| Hotline: 0983.970.780

Vượt lũ lớn gặt mùa vàng

Thứ Hai 17/05/2021 , 12:50 (GMT+7)

Đến thời điểm này có thể khẳng định nông dân Quảng Bình đã vượt lũ lớn, gặt mùa vàng thành công khi đã thu hoạch đạt trên 70% diện tích lúa đông xuân.

Năng suất lập đỉnh 10 năm

Ông Nguyễn Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình cho hay: “Vụ này, nông nghiệp Quảng Bình thắng lợi. Lúa vừa được mùa vừa được giá. Năng suất bình quân đạt gần 63 tạ/ha, cao nhất trong hơn 10 năm qua”.

Đợt mưa lũ lịch sử cuối năm 2020, gây thiệt hại rất lớn đối với tỉnh Quảng Bình. Trên mặt trận nông nghiệp đối mặt với những thách thức lớn khi hầu hết các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng bị hư hại. Lượng giống lúa trong dân cơ bản bị trôi hoặc bị ướt hỏng, nguồn lực cho sản xuất thiếu.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, Quảng Bình đã trích ngân sách, quỹ cứu trợ để mua toàn bộ giống lúa mới, chất lượng cao cung cấp cho người dân kịp sản xuất vụ đông xuân với diện tích gần 30.000ha.

Nhiều bộ giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất ở Quảng Bình cho năng suất cao. Ảnh: N.Tâm.

Nhiều bộ giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất ở Quảng Bình cho năng suất cao. Ảnh: N.Tâm.

Sau lũ, đồng ruộng được bồi lắng lượng lớn phù sa nên lúa sinh trưởng tốt. Đến vụ thu hoạch, lúa nặng trĩu bông, hạt tròn, mẩy và chắc. Tại thời điểm đó, vài trận mưa lớn kèm gió mạnh làm hơn 3.000ha lúa bị ảnh hưởng nặng.

Vượt lên những khó khăn, thách thức, nông dân Quảng Bình dồn sức cho những cánh đồng. Theo đánh giá bước đầu, năng suất lúa bình quân của tỉnh đạt gần 63 tạ/ha, cao hơn so vụ đông xuân trước 5 tạ/ha.

Chúng tôi về huyện Lệ Thủy khi bà con đang hối hả vào vụ gặt. Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, Lệ Thủy gieo cấy 10.200ha lúa, năng suất bình quân  đạt trên 70 tạ/ha.

Toàn huyện Lệ Thủy đã gặt trên 2.5000ha lúa, tập trung nhiều ở các xã Mai Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy. Năng suất lúa đạt cao tập trung tại các các xã Phong Thủy, An Thủy (77 tạ/ha), Lộc Thủy, Hoa Thủy (76 tạ/ha), Hồng Thủy (75 tạ/ha),  Xuân Thủy (74 tạ/ha)…

Nông dân huyện Quảng Ninh cũng đang khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân trên tinh thần phấn khởi của vụ mùa bội thu sau thiên tai lớn. Toàn huyện gieo cấy với diện tích trên 5.200ha, năng suất ước đạt 63 tạ/ha.

Từ đầu vụ, các địa phương trong huyện đã tích cực hướng dẫn bà con nông dân gieo sạ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình. Nhờ vậy, lúa trên cánh đồng phát triển tốt, bông lúa dài, hạt chắc đều.

Nhiều địa phương đạt năng suất lúa cao như Gia Ninh (trên 71 tạ/ha), An Ninh  (trên 70 tạ/ha), Lương Ninh, Hàm Ninh (trên 63 tạ/ha)…Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã An Ninh), có năng suất dẫn đầu với 76 tạ/ha.

Ông Nguyễn Duy Viên, Giám đốc HTX cho hay: “Trên cánh đồng lớn của chúng tôi có diện tích trên 200 ha. Nhờ chủ động canh tác tốt và đưa giống lúa chất lượng vào cơ cấu nên năng suất lúa của nhiều gia đình đạt cao. Năng suất này là ở điểm cao của vùng chiêm trũng này”.

Giống lúa ST24 cho năng suất 68 tạ/ha tại đồng ruộng Tuyên Hóa. Ảnh: N.Tâm.

Giống lúa ST24 cho năng suất 68 tạ/ha tại đồng ruộng Tuyên Hóa. Ảnh: N.Tâm.

Vụ đông\ -xuân này, huyện Bố Trạch gieo cấy trên 5.200ha. Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, đầu vụ sản xuất có rét đậm kéo dài làm khoảng 100ha lúa gieo trà đầu bị thiệt hại. Một số đồng ruộng xuất hiện rải rác chuột, sâu bệnh phát sinh gây hại... Nhưng đến nay, các diện tích cây trồng phát triển tốt, cho thu hoạch, năng suất, chất lượng dự ước đạt cao nhất từ trước đến nay. Qua đánh giá, năng suất lúa đạt 59 tạ/ha.

Một số địa phương tại huyện Bố Trạch cũng đã có năng suất lúa đạt cao trong khoảng chục năm trở lại đây. Điển hình như thị trấn Phong Nha (67 tạ/ha), xã Hưng Trạch (65 tạ/ha)... So với vụ đông xuân năm ngoái thì năng suất tăng cao khoảng 4 tạ/ha.

Được mùa lớn và nông dân Quảng Bình càng phấn khởi hơn khi giá lúa đầu vụ cũng khá cao. Ở các địa phương hiện giá lúa tươi sau gặt xong bán tại ruộng khoảng 6.000 đồng/kg, lúa thành phẩm 7.000-7.500 đồng/kg, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm trước. Lúa gặt đến đâu, có thương lái mua hết đến đó nên bà con rất vui. Nhiều nông dân thuê ruộng canh tác theo mô hình cánh đồng lớn. Nhiều hộ ở huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh sau khi bán lúa đã có thu nhập trên trăm triệu đồng vụ đông xuân này.

Ưu tiên giống lúa khoa học kỹ thuật

Theo Sở NN-PTNT Quảng Bình, vụ đông xuân này nông dân được mùa “kép” nhờ sử dụng nhiều giống lúa chất lượng cao và sử dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI.

Giống lúa chất lượng cao sẽ tạo cho nông nghiệp Quảng Bình có hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Ảnh: N.Tâm

Giống lúa chất lượng cao sẽ tạo cho nông nghiệp Quảng Bình có hiệu quả cao hơn trong sản xuất. Ảnh: N.Tâm

Tại huyện Lệ Thủy, cơ cấu bộ giống ưu tiên sử dụng giống lúa chất lượng cao. Khoảng 5.000ha (trên 49% tổng diện tích) sử dụng các giống lúa mới như P6, Phong Nha 99, Hà Phát 3, Nhị Ưu 838, KH336… Nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã chú trọng mở rộng diện tích cánh đồng lớn và sử dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI để tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong vụ đông xuân này, nhiều địa phương tại Quảng Bình chủ động đưa các giống lúa ST24, ST25 vào làm mô hình thử nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình đã triển khai thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST25, do HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Phong (HTX Đạo Phong - xã Phong Thủy - Lệ Thủy) chủ trì thực hiện.

Nông dân Quảng Bình thu hoạch lúa đông-xuân được mùa, được giá. Ảnh: T. Linh

Nông dân Quảng Bình thu hoạch lúa đông-xuân được mùa, được giá. Ảnh: T. Linh

Hiện, trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ có nhiều giống lúa đã tồn tại nhiều năm, chất lượng giảm và khả năng chống chịu sâu bệnh thấp. Qua đó, đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Bởi vậy việc thử nghiệm các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt là việc làm hết sức cần thiết của địa phương này.

Theo ông Hồ Hữu Tuấn, Giám đốc HTX Đại Phong cho hay, đã đưa vào mô hình thử nghiệm trên diện tích 3 ha. Thực tế cho thấy, giống lúa ST25 dễ canh tác, có khả năng sinh trưởng tốt. Khi lúa chín có bông to, hạt dài. Năng suất ước đạt 60 tạ/ha. Từ mô hình vụ đông xuân, HTX Đại Phong tiếp tục triển khai khoảng 4 ha ruộng lúa ST25 trong vụ hè thu tới.

Tại huyện Tuyên Hóa, đã hỗ trợ các xã Mai Hóa và Châu Hóa đưa giống lúa ST24 về trồng thử nghiệm trên diện tích 10ha. Những hộ dân tham gia mô hình giống ST24 được UBND huyện Tuyên Hóa hỗ trợ 100% về giống, Tổng Công ty Sông Gianh hỗ trợ 20% lượng phân bón và bao tiêu sản phẩm với giá bình quân hiện nay là 9.000đ/1kg lúa khô.

Khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân để triển khai vụ hè thu ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: N.Tâm.

Khẩn trương thu hoạch lúa đông xuân để triển khai vụ hè thu ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: N.Tâm.

Hội nghị đầu bờ giống lúa này cho thấy, trên đồng ruộng các xã Mai Hóa, Châu Hóa, giống lúa ST24 phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, cho bông to, hạt dài, năng suất vượt trội so với các giống lúa truyền thống khác. Theo ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN-PTNT Tuyên Hóa năng suất lúa ST 24 tại Mai Hóa đạt 64 tạ/ha và tại Châu Hóa đạt 68 tạ/ha.

“Trên cơ sở mô hình vụ đông xuân, vụ hè thu này, chúng tôi khuyến khích mở rộng diện tích lúa ST24 khoảng 35 ha. Ngoài ra cũng sẽ đưa giống ST25 về thử nghiệm trên diện tích  10 ha trên địa bàn để làm cơ sở cho những vụ sau”, ông Thương cho biết thêm.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.