| Hotline: 0983.970.780

Xã miền núi đầu tiên phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Tư 31/03/2021 , 07:00 (GMT+7)

Sau hơn 5 năm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), xã Tân Hợp đang nỗ lực trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên ở vùng miền núi Quảng Trị.

Cơ sở hạ tầng của của xã NTM Tân Hợp được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: Công Điền.

Cơ sở hạ tầng của của xã NTM Tân Hợp được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: Công Điền.

Xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn NTM

Tháng 9/1975, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Trị di giãn dân để khai thác thế mạnh vùng trung du miền núi, một bộ phận người dân từ các xã Triệu Trạch, Triệu Lương, Triệu Lễ, thuộc huyện Triệu Phong tình nguyện lên xây dựng vùng kinh tế mới ở vùng đất đỏ ba-zan phía tây Quảng Trị, cùng bà con đồng bào Vân Kiều sinh sống tại đây thành lập nên xã Tân Hợp thuộc huyện Hướng Hoá.

Những ngày đầu, vùng đất đỏ ba-zan phía tây Quảng Trị còn là chốn hoang sơ, rừng rú, lau lách chiếm phần lớn diện tích, chỉ thưa thớt những bản làng của đồng bào Bru - Vân Kiều sinh sống từ bao đời. Không chỉ thế, nơi đây từng là chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nên bom đạn vẫn còn sót lại trong lòng đất, cộng với thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì... là trở ngại lớn của người dân nơi đây.

Trong điều kiện ấy, vượt qua mọi khó khăn của buổi đầu mới lập làng, lập xã, người dân Tân Hợp đã ra sức khai hoang, phục hóa, nỗ lực dọn sạch bom mìn, san phẳng hố bom để lấy đất trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất.

Và đất đã không phụ sức người khi những vườn sắn, nương chuối xanh tốt dần xóa đi dấu tích của bom đạn chiến tranh; vùng đất lau lách, cỏ dại năm xưa nay trở thành những diện tích đất nông nghiệp màu mỡ, với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người dân.

Không giấu được niềm tự hào, ông Trần Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết, từ năm 2011 đến nay, diện mạo nông thôn trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Là một xã miền núi nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo đã giảm chỉ còn 1,24%; thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người/ năm; 99% đường liên thôn, trục thôn của xã được bê tông hóa; 100% tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm có điện chiếu sáng; 97,7% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 96,5% người dân tham gia bảo hiểm y tế...

Người dân xã Tân Hợp chung tay xây dựng NTM. Ảnh: Công Điền.

Người dân xã Tân Hợp chung tay xây dựng NTM. Ảnh: Công Điền.

Ông Trần Vinh còn cho biết thêm, khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, điều kiện của địa phương và đời sống của nhân dân còn khó khăn nhiều mặt.

“Trong hoàn cảnh khó khăn của một xã miền núi, địa phương luôn chú trọng phát huy tính tiên phong, gương mẫu của các đảng viên và huy động sự chung tay góp sức của người dân. Cùng với đó, xã cũng tranh thủ mọi nguồn vốn của tỉnh, huyện trong suốt cả quá trình xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu”, ông Trần Vinh cho biết.

Những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2015, xã Tân Hợp là xã miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị về đích NTM.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Tân Hợp đã không ngừng nỗ lực duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020.

Căn cứ vào Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, xã Tân Hợp đã tập trung lãnh đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí. Theo đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm tỉ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. 

Lĩnh vực văn hoá, giáo dục của xã Tân Hợp được nâng lên đáng kể. Ảnh: Công Điền.

Lĩnh vực văn hoá, giáo dục của xã Tân Hợp được nâng lên đáng kể. Ảnh: Công Điền.

.Theo ông Nguyễn Thái Bình, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Hợp, dù là một xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục ở địa phương có bước chuyển biến đáng kể.

Để minh chứng, ông Bình đã dẫn ra một vài số liệu cụ thể như: 100% học sinh trong độ tuổi đến trường; xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và chuẩn phổ cập tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3; phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2015 - 2020...

Với mục tiêu được công nhận xã NTM kiểu mẫu, thời gian qua xã Tân Hợp đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn lực huy động là 28,8 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 3,5 tỷ đồng, xã đã đầu tư xây dựng 3,5 km đường giao thông liên thôn Quyết Tâm - Hòa Thành; xây dựng bồn hoa dọc tuyến đường trung tâm xã; xây dựng sân văn hóa trung tâm xã; hệ thống cấp nước đầu mối phục vụ tưới tiết kiệm cho vùng sản xuất cây chanh leo, ươm giống cây lâm nghiệp; xây dựng công trình Trường Tiểu học Tân Hợp, điểm trường trung tâm gồm 3 phòng học và sân bê tông.

Ngoài ra nhân dân các thôn Lương Lễ, Tân Xuyên, Quyết Tâm, Hòa Thành đã đóng góp 213 triệu đồng để làm cổng chào liên gia, 176 trụ điện chiếu sáng đường quê với chiều dài 4,6 km…

Thực hiện quy trình đề xuất công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, trong tháng 1/2021, kết quả thẩm định thực tế mức độ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020 cho thấy, xã Tân Hợp đạt 10/12 tiêu chí, trong đó 2 tiêu chí trường học và tiêu chí an ninh trật tự, hành chính công chưa đạt. 

"Xã Tân Hợp tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí và tập trung huy động các nguồn lực nhằm thực hiện đạt 2 tiêu chí nêu trên, phấn đấu năm 2021, xã Tân Hợp là xã miền núi đầu tiên của tỉnh Quảng Trị về đích NTM kiểu mẫu", ông Bình cho biết..

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.