghề trồng rau năm nay bị thất thu nặng.

2.1 - Bắp cải bị hại nặng thời tiết và bọ phấn trắng

Bắp cải bị hại nặng do thời tiết bất lợi và bọ phấn trắng. Ảnh: Hải Tiến.

Trồng nhiều lỗ nhiều...

Ông Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Đổng Xuyên, xã Dặng Xá trồng 2 mẫu (0,72ha) rau bắp cải trái vụ (tháng 7 đến 11), mới thu hoạch non nửa diện tích đã lỗ vốn 30 triệu đồng. Số rau còn lại nhiều khả năng cũng thua lỗ tương tự, vì các ruộng rau đang rất còi cọc, bị dịch hại nhiều. Ông Hoàn than thở: "Đối tượng sâu bệnh hại rau năm nay chủ yếu là bọ phấn trắng, tôi đã dùng nhiều loại thuốc sinh học dòng chích hút phun trừ nhưng không hiệu quả, đành bất lực ngồi nhìn ruộng rau chết dần từng ngày”.

Bà Nguyễn Thị Vân (cùng xã Đặng Xá) trồng 3 mẫu bắp cải cũng bị lỗ mất 40 triệu đồng. Bà Vân cho biết, người dân ở đây cơ bản chỉ sống bằng nghề canh tác rau, nhờ có nhiều loại máy móc thay thế công lao động nặng nhọc nên nhà ít nhất cũng làm được 1 mẫu rau bắp cải, nhiều nhà trồng tới 4 mẫu rau các loại, một số hộ còn sang các xã Phú Thị kề bên thuê thêm ruộng để trồng rau, làm giàu. Nhưng rau năm nay thì không có gì để nói, trồng ít lỗ vốn ít, trồng nhiều lỗ vốn nhiều, không nhà nào trồng rau ở đây không bị thua lỗ.

 3 – Ruộng súp lơ ở Văn Đức đang chờ phá đi trồng mới

Ruộng súp lơ ở Văn Đức đang chờ phá đi trồng mới. Ảnh: Hải Tiến.

Vựa rau xã Văn Đức cũng chung cảnh ngộ như Đặng Xá. Ông Trần Mạnh Hùng bị lỗ mất 6 triệu đồng từ trồng 4 sào rau cải thảo, bà Trần Thị Hoán có gần 3 sào bắp cải cũng bị lỗ vốn ngót 9 triệu đồng. Còn gần 1 sào súp lơ đang ngắc ngoải, bà Hoán đang tính phá đi trồng lại lứa rau mới.

Theo bà Hoán, nguyên nhân rau bị thất thu là do thời tiết ít mưa, sâu bệnh phát sinh gây hại nhiều, cây rau lớn chậm, kéo dài thời gian sinh trưởng, phải tăng chăm bón. Kết hợp giá các loại vật tư sản xuất và công lao động đều tăng thêm 50 - 70% so với năm trước, dẫn đến đội giá thành sản phẩm. Hộ nào cố giữ được ruộng rau, chất lượng cũng rất kém, rau luộc lâu chín, ăn không mềm, ngọt như mọi năm, vì bọ phấn trắng đã chích hút vãn dịch (dinh dưỡng) trong cây, có mang ra chợ bán rẻ cũng trầy trật mới hết.

“Tầm tháng 11 năm trước, 1kg rau bắp cải bán 8.000 - 10.000 đồng tại ruộng, năm nay chỉ được 1.500 - 2.000 đồng. Trong khi giá thành sản xuất 1kg rau này cần 3.500 - 4.000 đồng nên làm rau bị thua lỗ nặng” bà Hoán cho biết.

3.1 – Cây súp lơ bị bọ phấn gây hại còi cọc không thể lớn tiếp

Những cây súp lơ bị bọ phấn gây hại còi cọc không thể lớn tiếp. Ảnh: Hải Tiến.

Rau lên giá cũng vừa lúc tàn vụ

Theo giới chuyên môn tại địa phương, mất mùa rau trái vụ vừa qua là do thời tiết ấm, nóng và hanh khô kéo dài, thuận lợi cho các loại bọ phấn trắng phát sinh, phát triển. Đối tượng này gây hại chủ yếu trên các cây trồng họ thập tự như bắp cải, su hào, súp lơ... Bọ phấn chích hút dịch thân và lá rau ở mọi thời kỳ sinh trưởng, làm cho cây còi cọc, phát triển chậm, ruộng rau bị bọ phấn hại nặng có thể không cho thu hoạch. Tuy nhiên từ đầu tháng 12 tới nay, trời bắt đầu có mưa và rét ngọt, mật độ bọ phấn trắng đã giảm đi căn bản, giá rau cũng đã bắt đầu tăng cao trở lại.

2 – Ruộng cải bắp ở Đặng Xá bị hại do thời tiết và sâu bệnh

Ruộng cải bắp ở Đặng Xá bị hại do thời tiết và sâu bệnh. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Bùi Thị Thiện (xã Đặng Xá) thừa nhận, rau cải bắp đang lên giá, bán tại đầu bờ được 5.000 - 7.000/kg (tuỳ theo rau đẹp hay xấu). Nhưng bà Thiện và các hộ trồng rau ở Đặng Xá cũng không còn bắp cải cho thu hoạch, số còn lại chỉ là những ruộng rau mới trồng vụ 2, cuối tháng 2 (dương lịch) năm sau mới cho bán.

Ông Đoàn Hà Bằng, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đặng Xá cho biết, toàn xã có 120ha rau các loại (chưa kể diện tích thuê trồng rau ở các xã bên ngoài), gieo trồng tập trung ở các thôn Đổng Xuyên và Hoàn Long, có 95% diện tích này là trồng rau bắp cải, thời vụ trồng rải đều suốt từ tháng 7 - 11, những lứa rau này hoặc đã thu hoạch hết hoặc đang bị lụi dần vì sâu bệnh. Hiện nay bà con nông dân đang nỗ lực chăm sóc vụ rau thứ 2 (trồng cuối tháng 11), dự kiến khoảng giữa tháng 2 năm sau mới có rau bán. Theo đó từ nay tới Tết Nguyên Đán, rau sẽ còn khan hiếm và đắt đỏ.

4.1 - Cải thảo trồng muộn ít bị bọ phấn gây hại

Cải thảo trồng muộn ít bị bọ phấn gây hại hơn. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp tổng hợp Văn Đức đánh giá: Do ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh, các loại rau trồng trái vụ vừa qua nói chung đều bị rớt giá. Những cây rau mới xuống giống, không cho thu kịp vào tầm Tết nên giá các loại rau sẽ còn tăng cao. “Văn Đức cũng mới trồng 250ha rau bắp cải, súp lơ, su hào, cải thảo...  HTX đang tích cực chỉ đạo bà con chăm sóc nhằm thu hoạch rau sớm vào lúc giá đang cao, bù đắp phần nào thất thu vụ rau trồng trước đó”, ông Minh thông tin thêm.

1 – Nông dân Đặng Xá tích cực chăm sóc rau mới trồng

Nông dân Đặng Xá tích cực chăm sóc rau mới trồng. Ảnh: Hải Tiến.

Theo kinh nghiệm của nông dân trồng rau ở Gia Lâm, năm 2023 nhuận 2 tháng 2 nên rét đến muộn. Nếu các đơn vị chuyên môn khuyến cáo người dân xuống giống rau muộn hơn so với thời vụ hàng năm thì sẽ giảm thiểu được rủi ro thiệt hại.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.