| Hotline: 0983.970.780

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phải được cơ giới hóa

Thứ Tư 19/02/2020 , 09:27 (GMT+7)

Đó là một trong những mục tiêu quan trọng mà Bộ NN-PTNT đã đặt ra cho việc phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đến năm 2030.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Long An.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Long An.

Sử dụng thiết bị, máy móc tăng nhanh

Theo Bộ NN-PTNT, trong những năm qua, trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh; nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, so với 2011, đến năm 2016: Số lượng máy kéo cả nước tăng 45,5%; máy gặt đập liên hợp tăng 77,1%; máy sấy nông sản tăng 25,8%.

Cá biệt, một số chủng loại máy có tốc độ tăng trưởng rất nhanh như máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90,6%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 2,2 lần và máy phun thuốc trừ sâu tăng 3,1 lần. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác.

Mức độ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đạt tỷ lệ cao và tăng nhanh. Về lĩnh vực trồng trọt, khâu làm đất (lúa đạt 95%, mía đạt trên 90%, ngô đạt 70%, chè đạt 70%, vùng rau chuyên canh đạt gần 90%); khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật lúa và các cây trồng khác đạt khoảng 70%; khâu thu hoạch (lúa đạt 70%, mía đạt 70%, ngô đạt 5%, chè đạt 40%)…

Về lĩnh vực chăn nuôi: Chăn nuôi gà trang trại, công nghiệp mức độ cơ giới hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống đạt trên 90%, xử lý môi trường đạt 55%; hộ chăn nuôi trâu, bò đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm, cây đạt 60%; hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa đạt khoảng 75%.

Về lĩnh vực thủy sản: Các máy móc đã ứng dụng gồm máy sục khí, máy kiểm tra nhiệt độ nước, máy thu hoạch, các máy móc cho cơ sở hạ tầng ao nuôi... Trong đánh bắt hải sản, hiện trạng tàu công suất từ 90 CV trở lên năm 2018 là 34.563 chiếc, tổng công suất thiết kế đạt 13.480 nghìn CV.

Những hạn chế

Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp một số khâu, lĩnh vực còn thấp, chưa toàn diện.

Đặc biệt, trong lĩnh vực lâm nghiệp, hiện có tới 70% khối lượng công việc vẫn được làm bằng thủ công, áp dụng cơ giới hóa chỉ mới được thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển, còn nhiều khâu sản xuất quan trọng chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn như trồng, chăm sóc, chữa cháy, vận xuất và bốc xếp thì tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa thấp khoảng 2-5%.

Cụ thể, khâu trồng, chăm sóc và phát triển rừng mặc dù tốn nhiều công sức lao động nhưng tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa chỉ đạt 3%. Các công việc như cuốc hố trồng cây, đóng bầu ương cây giống, trồng cây đều làm bằng tay.

Tỷ lệ chữa cháy rừng bằng máy chỉ đạt 2%. Chữa cháy rừng hiện nay chủ yếu là dùng cành lá để dập lửa, chỉ một số rất ít các vườn quốc gia, trung tâm chữa cháy rừng được trang bị một số thiết bị nhưng số lượng còn hạn chế và không đạt hiệu quả như mong đợi. Khâu phun thuốc trừ sâu bệnh hại cây lâm nghiệp hầu như không sử dụng thiết bị máy móc.

Mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp một số khâu đạt cao nhưng chưa toàn diện, mới tập trung chủ yếu một số khâu như: làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa. Một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như: cấy lúa, chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê.

Cơ giới hóa trong trồng mía.

Cơ giới hóa trong trồng mía.

Nhìn chung, trang bị động lực máy nông nghiệp Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún.

Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy (mới đạt khoảng 33% nhu cầu sản phẩm cơ khí). Hiện nay, máy kéo, máy gặt lúa chủ yếu của Nhật Bản, Hàn Quốc; máy phun thuốc, máy gieo hạt, máy cắt cỏ chủ yếu của Nhật Bản.

Cơ chế chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ, nhưng tính thực thi thiếu nhất quán, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế; quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất chưa đảm bảo nhu cầu phát triển cơ giới hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.

Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính, do vậy hạn chế trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền, cây, con, đặt ra những yêu cầu đa dạng, rất phức tạp đối với hệ thống máy và thiết bị cơ giới hóa. Khả năng đầu tư của chủ thể sản xuất cho cơ giới hóa còn hạn chế (rất ít hộ nông dân có khả năng mua sắm máy móc bằng vốn tự có). Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa phát triển đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, ứng dụng máy móc phục vụ sản xuất hàng hóa lớn.

Cơ giới hóa những vùng sản xuất tập trung

Xác định cơ giới hóa là một trong những khâu quan trọng nhất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã có chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng, vật nuôi, nhất là những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hoá bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Cơ giới hoá nông nghiệp phát triển đồng bộ với quy mô và trình độ sản xuất nông nghiệp, quy hoạch đồng ruộng, kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, qui trình canh tác, khả năng đầu tư của từng vùng, từng ngành hàng, từng sản phẩm một cách phù hợp. Cơ giới hoá nông nghiệp tập trung đầu tư cho những cây trồng chủ lực quốc gia, ở những vùng sản xuất hàng hoá lớn, phù hợp với tiềm năng lợi thế của vùng. Phân bố không gian cơ giới hóa theo hướng gắn với phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ sản phẩm ở các vùng nguyên liệu tập trung...

Phấn đấu đến năm 2030, những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung đều được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ, đồng thời tiến tới tự động hóa góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả cao, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Các ngành hàng nông sản chủ lực được cơ giới hóa đồng bộ gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Mức độ cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%; công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 5-6 HP/ha.

Về các lĩnh vực cụ thể, trong trồng trọt: tỷ lệ áp dụng máy ở khâu làm đất đạt 95%,  khâu gieo trồng đạt 90%, khâu chăm sóc đạt 95% và khâu thu hoạch đạt 90% đối với các sản phẩm cây trồng chủ lực quốc gia.

Trong chăn nuôi: Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn sử dụng máy móc, tự động hóa các khâu: phối trội thức ăn, cho ăn, cho uống, tắm, vệ sinh chuồng trại, vắt sữa, xử lý chất thải đạt 90%, đối với những cơ sở chăn nuôi quy mô trung bình và nhỏ đạt 75%.

Trong lâm nghiệp: tại các vùng trồng rừng tập trung, quy mô lớn có sử dụng máy móc các khâu làm đất đạt 75%, trồng cây đạt 50%, phòng trừ sâu bệnh và phòng chống cháy rừng đạt 90%, thu hoạch đạt 50%.

Trong nuôi trồng thủy sản, các ao nuôi quy mô công nghiệp đạt 90% diện tích nuôi sử dụng máy móc ở các khâu: cho ăn, chăm sóc, thu hoạch; ở các ao nuôi quy mô trung bình và nhỏ đạt 50%. Trong đánh bắt hải sản: tăng số lượng tàu khai thác hải sản trên biển có công suất trên 90 CV lên 50.000 chiếc, tổng công suất đạt 20.000 CV.

Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã đưa ra các nhóm giải pháp chủ yếu.

Trước hết là triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường.

Khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp.

Đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Tăng cường chuyển giao áp dụng tiến bộ, khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp.

Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.