| Hotline: 0983.970.780

Xanh lại những cánh rừng ngập mặn

Thứ Tư 07/12/2022 , 15:57 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Từ năm 2006 đến nay, số lượng cây ngập mặn được trồng xung quanh các hồ nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại và đầm Đề Gi lên đến 1.000ha với 1,5 triệu cây.

Xã hội hóa trồng rừng ngập mặn

Nhằm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã triển khai nhiều chương trình hướng tới việc trồng mới, đa dạng hóa cây rừng ngập mặn.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, từ năm 2006 đến nay, số lượng cây ngập mặn được trồng xung quanh các hồ nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại và đầm Đề Gi lên đến 1.000ha với 1,5 triệu cây. Cây ngập mặn đã góp phần tạo cảnh quan môi trường ao nuôi, hạn chế xói lở bờ ao, cải thiện chất lượng nước, đồng thời hạn chế dịch bệnh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xanh ngát những cánh rừng ngập mặn ở Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Xanh ngát những cánh rừng ngập mặn ở Bình Định. Ảnh: V.Đ.T.

Riêng năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai trồng 2.100 cây đước tại khu vực Cồn Trạng, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) thuộc Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại. Để phục vụ cho công tác trồng rừng ngập mặn, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai ươm thử nghiệm 6.000 cây giống mắm biển thuộc Chương trình phát triển giống cây trồng năm 2022. Đến nay, cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống ước đạt 75%.

Bình Định gần như xã hội hóa trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Cuối tháng 5/2022 vừa qua, lực lượng đoàn viên thanh niên của Đoàn Thanh niên Sở NN-PTNT Bình Định đã tập trung về Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại để trồng 500 cây bần chua lấy từ Vườn ươm giống cây ngập mặn thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định. Số cây bần chua này được trồng phân tán trên các khoảng trống ở những bãi bồi, bờ bao khu vực đầm. Cùng với trồng rừng, các đoàn viên thanh niên còn đi kiểm đếm các cây giống ngập mặn, chăm sóc những cây con.

Người dân Bình Định hồ hởi tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân Bình Định hồ hởi tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, việc bảo vệ rừng ngập mặn phải dựa vào cộng đồng cư dân ở khu vực ven rừng. Khi người dân thấu hiểu vai trò của rừng ngập mặn thì họ mới hăng hái tham gia bảo vệ, tái tạo rừng, được như vậy công tác bảo vệ rừng mới bền vững.

“Để người dân ở ven rừng ngập mặn hiểu được điều này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình vừa kết hợp bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế cho người dân. Từ những mô hình đó, người dân bắt đầu hiểu, tin tưởng và chung tay với ngành chức năng trong việc bảo vệ rừng ngập mặn”, ông Nhựt chia sẻ.

Gắn trồng, bảo vệ rừng với sinh kế người dân

Năm 2022, gia đình ông Lê Kim Đông ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) đấu thầu 14.000m2 mặt nước bao gồm cây ngập mặn để nuôi trồng thủy sản. Nhờ được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, ông Đông nuôi xen tôm, cua, cá dưới tán rừng; làm bờ bao trồng thêm cây ngập mặn ở khu vực đất trống, bãi bồi.

“Nhờ được hướng dẫn đầy đủ về kỹ thuật chăm sóc, nuôi tổng hợp tôm, cua, cá dưới tán rừng ngập mặn, người dân ở đây hiểu thêm về tầm quan trọng của rừng ngập mặn. Nuôi tổng hợp thủy sản dưới tán rừng chi phí đầu vào thấp, ít rủi ro dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao hơn so với các mô hình khác. Vừa nuôi thủy sản vừa bảo vệ rừng ngập mặn đã góp phần khôi phục hệ sinh thái. Khi rừng phát triển thì tôm cá tự nhiên cũng sinh sôi nẩy nở ngày càng nhiều”, ông Đông cho hay.

Chăm sóc rừng ngập mặn để tôm cá sinh sôi. Ảnh: V.Đ.T.

Chăm sóc rừng ngập mặn để tôm cá sinh sôi. Ảnh: V.Đ.T.

Theo chân ông Trần Hữu Khánh ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) về khu vực rừng ngập mặn Cồn Chim nằm trên địa bàn xã Phước Thuận, chúng tôi ghi nhận những cánh rừng bần, đước nơi đây xanh tốt, vững chãi trước sóng nước, thủy triều của đầm Thị Nại.

Theo ông Khánh, cách đây trên 10 năm, ông cùng một số hộ dân thôn Diêm Vân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định giao khoán bảo vệ 7ha rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Chim với mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha/năm. Thời gian trồng và chăm sóc thực hiện trong 5 năm đầu; sau 5 năm chuyển sang giai đoạn bảo vệ. Diện tích rừng ngập mặn này do chính ông và nhiều người dân trong xã nhận trồng. Đến nay, rừng phát triển tốt, góp phần chắn sóng, chắn gió, giữ gìn được các bờ thửa, đất đai trong khu vực dân cư.

“Rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Chim chủ yếu trồng các loại cây bần, đước. Khi mới trồng, các loại cây rất khó sống, chúng tôi phải chăm sóc, bảo vệ để cây phát triển bám rễ vào đất. Khi cây sinh trưởng đến 4 - 5 năm tuổi thì bị người dân lén chặt để làm củi, chúng tôi phải có mặt thường xuyên tại khu vực Cồn Chim để ngăn chặn hành vi xâm hại rừng”, ông Khánh chia sẻ.

Lực lượng thanh niên tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng thanh niên tham gia trồng rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, đến nay, trên địa bàn tỉnh này có 88,11ha rừng ngập mặn trồng tập trung tại các bãi triều, bờ bao khu vực đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, trong đó có 53ha rừng đã lên xanh, đây là những diện tích rừng được trồng và bảo vệ trong giai đoạn 2010 - 2020 và 35,41ha mới trồng trong thời gian gần đây.

“Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN-PTNT Bình Định giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trồng mới thêm 10ha rừng ngập mặn ở các khu vực còn trống, các bờ bao; phối hợp với các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương có rừng ngập mặn triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản tổng hợp kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn”, ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.