| Hotline: 0983.970.780

Vượt đại dịch, ngành gỗ bứt phá ngoạn mục

Thứ Sáu 25/09/2020 , 19:46 (GMT+7)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, thế nhưng đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có những bước bứt phá ngoạn mục.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị giao ban ngành gỗ tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị giao ban ngành gỗ tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt gần 9 tỷ USD

Chiều 25/9, tại Bình Định, Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị giao ban ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn chủ trì hội nghị.

Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, lãnh đạo các tỉnh phát triển mạnh ngành chế biến gỗ và 150 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ trên cả nước.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong  tháng 9 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 1,131 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019, bởi chỉ trong 15 ngày đầu tháng 9, giá trị xuất khẩu các mặt hàng này đã đạt 565,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2 so với cùng kỳ.

5 thị trường chính xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 7,01 tỷ USD chiếm 89,4% giá trị xuất khẩu.

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 3 tháng đầu năm, thời gian chưa xảy ra dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, từ tháng 4 đến tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu giảm, đặc biệt là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, do các quốc gia này đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Các nước nói trên đều thực hiện giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng, vì thế đồ gỗ và lâm sản của Việt Nam bị tắt đường xuất khẩu.

Trong giai đoạn này, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn; các nhà máy sản xuất, chế biến hoạt động cầm chừng, nhiều nhà máy tạm đóng cửa do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu phụ trợ và vốn đầu tư sản xuất.

Hội nghị giao ban ngành gỗ có sự tham dự của 150 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ trên cả nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hội nghị giao ban ngành gỗ có sự tham dự của 150 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ trên cả nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thế nhưng từ tháng 7/2020 đến nay, khi dịch Covid-19 đã dần được khống chế, các quốc gia bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, nên nhu cầu nhập khẩu gỗ và lâm sản đã tăng lên đáng kể, nhiều đơn hàng đã được ký kết. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam được Chính phủ quan tâm, các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nên các doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, nhờ đó giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trở lại. Đặc biệt, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong tháng 8 đã đạt trên 1 tỷ USD.

Biến lợi thế thành thế mạnh

Đánh giá hoạt động của ngành gỗ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn biểu dương những nỗ lực, sự sáng tạo của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ngành gỗ Việt Nam để tạo ra những bức phá ngoạn mục.

"Các doanh nghiệp đã không ngồi chờ thị trường tìm đến, có những doanh nghiệp chỉ 1 lần đàm phán với khách hàng mà phải bám trụ ở nước ngoài đến hàng tháng trời để lấy được đơn hàng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.

Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định) đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (Bình Định) đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu các thị trường khó tính. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, mặc dù trong bối cảnh bị đại dịch Covid-19 tác động, nhưng chuỗi cung ứng của ngành gỗ Việt Nam chẳng những không bị đứt gãy, mà còn phát triển hơn trước khi dịch xảy ra, điển hình như các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí.

“Để nhanh chóng biến lợi thế thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam, ngay trong tháng 11 tới, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Chi hội này sẽ tạo ra chuỗi liên kết dọc, chuỗi liên kết ngang để đạt mục tiêu tạo ra mạng lưới rộng lớn kết nối các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất mặt hàng chiến lược, cung ứng cho những thị trường chiến lược để từng bước hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong 9 tháng đầu năm 2020, dù thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam đã tăng trưởng 12% so cùng kỳ là thành tựu ngoài mong đợi. Có được kết quả này là nhờ thời gian vừa qua Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã nắm bắt sát sao tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, để kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Trong đó, có nhiều gói hỗ trợ trực tiếp, vừa thực hiện cơ chế giãn hoãn tiền thuê đất, tiền thuế, vừa có gói tín dụng rất lớn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành gỗ đã có thay đổi lớn về công tác quản trị, đáp ứng hiệu quả với tình hình mới, đồng thời Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã thể hiện được vai trò kết nối các doanh nghiệp với nhau rất tốt, nhờ đó đã duy trì trì được các đơn hàng lớn của các thị trường chủ lực.

Các mặt hàng chiến lược của ngành gỗ Việt Nam hiện nay là tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Các mặt hàng chiến lược của ngành gỗ Việt Nam hiện nay là tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Còn 3 tháng cuối năm, chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD nữa. Như vậy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam có thể cán đích khoảng gần 13 tỷ USD, đây là mức tăng trưởng rất cao, chẳng thua kém các năm qua”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhận định.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm