Môi trường cộng sinh đặc biệt
Các vùng cửa sông, bãi nước lợ ven biển Hải Phòng là một trong số ít địa phương có cách canh tác lúa cộng sinh trên bãi ruộng thu hoạch rươi. Nhiều năm trước đây, những khu vực này đầy lau sậy, sú vẹt… người dân nuôi trồng thủy sản nhưng không hiệu quả và dần bỏ hoang.
Giống lúa được mua từ Nghệ An và một số địa phương khác, có khả năng thích hợp với môi trường nước lợ, sinh trưởng tốt |
Từ khi biết giá trị của rươi, người dân bắt đầu cải tạo đất đai, be đắp bờ để tạo môi trường cho rươi sinh trưởng và tiện cho khai thác. Rươi được người địa phương xem là “rồng đất”, là “lộc trời”, loài sinh vật này chỉ sống những nơi đất và nước thật sự sạch. Ở Việt Nam cũng rất ít nơi có loài sinh vật này sinh sống do vậy giá cả rất cao.
Theo người dân nuôi rươi tại Kiến Thụy, Hải Phòng, ngoài giá trị kinh tế ra, Rươi còn có vai trò to lớn trong cải thiện các chất mùn bã hữu cơ và xác động vật chết trong chu trình chuyển hóa vật chất của hệ sinh thái vùng triều, xử lý các chất thải hữu cơ, tạo độ màu mỡ, tơi xốp và làm sạch các vùng đất ngập mặn.
Ông Lương Văn Ken, người dân nuôi rươi kết hợp lúa tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy bộc bạch: “Trước đây chúng tôi chỉ quan tâm đến con rươi vì nó cho giá trị kinh tế cao, ngoài ra để giảm tác dụng của ánh nắng mặt trời đến loài Rươi, người nông dân thường trồng lúa trên ruộng Rươi. Nhưng do lúa không được bón phân, phun thuốc nên ít ai để ý đến thu hoạch”.
Sản lượng lúa trên ruộng rươi chỉ cho năng suất bằng ½ so với các loại lúa khác nhưng cho giá cao gấp 20 lần |
Từ thực tế này, Dự án “Phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị mô hình nông nghiệp sinh thái lúa – rươi” đã ra đời và được triển khai thực hiện thi điểm với sản phẩm “Gạo Ruộng rươi” để tận dụng thế mạnh này.
Chị Nguyễn Thị Hà – Chủ nhiệm HTX Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, cho hay: Chúng tôi sản xuất sản phẩm gạo ruộng rươi từ năm 2017, thóc được sản xuất vào vụ Xuân và vụ Mùa hàng năm theo công thức luân canh (Lúa xuân - đất nghỉ - thu rươi; Đất nghỉ - lúa Mùa - thu rươi).
Do đặc thù loài rươi nên lúa trên ruộng Rươi hoàn toàn không phân bón hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật. Điều kiện sinh trưởng hoàn toàn là hợp chất hữu cơ tự nhiên. Giống lúa chọn lọc khoẻ tự nhiên. Do vậy rất được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, sản lượng rươi cũng tăng lên từ khi người dân quan tâm đến canh tác lúa, nếu trước đây sản lượng rươi chỉ đạt khoảng 3kg/1sào thì khi trồng lúa kết hợp có năm lên đến 7kg/1 sào.
Cùng một lúc thu cả 2 loại đặc sản
Hiện tại, Hải Phòng có diện tích đất ngoài đê thích hợp với sản xuất lúa – rươi khoảng 2.000 ha tập trung chủ yếu tại 4 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy. Trong đó xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) là một trong những xã có diện tích sản xuất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản tự nhiên lớn nhất với diện tích 110 ha/năm.
Khi Dự án “Phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị mô hình nông nghiệp sinh thái lúa – rươi” triển khai, những người “tiên phong” đã gặp không ít khó khăn thậm chí còn phải cam kết với người dân nếu rươi có vấn đề thì phải đền bù. Đến nay đã nhận được sự ủng hộ của người dân, từ diện tích ít ỏi ban đầu là 10 ha, diện tích sản xuất lúa trên ruộng rươi đã hơn 100ha, sản phẩm Gạo ruộng rươi” đã dần trở thành một phần trong quy trình nuôi rươi.
“Năng suất lúa trồng trên ruộng rươi đạt khoảng 2,7 tấn/ha, chỉ bằng 1/3 ruộng canh tác thông thường nhưng bù lại thu nhập từ rươi gấp 20 lần thu nhập từ lúa. Trung bình 1ha ruộng rươi- lúa thu được 300-500kg rươi. Hàng năm, 9 thành viên HTX đều có thu nhập từ lúa không dưới 300 triệu, còn rươi khoảng trên dưới 600 triệu nữa…. nói chung các bác ấy là tỷ phú cả” – chị Hà nhấn mạnh.
Rươi năm nay được mùa, người dân hứa hẹn 1 năm thu được cả lúa lẫn rươi |
Gạo ruộng Rươi của HTX Thụy Hương đang được xem là 1 đặc sản của Hải Phòng, ngoài thế mạnh là gạo “sạch”, giá trị dinh dưỡng cao, còn rất tốt cho sức khỏe, nhất là những người ăn kiêng. Hiện tại, sản phẩm đã được đăng kí nhãn hiệu, tam mác và là sản phẩm OCOP, giá cả cao, ổn định. Thị trường, kênh tiêu thụ chủ yếu là trong nước như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh....
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết: “Thực tế, sản phẩm Gạo ruộng rươi đang được nhiều người yêu thích và mang lại kinh tế cao cho người dân. Việc xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.”