| Hotline: 0983.970.780

Xâm chiếm đất rừng trái phép rồi vô tư chuyển nhượng lấy tiền bỏ túi

Thứ Sáu 08/07/2022 , 09:21 (GMT+7)

Bình Định Ngang nhiên xâm chiếm đất rừng để chuyển nhượng lấy tiền, 1 số hộ dân địa phương còn chặt cả cây rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ để trồng keo…

Rừng phòng hộ đầu nguồn bị xâm hại

Lần theo dòng dư luận, chúng tôi vào vai người đi mua đất rừng để tiếp cận hiện trường nhiều diện tích đất rừng và rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ trên núi Hòn Vung thuộc thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị xâm hại, chặt phá để lấn chiếm làm của riêng, sau đó vô tư chuyển nhượng để lấy tiền hoặc trồng keo.

Cây rừng to trên núi Hòn Vung thuộc thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị chặt hạ để xâm chiếm đất trồng keo, chuyển nhương trái phép. Ảnh: V.Đ.T.

Cây rừng to trên núi Hòn Vung thuộc thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị chặt hạ để xâm chiếm đất trồng keo, chuyển nhương trái phép. Ảnh: V.Đ.T.

Một người đàn ông tự nhận có đất rừng trên núi Hòn Vung hồ hởi dắt chúng tôi vào giới thiệu với khách vị trí đất rừng của ông. Để “khách hàng” quên đi vất vả khi phải lội bộ vượt con dốc dài lên núi Hòn Vung rồi vòng qua hồ chứa nước Trí Hòa, trên đường đi, người đàn ông kia không ngớt kể hết chuyện này đến chuyện khác. Trong câu chuyện của ông “chủ rừng bất hợp pháp”, chúng tôi được biết trước đây ông đã lấn chiếm đất rừng trên núi Hòn Vung với hàng chục ha, trong đó có 10 ha đã được trồng keo từ nhiều năm nay. 

Tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) có 11,51ha đất rừng bị xâm chiếm để trồng keo. Ảnh: V.Đ.T.

Tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) có 11,51ha đất rừng bị xâm chiếm để trồng keo. Ảnh: V.Đ.T.

Suốt chặng đường tiếp cận hiện trường, chúng tôi nhận thấy xung quanh hồ chứa nước Trí Hòa và khu vực núi Hòn Vung đã được trồng keo. Đáng quan ngại là khu vực đầu nguồn hồ Trí Hòa được quy hoạch rừng phòng hộ cũng bị xâm chiếm, phát luỗng để trồng keo. Bày ra trước mắt chúng tôi là những cây gỗ rừng có đường kính 10 - 20cm đã bị chặt hạ nằm ngổn ngang, bên cạnh đó là những cây keo non tơ đang phát triển.

Theo ông Lê Đức Sáu, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, sau khi nhận được thông tin vụ phá rừng tại núi Hòn Vung (xã Mỹ Hiệp), Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ cùng các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xác nhận có tình trạng lấn chiếm đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) để trồng cây lâm nghiệp trái phép.

Đất rừng xung quanh hồ chứa nước Trí Hòa đã bị xâm chiếm để trồng keo. Ảnh: V.Đ.T.

Đất rừng xung quanh hồ chứa nước Trí Hòa đã bị xâm chiếm để trồng keo. Ảnh: V.Đ.T.

“Ngoài hơn 9,5ha đất lâm nghiệp có chức năng sản xuất do UBND xã Mỹ Hiệp quản lý đã bị người dân lấn chiếm trồng keo từ năm 2005 đến nay chưa được chính quyền địa phương cấp sổ, người dân còn phát luỗng trong diện tích 1,59ha rừng tự nhiên để trồng keo. Tổng cộng có 11,51ha rừng keo đã trồng trên đất quy hoạch phát triển rừng và trồng xen trong rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ. Hiện Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp-nông thôn Bình Định đang giám định thiệt hại, nếu có dấu hiệu hình sự, vụ việc sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để cùng với ngành kiểm lâm củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án”, ông Lê Đức Sáu cho hay.

Lộ diện những đối tượng xâm hại rừng

Qua điều tra, xác minh, ngành chức năng Bình Định đã phát hiện những đối tượng xâm chiếm, sang nhượng trái phép đất rừng tại tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Cây rừng trong 1,59ha rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ bị chặt hạ. Ảnh: V.Đ.T.

Cây rừng trong 1,59ha rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ bị chặt hạ. Ảnh: V.Đ.T.

Đó là ông Hà Văn Thanh (SN 1970) ở thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ). Năm 2005, ông Nguyễn Ngọc Minh (SN 1957) và em ruột là ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1971) cùng thường trú tại thôn Bình Long (xã Mỹ Hiệp) đã xâm chiếm 1 lô đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 và chuyển nhượng lô đất này cho ông Hà Văn Thanh. Năm 2014, ông Thanh tiếp tục nhận chuyển nhượng đất của ông Nguyễn Văn Lành (hiện ông Lành đã chết) tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, sau đó ông Thanh trồng cây keo trên diện tích đất được chuyển nhượng nêu trên. Đến năm 2021, ông Thanh khai thác cây keo và trồng lại rừng bằng cây bạch đàn. Đến nay, diện tích này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 7,46ha.

Cây rừng trong khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị chặt ngã ngổn ngang. Ảnh: V.Đ.T.

Cây rừng trong khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị chặt ngã ngổn ngang. Ảnh: V.Đ.T.

Còn ông Châu Thanh Vương (SN 1989), ở thôn Vạn Thiện (xã Mỹ Hiệp) có 3,44ha rừng trồng cây keo tại khoảnh 2a, tiểu khu 208. Diện tích đất rừng này do ông Vương chiếm 1,85ha trong diện tích đất quy hoạch phát triển rừng; trong đó có 0,5 ha nằm trong đất quy hoạch chức năng phòng hộ và 1,35ha đất quy hoạch chức năng sản xuất, để trồng keo, đồng thời ông Vương còn trồng xen cây keo vào 1,59 ha rừng tự nhiên quy hoạch chức năng phòng hộ. Trong 1,59ha rừng tự nhiên quy hoạch có chức năng phòng hộ, ông Vương khai nhận với cơ quan chức năng là có chặt cây gỗ rừng tự nhiên, đường kính gốc (sát mặt đất) từ 8 - 20cm để trồng cây keo lai.

Đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị xâm chiếm, chuyển nhượng trái phép. Ảnh: V.Đ.T.

Đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị xâm chiếm, chuyển nhượng trái phép. Ảnh: V.Đ.T.

“UBND huyện Phù Mỹ đã tổ chức cuộc họp xử lý vụ việc lấn chiếm đất rừng tại khoảnh 2a, tiểu khu 208 thuộc xã Mỹ Hiệp để trồng cây lâm nghiệp trái phép. UBND huyện giao cho UBND xã Mỹ Hiệp thuê đơn vị có chức năng xác định diện tích rừng tự nhiên đã bị phá tại khoảnh 2a, tiểu khu 208, tiếp tục điều tra, xác minh, tham mưu cấp thẩm quyền xử lý đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo kết quả xử lý cho Chủ tịch UBND huyện trước ngày 10/7/2022. Nếu có cán bộ lãnh đạo xã vi phạm chúng tôi cũng xử lý nghiêm minh”, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, nói kiên quyết.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.