| Hotline: 0983.970.780

Vườn nho trĩu quả giữa lòng thành phố

Thứ Hai 08/06/2020 , 11:17 (GMT+7)

Tận dụng khoảng sân 500m2 quanh nhà, ông Năm Ở tự mày mò nghiên cứu lai tạo thành công giống nho Phan Rang với nho rừng, thích hợp thổ nhưỡng TP.HCM.

Niềm vui của ông Năm Ở sau khi về hưu là mỗi ngày được chăm sóc vườn nho. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Niềm vui của ông Năm Ở sau khi về hưu là mỗi ngày được chăm sóc vườn nho. Ảnh: Nguyễn Thủy.

3 năm nghiên cứu lai tạo

Là một kỹ sư ngành hóa, không hiểu nhiều về nghề nông, nhưng ông Năm Ở (64 tuổi, ngụ 14/8 hẻm 14, đường 359, Khu phố 5, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) lại bén duyên với những cây nho sai trĩu quả.

Hẹn ông vào một buổi trưa nắng gắt của tiết trời Sài Gòn, thế nhưng chúng tôi lại cảm thấy thích thú và choáng ngợp bởi khoảng sân rợp bóng mát, với những chùm nho xanh sai trĩu quả.

Hỏi về cơ duyên nào mà ông lại có ý tưởng trồng vườn nho xanh tốt như thế, ông Năm Ở kể: Trong một chuyến đi chơi ở Phan Rang (Ninh Thuận) vào năm 2010 trước khi chuẩn bị về hưu, ông được người bạn cho hai nhánh nho về nhà trồng thử. Thế nhưng, một nhánh bị chết, còn một nhánh phát triển được nhưng trái nhỏ và chua.

Vườn nho sai trĩu quả rợp bóng mát khiến nhiều người thích thú mỗi khi ghé thăm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vườn nho sai trĩu quả rợp bóng mát khiến nhiều người thích thú mỗi khi ghé thăm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lúc này, ông băn khoăn: “Tại sao ở Ninh Thuận họ trồng được, nhiều quả to và ngọt mà mình không trồng được ở TP.HCM”. Những ngày tiếp theo, ông cặm cụi tìm kiếm trên mạng, báo chí về các phương pháp chăm sóc, kỹ thuật ghép giống nho sao cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của TP.HCM.

Ba năm ròng rã nghiên cứu ghép các giống nho, ông Năm Ở đã lai tạo thành công giống nho Phan Rang với giống nho rừng thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của TP.HCM và các tỉnh lân cận.

“Ban đầu, tôi chỉ tính trồng chơi thôi, chứ không nghĩ mình lại đam mê và gắn bó với nghề trồng nho như vậy. Đến nay đã 11 năm tôi gắn bó với cây nho và cung cấp ra thị trường hàng ngàn cây nho giống, cũng như tư vấn miễn phí cho nhiều hộ nông dân về kỹ thuật trồng nho.

Sẵn sàng hướng dẫn miễn phí về kỹ thuật trồng nho

"Chăm sóc cây nho rất khó, cây không chịu mưa, nếu tưới quá nhiều nước cũng sẽ chết. Vì vậy, ban đầu chưa có kinh nghiệm, tôi phải theo dõi sự phát triển của nó từng ngày. Giờ quen rồi, ngủ một đêm tới sáng là biết cây nho sẽ thiếu cái gì, cần cái gì, bón phân lúc nào”, ông Năm Ở chia sẻ.

Hai ngày một lần ông Năm Ở kiểm tra từng chiếc lá, bắt sâu cho những cây nho giống. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hai ngày một lần ông Năm Ở kiểm tra từng chiếc lá, bắt sâu cho những cây nho giống. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để có được những trái nho căng mọng, tròn, ngọt, ông Năm Ở cho biết, vườn nho của ông chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, không bỏ bất cứ một loại phân hóa học nào. “Ban đầu, tôi cũng thử nghiệm bón phân hóa học, tuy nhiên khi đó rễ sẽ bị cong và cây bị chết. Ngoài ra, tôi có dùng thử thuốc kích thích cho nho, nhưng thấy trái to, xốp cơm chứ không cứng, giòn như khi mình sử dụng phân hữu cơ. Ai đã từng ăn nho ở vườn nhà tôi, sẽ thấy được vị ngọt thanh, giòn, khác biệt so với những trái nho khác”, ông Năm Ở chia sẻ.

Về kĩ thuật trồng nho, ông chia sẻ, khi cây mua về cứ hai tuần bón phân một lần, trồng tới đâu lấy dây cột tới đó để cây nho không có “thẹo” (sẹo - PV). Theo ông, cây nho chỉ phát triển lên một cành, cột cho tới khi cây phát triển lên đụng giàn thì sẽ tạo cành cấp một.

“Khi bón phân hữu cơ, cần chú ý bón cách gốc nho khoảng một gang tay, nếu bón sát gốc quá sẽ khiến cây không phát triển. Tuần đầu tiên bón 3 lạng phân hữu cơ, tuần thứ hai tăng lên 3,5 lạng, đến tuần thứ ba tăng lên. Cứ thế, rễ cây sẽ có màu trắng và khi ấy cây nho sẽ phát triển tốt”, ông nói.

Mỗi năm ông cung ứng ra thị trường hàng ngàn cây nho. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mỗi năm ông cung ứng ra thị trường hàng ngàn cây nho. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Một điểm khác nữa của cây nho mà ông Năm Ở thích thú là bởi, không giống như những loại cây khác, là khi cành nho bị gẫy thì chỉ 15 ngày sau sẽ tự động mọc lên cành khác. Mặt khác, trồng nho thích ra trái lúc nào là tùy thuộc vào người trồng, nên việc bấm mắt cho nho cũng rất quan trọng. “Muốn cho nho ra trái đợt nào thì người trồng chỉ việc bấm mắt cho nó, 2 tuần sau sẽ ra những trái non”, ông vui vẻ nói.

Ông Năm Ở cho biết, trồng nho không ai làm giàn cao như ông, thế nhưng với diện tích đất của một thành phố đô thị bậc nhất như ở TP.HCM “mỗi tấc đất là một tấc vàng”, nên ông đã tận dụng khoảng không phía trên để làm giàn cho nho phát triển mà không chiếm diện tích đất, vừa tạo bóng mát, mà lại có thêm thu nhập từ việc cho thuê sân làm chỗ đậu xe hơi.

Với gần 500m2 đất tại quận 9, ông tận dụng mọi khoảng sân để làm giàn cho nho phát triển. Mỗi năm thu hoạch 3 vụ nho các loại như nho xanh, nho đỏ, nho Mỹ, nho Pháp với giá 100.000 đồng/kg.

“Về hưu nên trồng nho cho vui cửa vui nhà, lại đem lại thu nhập, mỗi năm tôi thu được vài trăm triệu đồng từ việc bán nho là chuyện bình thường, chưa kể bán cây giống. Nếu tôi mà có đất rộng, tôi sẽ làm giàu từ nho”, ông Năm Ở cho hay.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, nhưng điện thoại ông reo liên tục vì khách gọi điện đến đặt nho, thế nhưng nhiều người vẫn không mua được vì hết hàng.

Ngoài bán nho, ông Năm Ở còn bán cây nho giống do chính tay mình ghép, mỗi năm cung ứng ra thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận hàng ngàn cây nho giống, với giá từ 400.000 – 1,5 triệu đồng/cây tùy kích thước lớn nhỏ.

Mỗi năm 3 vụ nho, ông Năm Ở thu về hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mỗi năm 3 vụ nho, ông Năm Ở thu về hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Năm Ở cho hay, để có được những cây nho giống khỏe bán ra thị trường, ông phải mất 4-5 tháng chăm sóc tỉ mỉ từng ngày. “Mỗi đợt ghép thường khoảng hơn 100 cây giống nhỏ, thì 70 cây là sống được khỏe mạnh”, ông Năm Ở nói.

Không chỉ bán giống, mà ông còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây nho cho từng khách hàng, thậm chí đến tận nhà để hướng dẫn khi khách có nhu cầu.

“Những năm gần đây, người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng quan tâm đến trồng nho tại các sân nhà, sân thượng, ban công, nên họ tìm đến tôi để mua giống và học hỏi kinh nghiệm trồng rất nhiều. Có sao thì mình chỉ vậy, mong rằng sẽ có nhiều người biết cách trồng cây nho hơn, tạo ra được những trái nho sạch, an toàn phục vụ nhu cầu của mỗi gia đình, đồng thời có thể cung ứng ra thị trường, đem lại thu nhập cao”, ông Năm Ở khẳng định.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất