Tại hội nghị sơ kết 3 năm (2021 - 2023) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Quảng Nam cho biết, 3 năm qua, tổng nguồn vốn tỉnh huy động thực hiện chương trình NTM hơn 12.450 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước các cấp hơn 4.370 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 7.150 tỷ đồng; vốn huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã hơn 78 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp quy ra giá trị xấp xỉ 852 tỷ đồng.
Với những nguồn lực đáng kể này, đến nay, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của 1 xã trên toàn tỉnh là 16,42 tiêu chí, tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022. Quảng Nam đã có 123/193 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 63,73%). Phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ có 130 xã đạt chuẩn (chiếm 67,3%). Ngoài ra, cả tỉnh đã có 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Đại Hiệp (Đại Lộc). Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ có thêm ít nhất 5 xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã NTM nâng cao lên 20 xã và có thêm 1 xã NTM kiểu mẫu…
Xác định, xây dựng NTM không chỉ là xây dựng cơ sở hạ tầng, mà còn góp phần giúp bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Các địa phương đã phát triển các sản phẩm đặc trưng, trở thành thương hiệu OCOP, giá trị sản phẩm nhờ vậy được nâng lên, gia tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
“Trong giai đoạn tiếp theo, trước mắt là đến năm 2025, Quảng Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 154/193 xã đạt chuẩn NTM, 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 8 - 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao là Phú Ninh và Duy Xuyên”, ông Tấn thông tin.
Để đạt được mục tiêu này không phải là điều đơn giản bởi các xã nằm trong diện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2024 - 2025 hầu hết là xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của nhóm xã này chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 40%. Do đó, với mức thu nhập cho các xã đạt chuẩn là 48 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 13% thì bình quân, mỗi năm mức thu nhập phải tăng khoảng 9 triệu đồng/người và tỷ lệ hộ nghèo giảm 13,5% là 1 bài toán khó.
Ông Ngô Tấn cho rằng, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam chủ yếu dồn lực vào thực hiện mục tiêu ở 2 năm 2024 - 2025 với tổng vốn xây dựng hơn 1.330 tỷ đồng nên khối lượng công trình, dự án, phần việc cần phải làm tương đối lớn. Nếu không có kế hoạch cụ thể, chi tiết thì sẽ không giải ngân hết nguồn lực được giao, nhất là nguồn kinh phí sự nghiệp rất khó thực hiện.
Từ thực tế này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các cấp, ngành cần có quyết tâm cao hơn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân. Cùng với đó, các ngành, địa phương cần xây dựng bài bản lộ trình và đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phong trào xây dựng NTM phát triển rộng khắp, đi vào chiều sâu.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu toàn tỉnh tập trung rà soát, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Song song với đó là chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để gia tăng tính hiệu quả.
“Các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM từ xã khu vực III xuống khu vực I sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội. Trong khi đó điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều chỉ tiêu nâng cao, không phù hợp với điều kiện của tỉnh, nguồn vốn chưa đảm bảo.... Vậy nên, việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn NTM gặp nhiều khó khăn”, Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn nói.