| Hotline: 0983.970.780

Phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Sáu 15/12/2023 , 11:23 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Sự đồng tình, ủng hộ của người dân là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Vào cuối tháng 12 này, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) sẽ tổ chức lễ đón nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Ảnh: L.K.

Vào cuối tháng 12 này, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) sẽ tổ chức lễ đón nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Ảnh: L.K.

Năm 2015, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau gần 8 năm, đến tháng 10 vừa qua, xã này cũng nằm trong danh sách 4 xã đầu tiên được UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là kết quả đáng tự hào của chính quyền và người dân Bình Dương khi luôn là 1 trong những “lá cờ đầu” trong phong trào xây dựng NTM ở tỉnh này.

Nhìn lại chặng đường phát triển, có thể thấy rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã Bình Dương đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, địa phương xác định, xây dựng NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc nên ngay sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2015, chính quyền địa phương đã ngay lập tức bắt tay vào xây dựng kế hoạch tiến đến xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, tỉnh Quảng Ngãi cũng như huyện Bình Sơn tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã khác nên phải đến giai đoạn 2021-2022, Bình Dương mới bắt đầu tập trung thực hiện.

Diện mạo nông thôn Bình Dương khởi sắc sau từ Chương trình xây dựng NTM. Ảnh: L.K.

Diện mạo nông thôn Bình Dương khởi sắc sau từ Chương trình xây dựng NTM. Ảnh: L.K.

Các tiêu chí để đạt chuẩn NTM nâng cao cao hơn rất nhiều và cần nguồn lực lớn đã gây ra không ít khó khăn cho địa phương. Tuy nhiên, xã Bình Dương lại có được sự đồng thuận cao của người dân. Nhiều hộ gia đình tình nguyện hiến đất, góp sức, góp công cùng chính quyền địa phương để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

“Tính từ năm 2015 đến nay, nguồn lực bà con đóng góp để xây dựng NTM nâng cao lên đến hơn 3 tỷ đồng. Ngoài ra, những người con làm ăn xa quê cũng thường xuyên hỗ trợ kinh phí giúp xã phát triển kinh tế xã hội. Trung bình mỗi năm, những cá nhân, hội đoàn thể người địa phương khắp mọi miền hỗ trợ từ 500 – 600 triệu đồng để giúp các hộ khó khăn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. Điều này không những có giá trị về vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn”, ông Vũ chia sẻ.

Với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao đã mang lại cho Bình Dương một diện mạo mới. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, kinh tế - xã hội của địa phương ngày một phát triển. Thành quả từ xây dựng NTM nâng cao của xã Bình Dương đã trực tiếp mang lại nhưng lợi ích to lớn cho người dân.

Cây ớt là loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở xã Bình Dương. Ảnh: L.K.

Cây ớt là loại cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở xã Bình Dương. Ảnh: L.K.

Xác định phát triển kinh tế là yếu tố cốt lõi trong xây dựng xã NTM nâng cao, các nguồn vốn phân bổ được xã Bình Dương sử dụng, hỗ trợ đúng mục đích. Nhờ đó, đã hình thành được các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó nổi bật là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và trồng ớt.

Đây là những cây, con được địa phương định hướng là chủ lực để chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho bà con giúp nâng cao thu nhập. Mỗi năm, các mô hình này đều mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng, nhiều hộ gia đình vươn lên khá giả. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 1,99%, thu nhập bình quân đạt 56,2 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, trong quá trình xây dựng NTM cũng như NTM nâng cao thì mỗi xã đều có những đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm mà địa phương rút ra để đạt được kết quả tốt thì mấu chốt chính là sự đoàn kết của chính quyền địa phương với người dân. Cần phải có định hướng những việc cần làm sát thực, mang lại lợi ích cho người dân thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao.

“Bên cạnh đó, cần phải hoạch định, bám sát theo các tiêu chí NTM nâng cao. Những tiêu chí nào còn vướng, khó khăn thì Ban quản lý tham mưu cho Ban chỉ đạo để có kế hoạch xử lý kịp thời. Chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho từng thành viên, hội đoàn thể thực hiện báo cáo hàng tuần, hàng tháng. Việc gì chưa làm được sẽ tập trung giải quyết”, ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, năm 2024, xã Bình Dương sẽ đăng ký xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Dự tính kinh phí để thực hiện khoảng 10 tỷ đồng nhằm tập trung mở rộng, sữa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông cũng như xây dựng khu xử lý nước thải. Do đó, xã này cũng đang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Bình Sơn quan tâm hỗ trợ nguồn lực để thực hiện.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.