| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để xuất khẩu

Thứ Năm 12/05/2022 , 14:33 (GMT+7)

Bình Phước Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh (ATDB).

Chính vì thế, từ mấy năm nay, tỉnh Bình Phước không chỉ chú trọng công tác chăn nuôi an toàn mà còn triển khai một loạt giải pháp về việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển nhanh chóng theo hướng chăn nuôi heo, gà công nghiệp và sản xuất theo liên kết chuỗi, hướng tới chăn nuôi an toàn và hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư phát triển các cơ sở chăn nuôi hiện đại hướng tới xuất khẩu các sản phẩm thịt gà, thịt heo. Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,9 triệu con được chăn nuôi ở 349 trang trại, chiếm khoảng 92% tổng đàn heo cả tỉnh; tổng đàn gia cầm khoảng 9,5 triệu con.

Muốn đảm bảo ATDB cho đàn vật nuôi, cần có sự đầu tư bài bản. Ảnh: Minh Sáng.

Muốn đảm bảo ATDB cho đàn vật nuôi, cần có sự đầu tư bài bản. Ảnh: Minh Sáng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có 116 trại heo và 46 trại gia cầm được công nhận cơ sở ATDB động vật. Đã có 1 huyện được công nhận vùng ATDB và 5 huyện đã lập hồ sơ đề nghị Cục Thú y công nhận. Đồng thời, tại Bình Phước bước đầu hình thành 1 chuỗi sản xuất thịt heo an toàn để xuất khẩu của Công ty Japfa và đang hoàn thiện 1 chuỗi sản xuất thịt gà an toàn để xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bình Phước, trong những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển và tăng trưởng khá tốt. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 20% so với toàn ngành nông nghiệp. Hầu hết dự án đầu tư mới là chăn nuôi công nghiệp, công nghệ chuồng kín, hiện đại, có hệ thống làm mát, hệ thống cung cấp nước tự động, 40% sử dụng silo để chứa thức ăn và cho ăn tự động trong các trang trại. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 10 tập đoàn chăn nuôi lớn đã đầu tư như: CP, Japfa, Emivest, CJ, Hòa Phước, Thái Việt Swine Line, Tân Long, New Hope, Vietswan, Dabaco, Sunjin, Velmar… và hơn 260 doanh nghiệp, công ty xây hơn 400 trang trại cho các tập đoàn chăn nuôi thuê.

Chăn nuôi theo chuỗi đang được Bình Phước và các nhà đầu tư chú trọng phát triển, đã có các chuỗi sản phẩm gà đạt điều kiện xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nhà máy ấp trứng gia cầm, 2 nhà máy chế biến thức ăn gia súc và 1 nhà máy giết mổ và chế biến gia cầm; tỉnh đã và đang xây dựng chuỗi thịt gà an toàn dịch bệnh xuất khẩu quy mô 50 - 100 triệu con gà/năm. Các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi cũng đã bắt đầu hình thành và được quan tâm hơn. Sản xuất chăn nuôi đã tạo ra khối lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong tỉnh và khoảng 70% tiêu thụ ngoài tỉnh. Chăn nuôi phát triển, cơ sở hạ tầng đường, điện nông thôn được đầu tư mở rộng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống dân cư nông thôn đã góp phần tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trại heo Phát Lộc ở Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Minh Sáng.

Trại heo Phát Lộc ở Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Minh Sáng.

Trong Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng ATDB phục vụ xuất khẩu do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Phước tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh là ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường; đồng thời hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà quy mô lớn để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi lưu thông trên thị trường và đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Cũng tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản gửi các địa phương trên phạm vi cả nước để chỉ đạo tổ chức xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm ATDB. Đến nay, cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tại tỉnh, thành phố và cấp cơ sở được chứng nhận ATDB. Riêng các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam bộ đã xây dựng được 575 cơ sở chăn nuôi gia cầm và 567 cơ sở chăn nuôi heo ATDB còn hiệu lực với một hoặc nhiều bệnh trên gia súc. Các địa phương trong cả nước đã chủ động trong việc triển khai xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm ATDB. Nhưng để xây dựng thành công các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín vùng chăn nuôi ATDB phục vụ xuất khẩu thì vai trò của doanh nghiệp, người chăn nuôi là quan trọng nhất.

"Muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi thì phải từng bước tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Trong thời gian tới, các địa phương trong cả nước phải tập trung rà soát, chọn khu vực có tính khả thi để xây dựng và mở rộng chuỗi, vùng ATDB động vật, từng bước nhân rộng các vùng chăn nuôi ATDB để có sản phẩm tốt nhất phục vụ xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.