| Hotline: 0983.970.780

Vườn Quốc gia Konkakinh phối hợp cộng đồng vùng đệm giữ rừng

Thứ Ba 08/11/2022 , 17:38 (GMT+7)

GIA LAI Vườn Quốc gia Konkakinh xây dựng mô hình cùng cộng đồng dân cư vùng đệm cùng tham gia giữ rừng hiện đang mang lại hiệu quả tích cực.

Cộng đồng làng cùng lực lượng kiểm lâm cùng nhau bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Konkakinh. Ảnh: TĐL.

Cộng đồng làng cùng lực lượng kiểm lâm cùng nhau bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Konkakinh. Ảnh: TĐL.

Rừng giàu Việt Nam

Vườn Quốc gia Konkakinh thuộc vùng lõm của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Vườn Quốc gia Konkakinh có tổng diện tích rừng tự nhiên lên tới hơn 41.900ha, thuộc địa bàn 3 huyện của tỉnh Gia Lai gồm huyện Kbang 33.247ha, huyện Mang Yang 5.240ha và huyện Đăk Đoa 3.426ha.

Theo thống kê, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 687 loài thực vật có mạch thuộc 459 chi, 140 họ; 428 loài động vật, trong đó 42 loài thú, 130 loài chim (thuộc 11 bộ, 34 họ), 51 loài bò sát, lưỡng cư; 205 loài bướm thuộc 10 họ trong bộ cánh vây.

Konkakinh có một hệ thực vật hội tụ của những luồng thực vật như: Luồng thực vật thuộc khu hệ Bắc Việt Nam (bao gồm các loài cây thuộc họ đậu, dâu tằm, na, giẻ, thầu dầu và mộc lan…);

Luồng thực vật thuộc khu hệ Vân Nam - Quý Châu và chân dãy núi Himalaya (bao gồm các loài cây lá kim của ngành phụ hạt trần như thông nàng, hoàng đàn giả, kim giao, pơ mu…);

Luồng thực vật thuộc khu hệ Malaysia - Indonesia (bao gồm các loài cây thuộc họ dầu như chò chai, chò đen, chò chỉ, cẩm) và luồng thực vật Ấn Độ - Myanmar (bao gồm một số loài cây thuộc họ bàng như choại; họ tử vi như bằng lăng ổi…).

Ngoài ra, nơi đây còn có một số loài đặc hữu như du moóc, hoa khế, bọ nẹt Trung bộ, hoàng thảo vạch đỏ, trắc, thông đà lạt, xoay, gõ đỏ, lọng hiệp, song bột và một số loài quý hiếm khác được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Bên cạnh hệ thực vật phong phú, ở Konkakinh, hệ động vật rừng đặc hữu cho cả Việt Nam và Đông Dương cũng hết sức đặc biệt, bao gồm 5 loài thú lớn gồm voọc vá chân xám, vượn má hung, hổ, mang Trường Sơn và mang lớn.

Có 7 loài chim gồm khướu đầu đen, khướu mỏ dài, khướu Konkakinh- loài mới được phát hiện cho khoa học trong vòng 30 năm trở lại đây ở khu vực châu Á, khướu đầu xám, trèo cây mỏ vàng, gà lôi vằn và thày chùa đít đỏ. 4 loài thuộc lớp bò sát ếch nhái (thằn lằn đuôi đỏ, thằn lằn buôn lưới, chàng Sapa, ếch gai sần).

Trong số trên, có nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn gen và nghiên cứu khoa học được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới như hổ, voọc ngũ sắc, khỉ đuôi lợn, tê tê Java, cầy tai trắng, gà lôi lông tía, giẻ cùi bụng vàng, các loại khướu, các loại kỳ đà, các loại rắn, cóc mày gai mí, cóc mắt chân dài...

Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, nhân viên cùng người dân trong các thôn làng phải ăn nằm trong rừng. Ảnh: TĐL.

Để quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, nhân viên cùng người dân trong các thôn làng phải ăn nằm trong rừng. Ảnh: TĐL.

Giữ rừng từ cộng đồng làng

Với một vùng rừng giàu có như trên, nhiệm vụ giữ tài nguyên rừng luôn được đơn vị đặt lên hang đầu. Theo đó, từ nhiều năm nay, Vườn Quốc gia Konkakinh đã triển khai công tác phối hợp với cộng đồng dân cư vùng đêm, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tại đây, có gần 18.000ha rừng đã được giao khoán bảo vệ cho 26 cộng đồng làng người BahNar. Các cộng đồng làng phối hợp với lực lượng tại 9 trạm bảo vệ rừng của Vườn tổ chức 84 đợt tuần tra rừng kể từ đầu năm đến nay, giúp ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng phá rừng.

Cũng trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng chuyên trách bảo vệ của Vườn cũng đã tổ chức tháo gỡ, vô hiệu hóa 522 bẫy thú rừng. Trong quản lý, cán bộ của Vườn luôn bám sát thông tin từ cơ sở, nếu cá nhân nào có hành vi khai thác rừng, sẽ kết hợp với già làng, người uy tín, thuyết phục nên dần dần người dân cũng hiểu và phối hợp tốt với Vườn trong công tác giữ rừng.

Làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang là một điển hình trong công tác phối hợp bảo vệ rừng. Cứ 2 ngày 1 tuần, làng lại cử một nhóm 5 đến 6 người cùng với cán bộ Trạm Bảo vệ rừng số 1 của Vườn tuần tra, kiểm soát lâm phần được giao khoán.

Để chuẩn bị cho chuyến tuần tra 2 ngày 1 đêm sâu trong rừng già cách làng hơn 10km, ngoài nhu yếu phẩm thiết yếu như nước uống, cơm nắm, muối,… người dân trong làng còn mang theo những cây gậy dài hơn 1m vừa dò đường vừa cố gắng phát hiện những chiếc bẫy để giải cứu thú rừng khi cần thiết.

Dân làng Đê Kjiêng mỗi khi vào rừng hái măng, hái đót, nếu phát hiện người lạ sẽ báo ngay cho lực lượng chuyên trách. Nhờ vậy, nhiều năm nay, tại lâm phần gần 2.000ha của cộng đồng làng Đê Kjiêng nhận giao khoán, rừng được bảo vệ nguyên vẹn, không xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào.

Công việc giữ rừng khá vất vả của nhân viên và người dân trong làng. Ảnh: TĐL.

Công việc giữ rừng khá vất vả của nhân viên và người dân trong làng. Ảnh: TĐL.

A Mưm, một trai làng Đê Kjiêng, cũng là một trong những thành viên tích cực trong Đội bảo vệ rừng của cộng đồng làng Đê Kjiêng, cho biết: Cách đây hơn chục năm, dân làng thường vào rừng đốn cây về làm nhà sàn, đốt rừng làm nương rẫy hoặc săn bắt thú rừng... làm ảnh hưởng đến một trường rừng. Từ khi được nhận giao khoán bảo vệ, người dân đã ý thức hơn và dần bỏ hẳn những thói quen ảnh hưởng xấu đến rừng.

Để ổn định sản xuất cho bà con, mỗi năm, sau khi nhận tiền từ kinh phí khoán, bảo vệ rừng, làng chia đều cho các hộ và trích ra một phần để mua máy cày, máy bơm nước phục vụ sản xuất chung, hỗ trợ vốn cho hộ nghèo.

Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Konkakinh cho biết: Xác định người dân sống gần rừng là chủ thể trong việc giữ rừng nên từ nhiều năm nay, Vườn luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền đến từng cộng đồng làng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, Vườn còn phối hợp chặt chẽ với địa phương và với từng hộ dân, tổ chức nhiều đợt tuần tra bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Vinh, Vườn đã làm nhiều chòi canh trong rừng, phân công anh em luân phiên ở lại chòi canh để tiện việc tuần rừng, anh em tự nấu cơm ăn nghỉ tại chòi, theo đó việc giữ rừng đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Lê Văn Vinh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Konkakinh: “Cái khó với lực lượng giữ rừng là áp lực công việc cao, anh em ít có thời gian về nhà với gia đình, nguy hiểm luôn rình rập. Trong khi quyền hạn và chế độ phụ cấp lại giảm. Tuy nhiên, chúng tôi luôn động viên nhau, cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thời gian tới, đơn vị sẽ chú trọng triển khai dự án hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, xen trong nương rẫy nhằm giúp người dân có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập, yên tâm bảo vệ rừng”.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.