Chương trình “Xây dựng chuỗi giá trị rau bền vững cùng nông hộ nhỏ tại Việt Nam” giai đoạn 2017-2021 được các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nam phối hợp với tổ chức Rikolto triển khai thực hiện.
Diện tích áp dụng mô hình PGS tăng gấp 3 lần
Sau 5 năm triển khai chương trình, diện tích áp dụng mô hình PGS (hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ) đã vượt ngoài mong đợi, tăng gấp 3 lần (228ha) so với dự kiến ban đầu (70ha). Số nông dân hưởng lợi trực tiếp từ chương trình là 1,258 người.
Khối lượng rau an toàn sản xuất ra đạt 14.000 tấn, tăng hơn 50%% so với dự kiến (8.500 tấn). Khối lượng rau tiêu thụ tập thể đạt 6.000 tấn, lớn hơn 3/2 lần so với dự kiến (4.000 tấn).
Kết quả các mẫu rau quả của các HTX tham gia kiểm định từ năm 2017 đến nay cho thấy 100% HTX đều đạt chỉ tiêu chất lượng về an toàn thực phẩm. Nhờ đó, ước tính 200.000 người tiêu dùng đã được hưởng lợi từ chương trình.
4 tỉnh thành đã ban hành hướng dẫn thực hiện PGS đối với rau an toàn tại địa phương, bao gồm Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội và Đà Nẵng. Đây là bằng chứng cho thấy sự công nhận và áp dụng PGS như một công cụ đảm bảo chất lượng hiệu quả và đáng tin cậy của các địa phương, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan quản lý, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng PGS vào sản xuất.
Việc áp dụng PGS tại các vùng sản xuất đã giúp tăng cường kiểm soát chất lượng rau an toàn, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của nông dân trong việc sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đặc biệt là hình thành mối liên kết nhóm giữa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ để tăng khả năng cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm.
Một vài nhóm nông dân đã tách ra hình thành HTX hoặc tự tìm được cho mình một kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, đem lại lợi ích như các nhóm nông dân ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm; xã Tiền Lệ, huyện Hoài Đức.
Nhân rộng mô hình thành công
Thành công điển hình trong việc phát triển và mở rộng mô hình phải kể đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kinh doanh hàng hóa nông sản An Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một trong ba HTX đầu tiên được Rikolto hỗ trợ tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Từ sản lượng trung bình 4-5 tấn/ ngày năm 2018, đến nay HTX đã tăng lên 10-20 tấn/ ngày. Các thành viên Ban Quản lý của HTX được trang bị kiến thức tổ chức sản xuất, tìm kiếm thị trường, đã quản lý tốt hơn các hoạt động của HTX, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia, phát triển đa dạng sản phẩm và phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng như các bếp ăn tập thể, công ty chế biến, siêu thị…
Do lượng khách hàng tăng, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu sang các vùng lân cận và tỉnh Tuyên Quang với gần 300 hộ tham gia, đạt diện tích khoảng 100ha/ năm, tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Dương, Na Hang, Yên Sơn và Chiêm Hóa…
Đây là những nơi tập trung người dân tộc thiểu số, từ đó HTX đã giúp người dân nâng cao thu nhập và phát triển sinh kế bền vững, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và tạo chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ.
Tuy nhiên, chương trình vẫn còn gặp một số bất cập như năng lực của một số HTX còn hạn chế, dẫn đến việc triển khai áp dụng PGS ở một số nơi chưa đồng bộ, khả năng kết nối thị trường của các HTX còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi chưa gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị bền vững, và chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của giới trẻ.
Bà Hoàng My Lan - Giám đốc Vùng tổ chức Rikolto, cho biết: Trong 5 năm qua, chúng tôi tập trung vào việc kết nối giữa người sản xuất, thúc đẩy sản xuất rau và các sản phẩm an toàn để kết nối với thị trường.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng thành phố thực phẩm thông minh, trong đó sẽ hướng tới không chỉ nhóm người sản xuất mà cả nhóm người tiêu dùng tại trường học, các chợ truyền thống. Và chúng tôi rất mong muốn phối hợp với các hợp tác xã kinh doanh hoặc doanh nghiệp là những đầu tàu để liên kết, kết nối chuỗi bao trùm với ngành sản xuất để có tác động sâu rộng hơn’, bà Lan nói.
Ngoài ra Rikolto cũng sẽ đẩy mạnh làm việc với các bên đa phương để cùng nhau đưa ra giải pháp đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên về sản xuất, chế biến cũng như quản lý về mặt nhà nước để đảm bảo người dân sản xuất an toàn, đảm bảo bền vững và có giá cả phải chăng. Từ đó, tất cả người tiêu dùng đều tiếp cận được với những sản phẩm này.