| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu yến sào [Bài 1]: Như 'công chúa ngủ trong rừng'

Thứ Năm 16/11/2023 , 09:49 (GMT+7)

Sau 20 năm, ngành nuôi chim yến tại TP. HCM vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường, bỏ qua nhiều cơ hội trên chính sân nhà.

Nghề nuôi chim yến lấy tổ tại TP. HCM đã trải qua 20 năm phát triển nhưng vẫn chưa có thương hiệu cho riêng mình. Ảnh: Lê Bình.

Nghề nuôi chim yến lấy tổ tại TP. HCM đã trải qua 20 năm phát triển nhưng vẫn chưa có thương hiệu cho riêng mình. Ảnh: Lê Bình.

Tiềm năng vàng để nuôi chim yến

Hiếm nơi nào có nhiều điều kiện phát triển ngành nuôi chim yến lấy tổ như TP. HCM.

Địa hình TP. HCM tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa và nhiệt độ ổn định trong năm, ít có bão và thiên tai nên đàn chim yến không chịu tác động. Hơn nữa, TP. HCM có thị trường tiêu thụ lớn tại chỗ, có thể ứng dụng nhiều cải tiến kỹ thuật trong nuôi yến...

So với nhiều địa phương trên cả nước, TP. HCM vẫn là nơi khởi nguồn việc nuôi chim yến và khai thác tổ yến từ khá sớm. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM, từ năm 2008, một số hộ dân và nhà đầu tư đã xây dựng 10 nhà nuôi yến thí điểm tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ.

Đến nay, số nhà yến trên địa bàn TP. HCM là 735 nhà, tập trung chủ yếu tại 17 quận, huyện. Trong đó, huyện Cần Giờ vẫn chiếm số lượng nuôi nhiều nhất với 545 nhà, tiếp đến là huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi… Sản lượng khai thác trung bình toàn TP. HCM năm 2023 ước đạt khoảng 14 tấn.

Tổ yến tại TP. HCM hầu hết được sơ chế và bán ra thị trường với dạng thô, chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: LB.

Tổ yến tại TP. HCM hầu hết được sơ chế và bán ra thị trường với dạng thô, chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: LB.

Huyện Cần Giờ được đánh giá như thiên đường nuôi chim yến, không chỉ của TP. HCM mà còn trong cả khu vực Đông Nam Á. Theo ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng Phòng kinh tế huyện Cần Giờ, huyện có nhiều lợi thế để ngành nuôi chim yến lấy tổ phát triển mà không nơi nào có được.

“Diện tích chủ yếu của Cần Giờ là rừng ngập mặn, côn trùng trên không nhiều nên là nguồn thức ăn dồi dào. Do không thuộc những vùng trồng trọt nên yến Cần Giờ cũng ít bị ảnh hưởng dư lượng thuốc trừ sâu khi săn mồi. Hơn nữa, huyện Cần Giờ không phát triển công nghiệp nên sản phẩm yến nơi đây cũng ít bị xâm nhập kim loại nặng… Đây là những điều kiện cần và đủ để ngành nuôi chim yến yên tâm phát triển và có lợi thế cạnh tranh thị trường”, ông Thiện chia sẻ.

Cần Giờ được ví như lá phổi xanh của toàn TP. HCM. Đây cũng là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, những năm gần đây, Cần Giờ được quan tâm tập trung từ Trung ương đến Thành ủy, UBND TP. HCM, các Sở ngành của thành phố.

“Cuối năm 2024, Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ sẽ được khởi công, là đường băng trên biển giúp Cần Giờ cất cảnh cả về kinh tế lẫn du lịch. Cầu Cần Giờ dự kiến được khởi công vào đầu năm 2025 với tổng số vốn gần 15.000 tỷ đồng nhằm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước”, ông Hồng thông tin.

Do đó, phát triển ngành nuôi chim yến tại TP. HCM là mở ra nhiều cơ hội không chỉ cho du lịch mà cho đa ngành, góp phần tăng giá trị đất đai, mô hình, thu hút nhiều lao động địa phương.

Yến sào TP. HCM vẫn còn ngủ quên

Lợi thế phát triển là vậy nhưng đáng tiếc, yến sào tại TP. HCM vẫn chưa có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

Ông Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhận định: “Yến Cần Giờ đi trước về sau. Bắt đầu nuôi yến từ năm 2004 nhưng sau gần 20 năm, yến Cần Giờ mới bàn đến chuyện xây dựng thương hiệu, thành lập hiệp hội và sản phẩm OCOP.

Hiện, 42 tỉnh thành trên cả nước đang có các vùng nuôi chim yến và hầu hết đã thành lập hiệp hội yến sào, xác định đây sẽ là sản phẩm chủ lực”.

Thực tế đáng buồn, con chim yến đang có sự dịch chuyển, không còn sống nhiều ở khu vực bờ biển nữa, trong đó có TP.HCM. Ảnh: LB.

Thực tế đáng buồn, con chim yến đang có sự dịch chuyển, không còn sống nhiều ở khu vực bờ biển nữa, trong đó có TP.HCM. Ảnh: LB.

Phần lớn nhà yến trên địa bàn TP. HCM xây dựng tự phát, không đăng kí với chính quyền địa phương. Các nhà yến không được cấp phép xây dựng hoặc được phép xây dựng nhà để ở nhưng cải tạo, cơi nới thành nhà nuôi yến. Một số nhà còn nằm đan xen trong khu vực dân cư.

"Qua khảo sát cho thấy, xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp là 10%, xây dựng trên đất phi nông nghiệp là 66% và xây dựng trên đất ở là 22%, xây dựng có giấy phép chiếm 69 số hộ được khảo sát", ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM chia sẻ.

Khi thành lập bản đồ chim yến, Hiệp hội Yến sào Việt Nam nhận thấy rằng đàn chim yến đang có sự dịch chuyển, không còn ở bờ biển Việt Nam nữa, thay vào đó là tập trung ở khu vực biên giới với Lào, Campuchia. Nguyên nhân là do lượng thức ăn đang sụt giảm. Điều này càng đè nặng và là dấu hỏi lớn cho nhưng hộ và doanh nghiệp nuôi chim yến tại TP. HCM.

Tổng đàn yến của cả nước đang có dấu hiệu sụt giảm từ 30 - 50%. Nguyên nhân là do các nhà yến tự phát đang “mọc lên” rất nhanh và nhiều. Do đó, TP. HCM nếu không kiểm soát được số lượng nhà yến tự phát thì khó khăn càng dễ nhân đôi.

“Thống kê của Hiệp hội, hiện nay trên toàn quốc có khoảng 30.000 nhà yến với tổng đàn hơn 1 triệu con yến. Như vậy, nếu chia đều ra thì mỗi nhà yến cũng chỉ có khoảng 200 - 300 con, chưa kể có những nhà yến nhỏ có có 30 - 50 con mà thôi. Trong khi đó, theo thống kê, tỉ lệ thất bại của việc nuôi yến sào là khoảng 80%”, ông Lê Thành Đại thông tin.

Tìm mua các sản phẩm yến của TP. HCM trên chính “sân nhà”, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam phải “đỏ mắt” nhưng cũng chỉ được một vài sản phẩm.

Hầu hết là các sản phẩm được bày bán tại siêu thị, hệ thống bán lẻ đều là thương hiệu yến đến từ các địa phương khác. Hay tại các hội nhóm mua bán tổ yến thô ở TP. HCM, những người bán cũng cho biết đây đều là yến từ Khánh Hòa, Kiên Giang, Ninh Thuận hay thậm chí là Tây Ninh, Long An…

'Đi trước về sau' nhưng TP. HCM vẫn cần phải sớm xây dựng thương hiệu nếu không muốn các sản phẩm yến tiếp tục 'thua trên sân nhà'. Ảnh: Lê Bình.

"Đi trước về sau" nhưng TP. HCM vẫn cần phải sớm xây dựng thương hiệu nếu không muốn các sản phẩm yến tiếp tục "thua trên sân nhà". Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM ví von ngành yến tại TP. HCM, nhất là ở huyện Cần Giờ như “nàng công chúa xinh đẹp ngủ trong rừng”. Trải qua nhiều năm phát triển, đã đến lúc cần phải đánh thức nàng công chúa này dậy.

“TP. HCM là thị trường lớn, mọi mặt hàng đều có mặt ở đây. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, rất khó tìm kiếm một sản phẩm đặc sản của địa phương để giới thiệu, làm quà tặng.

Chúng ta có sản phẩm yến Cần Giờ được đánh giá rất cao về dinh dưỡng, sản lượng cũng không phải thấp. Lãnh đạo UBND TP. HCM cũng rất quan tâm đến sản phẩm này.

Đã đến lúc chúng ta chung tay để phát triển nghề nuôi chim yến và thương hiệu yến TP. HCM”, ông Phương bày tỏ.

Xem thêm
Chó, mèo thả rông lông nhông khắp phố

BÌNH DƯƠNG Có rất nhiều người tại Bình Dương bị chó thả rông cắn phải đi tiêm phòng dại khiến người dân rất bức xúc vì nạn chó lông nhông khắp phố.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.