| Hotline: 0983.970.780

Xanh mãi rừng Thần Sa - Phượng Hoàng

Thứ Sáu 24/12/2021 , 23:37 (GMT+7)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có hệ động thực vật đặc trưng, tiêu biểu và duy nhất còn lại của khu vực Đông Bắc bộ Việt Nam.

Hiệu quả khoán bảo vệ

Tháng 6 năm 2020, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - Phòng hộ tỉnh Thái Nguyên được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng và Ban Quản lý Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Hồ Núi Cốc.

Nhờ bảo vệ tốt, nhiều cây gỗ quý cổ thụ luôn sừng sững trong rừng Thần Sa - Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên). Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhờ bảo vệ tốt, nhiều cây gỗ quý cổ thụ luôn sừng sững trong rừng Thần Sa - Phượng Hoàng (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên). Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có diện tích gần 20 nghìn ha rừng đặc dụng, trải rộng trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai. Nơi đây có hệ sinh thái tự nhiên với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sinh sống xen kẹt và bao quanh rừng là hàng chục nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật hạn chế, cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào rừng.

Từ cơ chế bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số cũng như nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng tận gốc và có sự tham gia của người dân, năm 2020, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ 14.297 ha rừng đặc dụng cho 49 cộng đồng dân cư và 50 hộ gia đình trên địa bàn 07 xã và 01 thị trấn, với 957 ha rừng phòng hộ cho 02 cộng đồng và 106 hộ gia đình. Tổng kinh phí hỗ trợ hàng năm trên 6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng - Phòng hộ tỉnh Thái Nguyên cho biết, khoán rừng đem lại nguồn lợi rất lớn, vừa tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân, vừa gắn trách nhiệm của bà con với bảo vệ rừng.

Nhiều nơi, người dân sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ giao khoán bảo vệ rừng để xây dựng các công trình hạ tầng như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, mua sắm trang thiết bị, đường điện chiếu sáng… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng.

Từ khi triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, đã đánh dấu sự chuyển biến trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng.

Giữ rừng từ lõi

Rừng Thần Sa - Phượng Hoàng giáp ranh với nhiều địa phương như Chợ Mới, Na Rì (Bắc Kạn), Bắc Sơn (Lạng Sơn). Bao bọc các khu rừng là hệ thống giao thông ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa nhưng cũng thuận lợi cho kẻ gian hoạt động.

Việc kiểm tra rừng giao khoán bảo vệ được thực hiện thường xuyên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Việc kiểm tra rừng giao khoán bảo vệ được thực hiện thường xuyên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Anh Hà Mậu Hiệp, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng số 1 (Ban Quản lý Rừng đặc dụng - Phòng hộ tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Tuần rừng trong khu vực Rừng đặc dụng Thần Sa gặp muôn vàn khó khăn bởi nơi đây có địa hình núi đá, độ dốc cao, nhiều thung sâu, khe hẹp, lại dễ đụng phải rắn, rết… Cùng với việc ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng.

Những ngày đầu tiếp quản, một diện tích rộng hàng chục ngàn ha, dù địa hình phức tạp nhưng với sức nóng yêu cầu phải khẩn trương "giải cứu rừng" đầu nguồn nên đơn vị liên tục tổ chức các cuộc hành quân vào vùng lõi rừng đặc dụng, qua các hang Rắn, hang Gió, hang Hút và các lũng Mông Xay, Tu Lườn, bãi Miếu để truy đuổi hàng trăm người cư trú trái phép ra khỏi rừng.

"Khi tiếng mìn phá đá khai thác vàng trái phép, tiếng cưa lốc đốn cây, tiếng súng săn trên rừng đã vắng, nhiệm vụ của chúng tôi vẫn chưa thể dừng lại", anh Hiệp nói. Hiện tại, Trạm Bảo vệ rừng số 1 đang duy trì 3 chốt bảo vệ trong lõi rừng già là Lân Xá, Lân Nghiền và Cao Biền. Đó là những lán nhỏ để anh em thay phiên trực rừng. Chốt Lân Xá nằm sâu 10 km trong rừng, có 3 anh em thay phiên trực 24/24h giữa rừng.

Chốt Lân Nghiền chỉ có vỏn vẹn 2 cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ hơn 600 ha rừng đặc dụng. Hằng ngày, anh em phối hợp cùng 6 hộ dân trong tổ quản lý, bảo vệ rừng đi tuần tra từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Anh em phải vượt cả chục km đường rừng, vai vác theo tư trang và lương thực để sống trong rừng vài ngày phòng trường hợp có mưa rừng, lũ quét xảy ra không thể về chốt. 

Ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng - Phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đánh giá: Hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng đã giúp hệ sinh thái rừng tại Khu Bảo tồn đang được phục hồi. Nhiều loài động, thực vật tưởng đã biến mất nay đã xuất hiện trở lại.

Mặc dù đã giao khoán cho nhân dân cùng chăm sóc, bảo vệ, nhưng công tác tuần tra rừng vẫn được diễn ra thường xuyên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Mặc dù đã giao khoán cho nhân dân cùng chăm sóc, bảo vệ, nhưng công tác tuần tra rừng vẫn được diễn ra thường xuyên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Anh em đi tuần tra thường xuyên gặp khỉ mặt đỏ (còn gọi là khỉ đuôi cộc), là loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và danh sách các loài cần được bảo vệ. Thời gian qua, Ban Quản lý Rừng đặc dụng - Phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế khảo sát điều tra về các loài linh trưởng như voọc đen má trắng, voọc mũi hếch, vượn... để có giải pháp bảo tồn hữu hiệu.

Những lần lặn lội sâu vào lõi rừng để điều tra, theo dõi, đánh giá hệ động thực vật của Khu Bảo tồn, cán bộ của Ban Quản lý Rừng đặc dụng - Phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã được tiếp cận với những khu rừng thông tre, kim giao, thanh hương, gù hương...; những vạt rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ lớn như đinh, nghiến, sến, táu... Chuyên gia của Tổ chức Khảo sát - Theo dõi sinh vật rừng Quốc tế đã khẳng định Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có hệ động thực vật đặc trưng, tiêu biểu và duy nhất còn lại của khu vực Đông Bắc bộ Việt Nam.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.