Tín hiệu vui cho xoài Đồng Tháp
Tuần hàng Xoài Đồng Tháp diễn ra từ ngày 22/4 nằm trong hoạt động mở màn cho "Lễ hội xoài Đồng Tháp 2023" sẽ diễn ra từ 28/4 đến 1/5, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tại địa bàn để quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm xoài đến người tiêu dùng. Đây là dịp mở rộng thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.
Trong những ngày này, các siêu thị đã trưng bày các loại xoài, như Cát Chu, Chu Vàng, Hòa Lộc, da xanh giống Đài Loan... Hiện xoài cũng được đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại của Saigon Co.Op, Tập Đoàn Central Retail tại Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh.
Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam khai trương Tuần hàng Xoài Đồng Tháp vào chiều 21/4, kéo dài đến 7/5/2023. Theo đại diện doanh nghiệp này, với mục tiêu chia sẻ cùng các hộ nông dân trong việc bình ổn giá và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trái cây sạch, thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, Mega Market Việt Nam cam kết tiêu thụ khoảng 150 tấn cho 5 sản phẩm xoài chủ lực, bao gồm xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu vàng, xanh và xoài Tượng da xanh vàng với giá cả tốt nhất thị trường. Đồng thời, tích cực hợp tác với hơn 40 nông hộ và HTX tỉnh Đồng Tháp, nhằm đưa trái xoài, các sản phẩm làm từ xoài vào hệ thống phân phối của MM Mega Market Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết, sau 3 ngày đưa xoài vào các hệ thống phân phối, đã có tính hiệu rất tích cực. Hiện nay, khách hàng đến các siêu thị mua xoài của Đồng Tháp rất đông. Đó là nhờ chính sách của các nhà phân phối, chất lượng xoài ngon và nhiều yếu tố khác nữa. Riêng tại Đồng Tháp, Sở Công thương chuẩn bị 25 tấn xoài cho Tuần hàng Xoài Đồng Tháp tuy nhiên, số lượng này chắc không đáp ứng đủ. Điều này đã cho thấy tín hiệu vui, một hướng mới để nâng cao vị thế xoài Đồng Tháp.
Những bước phát triển của xoài Đồng Tháp
Toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 14.000ha chuyên canh trồng xoài, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh. Các giống xoài chủ lực gồm Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh... Đa số các nhà vườn từng bước sử dụng phân hữu cơ và hầu hết đều bao trái để giảm việc sử dụng thuốc BVTV.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu xoài, toàn tỉnh có gần 8.228ha xoài đăng ký mã số vùng trồng, với 296 mã số, 9 cơ sở đóng gói trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói. Trong đó có 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận VietGAP trên cây xoài, với diện tích 353ha.
Năm 2019, lần đầu tiên trái xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã mở ra tiềm năng lớn cho ngành hàng xoài Đồng Tháp nói riêng và trái xoài Việt Nam nói chung. Ngoài Mỹ, trái xoài tươi Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand… đặc biệt Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khá lớn.
Tháng 2/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp sang thị trường châu Âu (Hà Lan), với số lượng 3 tấn xoài Cát Chu. Đơn vị xuất khẩu xoài lần này đó là Công ty CP Cánh Cổng Vàng Việt Nam và Công ty TNHH Westernfarm (huyện Cao Lãnh). Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (thành phố Cao Lãnh) là đơn vị cung ứng xoài để xuất khẩu.
Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của Đồng Tháp, vùng trồng mang chỉ dẫn địa lý tập trung ở địa bàn huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh. Năm 2021 đã thí điểm mô hình cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài (cấp hỗ trợ 2 đơn vị tham gia thí điểm 3.000 tem, 200 thùng mang chỉ dẫn địa lý). Đây là cơ hội, cũng là thách thức để xoài Đồng Tháp khẳng định danh tiếng của mình trên thị trường quốc tế.
Ngoài sản phẩm tươi, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh đẩy mạnh khâu chế biến xoài. Nhiều nhất là xoài sấy dẻo, kế đến là rượu xoài, kem xoài, bánh phồng xoài... Xoài Cao Lãnh còn là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Năm 2022, Lễ hội Xoài Cao Lãnh được UBND thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh phối hợp tổ chức, thu hút 300.000 lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Lần đầu tiên tổ chức, Lễ hội đã góp phần tôn vinh ngành hàng xoài, các sản phẩm chế biến từ xoài, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế, quảng bá du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Đây còn là cơ hội để mở rộng thị trường tiêu thụ đối với ngành hàng xoài - một trong 5 ngành hàng được chọn tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cho phép thành lập Hội ngành hàng Xoài Đồng Tháp là tổ chức xã hội nghề nghiệp của cá nhân, tổ chức trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, nghiên cứu từ xoài tự nguyện thành lập. Trụ sở của Hội đặt tại tổ 2, ấp Tịnh Châu, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới).
Hội thành lập nhằm hỗ trợ các hoạt động trồng trọt, sản xuất, kết nối thị trường, nâng cao kỹ năng bán hàng, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại; xây dựng mô hình thí điểm các chuỗi liên kết nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước. Đây còn là “cầu nối” kết nối nguồn lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, canh tác giữa các hộ nông dân trồng xoài, cơ sở chế biến xoài, các nhà kinh doanh khai thác giá trị từ xoài…