Là cửa sông hướng ra biển, người dân Xẻo Nhàu đang từng ngày làm giàu bằng kinh tế biển, gồm cả đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Độc đáo tên “xẻo”
Vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, nay gồm các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Trước đây, vùng đất này được rừng tràm U Minh bao phủ, hoang vu, xa xôi hẻo lánh, giao thông cách trở. Hễ nghe nói đến vùng đất này là nhiều người đã cảm thấy sợ, chứ nói chi đến việc mưu sinh, lập nghiệp. Chính vì vậy mà trong lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hà Phương (Em về miệt thứ) có những câu nghe buồn đứt ruột: “Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu, sương khuya ướt đẫm giàn bầu, em về miệt thứ bỏ sầu cho ai...”.
Đó là miệt thứ của mấy chục năm về trước. Còn bây giờ miệt thứ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, với thế mạnh là kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản ven bờ và du lịch sinh thái.
Theo những vị cao niên thì những cư dân đến khai khẩn vùng đất này đều chọn những con rạch từ sông Cái Lớn chạy dài ra mép biển để sinh sống. Mỗi con rạch được đặt tên theo số thứ tự từ nhỏ đến lớn, còn rạch nhỏ hơn gọi là xẻo: Xẻo Rô, Xẻo Dừa, Xẻo Vẹt, Xẻo Đôi, Xẻo Nhàu… Từ đó hình thành nên tên gọi miệt thứ (giống như miệt vườn).
Miệt thứ không có thứ Nhất, mà bắt đầu từ thứ Hai, kết thúc là Thứ Mười Một. Theo lý giải thì thứ Nhất chính là Xẻo Rô. Trước đây muốn đến miệt thứ thì phải đi qua phà Tắc Cậu - Xẻo Rô, còn hiện nay, khi tuyến đường hành lang ven biển phía Nam được xây dựng, với 2 cây cầu Cái Lớn, Cái Bé đã nối nhịp bờ vui.
Cửa biển Xẻo Nhàu hướng về biển Tây
Từ xẻo không chỉ được dùng để chỉ các con rạch, mà sau này còn trở thành tên địa danh. Tại xã Tân Thạnh có 8 ấp thì 6 ấp có tên là Xẻo gồm: Xẻo Nhàu A, Xẻo Nhàu B, Xẻo Lá A, Xẻo Lá B, Xẻo Ngát A, Xẻo Ngát B; 2 xã còn lại là Thạnh Thuận và Thạnh Tiên mới được thành lập sau này.
Dọc theo tuyến QL 61 đi xuyên qua vùng miệt thứ, có một “xẻo” mà không ít người đi ngang qua đều phải bụm miệng cười, đó là: Xẻo Bướm.
Làm giàu từ biển
Xẻo Rô - Tắc Cậu và Xẻo Nhàu được ngành nông nghiệp Kiên Giang quy hoạch, xây dựng thành cảng dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng nhu cầu hoạt động của các tàu đánh bắt trên vùng biển Tây. Trong đó, cảng Xẻo Rô - Tắc Cậu đã được Chính phủ phê duyệt trở thành trung tâm nghề cá lớn phục vụ phát triển kinh tế biển vùng Tây Nam bộ.
Còn cảng Xẻo Nhàu, mới đây cũng đã được ngành giao thông khởi công động thổ xây cầu vượt kênh xáng Xẻo Rô, kết nối hạ tầng đồng bộ từ đất liền ra tận cửa biển. Hiện nay, tuyến đường từ kênh xáng Xẻo Rô ra cảng đã được nhựa hóa khá hiện đại. Dọc trên tuyến đường những cây cầu bê tông kiên cố vượt qua các tuyến kênh Kiểm Lâm, kênh Chống Mỹ, đê Canh Nông, đê Quốc Phòng… đã được xây dựng xong, đưa vào khai thác.
Đóng trụ kéo điện lưới quốc gia từ cảng Xẻo Nhàu ra các xã đảo
Từ sáng tới chiều, khu vực cảng Xẻo Nhàu lúc nào cũng có ghe tàu tấp nập ra vào. Thấy tôi đứng trên cầu chụp hình cảnh ghe tàu ra vào cảng, anh Ba Ton (Nguyễn Văn Ton), một ngư dân đã gắn bó với vùng biển này mấy chục năm qua, vui vẻ mời xuống tàu chơi, làm vài ly rượu ngâm ong ruồi, ăn hải sản khô.
Theo anh Ba Ton, nghề đi biển ở đây hoạt động theo mùa. Mùa Đông (còn gọi là mùa chướng) từ khoảng tháng 9 đến tháng 4 năm sau thì hoạt động trên vùng biển Tây. Sau những ngày lênh đênh trên biển lại mang thành quả vào cảng Xẻo Nhàu cân cho bạn hàng, tiếp nhiên liệu để ra khơi. Khi đến mùa Nam, các tàu rủ nhau sang vùng biển Đông (thuộc tỉnh Bến Tre) khai thác.
“Tàu của tụi tui thuộc loại nhỏ, thường chỉ hoạt động 3 - 4 ngày trên biển là về đất liền. Hải sản khai thác chủ yếu là các mực, tôm, ốc các loại… Mỗi tháng trừ hết chi phí cũng còn 7 - 10 triệu đồng, đủ chi phí gia đình và nuôi hai đứa con ăn học. Hy vọng sau này tích lũy được nhiều vốn, đóng tàu lớn để vươn xa hơn, thu nhập khá hơn”, Ba Ton tâm sự.
Bữa tiệc rượu đơn sơ trên mui tàu mỗi lúc một đông vui hơn khi có thêm chú Ba Dũng (Nguyễn Văn Dũng), Tư Sang (Trần Thanh Sang), những ngư dân mới từ biển về sang góp vui. Mỗi người mang qua vài con mực khô, tôm tích khô… để làm mồi nhắm.
Biết tôi là nhà báo đi viết về nghề biển, chú Ba Dũng tự trải lòng: “Nghề biển cơ cực lắm, sóng to gió lớn luôn rình rập, ai không quen chỉ đi một lần là sợ luôn. Tuy nhiên, bù lại biển cũng cho mình nhiều lộc. Nhà cửa, ghe tàu của tụi tui cũng đều từ mấy chục năm bám biển mà ra. Tui chỉ mong ước được vươn xa, bám biển càng lâu càng tốt. Đi biển riết quen rồi, bây giờ lên bờ là cảm thấy chán lắm. Thiếu sóng gió, thiếu hơi mặn của biển là dại chân, dại tay, người như muốn đổ bệnh”.
Ngư dân Xẻo Nhàu chuẩn bị vươn khơi
Chị Phạm Thị Tuyết Mai, một bạn hàng chuyên cân cá tại cảng Xẻo Nhàu cũng góp vui: “Tui ở trên bờ, chỉ ra đây cân cá của mấy ông ngư dân mà riết cũng nghiền hơi biển. Ngày nào không ra đây vài lần là ăn cơm không ngon”.
Chị Mai quê ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, trước đây chỉ quen với công việc ruộng đồng. Một lần theo người quen ra cảng biển này chơi, thấy làm ăn được nên quyết định ở lại lập nghiệp luôn. Vậy mà thấm thoát đã gần 20 năm.
“Có khi nào chị nghĩ sẽ quay về quê làm ruộng không?”, tôi hỏi. Chị lắc đầu: “Bám vùng biển này cuộc sống vẫn tốt hơn nhiều so với làm ruộng. Tui chỉ mong sớm có cây cầu bắc qua kênh xáng Xẻo Rô để công việc làm ăn được thuận tiện hơn, đời sống ngư dân vùng này chắc chắc sẽ khá hơn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Trần Ly Kha cho biết, năm 2015 kinh tế của xã tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng đạt 17%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/năm, cao nhất nhì huyện. Thành quả đó phần lớn nhờ vào kinh tế biển mà có. Hiện toàn xã có 109 chiếc tàu hoạt động thường xuyên, với 2 tổ hợp tác đánh bắt xa bờ, thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, xã còn có lợi thế về nuôi trồng thủy sản ven bờ như: nuôi các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở khu vực bãi bồi, nuôi sò huyết, tôm sinh thái dưới tán rừng phòng hộ, nuôi tôm - lúa, xen canh cua biển… Đây đều là những mô hình cho thu nhập khá.
Biết tôi có ý định ra biển để trải nghiệm đời sống ngư dân, anh Ba Ton vui vẻ nổ máy cho tàu xuất bến. Xuyên qua cánh rừng phòng hộ, cửa biển Xẻo Nhàu mở ra mênh mông. Lô nhô trên mặt biển là nhà sàn của những người nuôi trồng thủy sản ven bờ, chủ yếu là nuôi sò huyết, sò lụa, sò lông. Xa xa tàu biển ngược xuôi. Những cây trụ kéo điện lưới quốc gia ra đảo cũng đang được hình thành. Tranh thủ lúc mặt trời chưa kịp xuống biển, tôi lấy máy ra bấm để ghi lại hình ảnh Xẻo Nhàu đang ngày đêm hướng mình về biển lớn.