| Hotline: 0983.970.780

Xốc dậy con tôm

Thứ Hai 30/12/2019 , 09:27 (GMT+7)

Con tôm, đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, đang đối mặt với tình hình dịch bệnh phức tạp cũng như khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Hạn chế kháng sinh, tăng cường vi sinh

Cuối tháng 11 năm nay, tại Trường Đại học Cần Thơ diễn ra hội nghị “Phòng trị bệnh tôm theo mô hình an toàn sinh học” có nhiều nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu tôm và doanh nghiệp nuôi tôm tham dự. 

Các nghiên cứu cho biết, quá trình phát triển nuôi tôm tăng thải ra môi trường cùng biến đổi thời tiết đã làm chất lượng nguồn nước suy giảm, dịch bệnh nhiều khi không kiểm soát được.

Thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khi tôm bị bệnh, việc sử dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh thời gian dài làm tăng mức độ kháng thuốc của vi khuẩn có trong hệ tiêu hóa, càng gây bất lợi cho môi trường, an toàn thực phẩm.

Qua thực tiễn và nghiên cứu cho thấy, ứng dụng chế phẩm sinh học (chất vi sinh) trong nuôi tôm đưa đến nhiều kết quả tích cực, đã góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, phát triển bền vững ngành nuôi tôm. 

Chế phẩm có hai nhóm: xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. Chế phẩm sinh học đưa vào cơ thể tôm qua bổ sung thức ăn và ngâm, bổ sung vào ao nuôi; còn xử lý ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường thân thiện, tăng khả năng sống cho tôm.

Các nghiên cứu khẳng định, chế phẩm sinh học mang lại lợi ích trong nuôi tôm là điều chắc chắn, không những cải thiện chất lượng nước mà còn cải thiện hệ số thức ăn, giảm mầm bệnh nên tăng tỷ lệ tôm sống, tăng năng suất nuôi. Tuy nhiên, chế phẩm sinh học chỉ có kết quả tốt và đạt kỳ vọng khi ao nuôi được quản lý tốt và dùng các chủng vi sinh vật đã thông qua chọn lọc kỹ lưỡng, phù hợp với môi trường bản địa.

Cùng dịp cuối năm, hội nghị “Nâng cao giá trị tôm Việt Nam thông qua đổi mới công nghệ sản xuất” do Tổng cục Thủy sản tổ chức ở Cần Thơ, Tiến sỹ Trần Hữu Lộc ở Minh Phu AquaMekong khẳng định: “Nuôi tôm không kháng sinh là khả thi khi sử dụng thức ăn ngừa bệnh, vi sinh, chất bổ sung ngừa bệnh đúng cách”. 

Tiến sỹ Phan Thanh Lâm cùng cộng sự ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 có nghiên cứu về “Quản lý quy trình nuôi tôm giảm hóa chất và kháng sinh”. Trong đó, đưa ra các quy trình chi tiết việc bổ sung chế phẩm sinh học chứa các nhóm vi khuẩn có lợi để lấn át vi khuẩn có hại và phòng trị bệnh cho cho tôm trong nuôi thâm canh tôm sú cũng như tôm thẻ chân trắng.

THANH HẢI
 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thực phẩm Sao Ta: Phải hết sức đề phòng bệnh tôm

13-37-15_ong_ho_quoc_luc_-_chu_tich_hdqt_cty_cp_thuc_phm_so_t_fimex_-_nh_xt

Xuất khẩu tôm năm 2019 doanh số giảm ước khoảng 5% so năm trước trong khi sản lượng tương đương. Nguyên nhân tôm cỡ nhỏ hơn, do tôm nuôi 2019 của ta bị bệnh vi bào tử trùng và bệnh phân trắng tấn công. Bệnh này bùng phát đồng loạt nhiều vùng nuôi lớn khác như Ấn Độ, Thái Lan. 

Tình hình này khiến sản lượng tôm nuôi không như ý, từ cuối quý 3 các DN chế biến tôm lâm vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu và giá tôm tươi tăng khá mạnh. Giá thành tôm nuôi của ta cao hơn hẳn so các cường quốc nuôi tôm.

Tuy nhiên việc tiêu thụ ổn định nhờ vào trình độ chế biến cao, thâm nhập các hệ thống tiêu thụ từ khá đến cao. 

Về diễn biến cao điểm tăng giá tôm tươi cuối năm do quy luật cung cầu tác động, giá nguyên liệu tăng khiến các DN chế biến bị thiệt hại không nhỏ để hoàn thành hợp đồng. Hiện nay thị trường tiêu thụ tôm chưa có luồng nhu cầu rõ ràng, bởi các hệ thống tiêu thụ đã có kế hoạch cho cuối năm và đang thực hiện.

Tình hình tiêu thụ năm 2020 tùy thuộc mạnh nhất là sức khỏe kinh tế thế giới. Xu thế có thể thấy được sau khi có kết quả tiêu thụ cuối năm.

Qua thông tin dự báo khí hậu thủy văn năm 2020, tình hình mặn về sớm, pha trung tính ENSO không lạnh thuận cho tôm phát triển, cộng với giá tôm tươi đang cao sẽ thu hút người nuôi thả giống nuôi tôm sớm. Chuyện đó bình thường. 

Điều quan tâm là hai bệnh nêu trên chưa có một dự báo rõ ràng. Đây là một nguy cơ tiềm ẩn, người nuôi hết sức cẩn thận thông qua chú trọng nuôi SẠCH, gồm cố gắng mua tôm giống tốt, sạch bệnh; xử lý nước kỹ lưỡng, triệt để. Nâng cao an toàn sinh học khu nuôi thông qua vệ sinh dụng cụ, người nuôi, chống nguy cơ từ bên ngoài như người bên ngoài vào khu nuôi, chim cò, giáp xác vào ao...

Một điểm chú ý là khả năng sốt con giống đầu vụ từ tháng 2 đến tháng 5/2020. Đừng nóng vội bù bằng giống trôi nổi sẽ dễ thiệt hại. Để chuỗi giá trị tôm được duy trì tốt thì con tôm làm ra phải SẠCH, có nghĩa không được tồn dư chất cấm trong tôm, người nuôi chú ý không nên sử dụng những chế phẩm nuôi tôm không rõ nguồn gốc, không sử dụng chất cấm đã có quy định...

HỮU ĐỨC
 

Ông Đinh Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Hải Nguyên (Bạc Liêu): Giá sẽ cao

12-11-36_nh_dinh_vu_hi

Năm 2020, ngành thủy sản nước ta sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt tình hình dịch bệnh trên tôm sẽ diễn biến cực kỳ phức tạp cả thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Giá tôm năm 2020, chắc chắn sẽ ở mức cao, do nguồn cung không đáp ứng cầu.

Vấn đề quan trọng là làm thế nào để nuôi được con tôm sạch, chất lượng. Nếu không làm ra được con tôm sạch thì đừng bàn gì đến việc xuất khẩu… Vì thế, trong năm tới, cần phải định hướng tôm như thế nào tránh được dịch bệnh là điều quan trọng nhất.

HĐ-XT (ghi)

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Nuôi tôm đang dần ổn định hơn

13-37-15_ong_truong_dinh_hoe_vsep_-_nh_hd

Năm 2019, ngành tôm nhiều biến động, điển hình nhất là giá tôm giảm rất mạnh so với năm 2018. Do đó, dù sản lượng tôm vẫn tăng, nhưng giá trị xuất khẩu ước tính chỉ đạt 3,6 tỷ USD, tức giảm khoảng 600 triệu USD so với kế hoạch. Tuy nhiên về tổng thể, hoạt động của các doanh nghiệp tương đối ổn định và có lãi. Người nuôi cũng không quá bấp bênh như những năm trước.

Qua theo dõi thì thị trường thế giới nhu cầu tăng hàng năm chưa đến 5%, cho nên chúng ta phải biết chấp nhận tính bão hòa của thị trường để từ đó đề ra các mục tiêu hợp lý hơn.

Trên cơ sở đó, mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2020 vẫn là 10 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu tôm khoảng 4 - 4,2 tỷ USD đã là một nỗ lực.

Trên thị trường xuất khẩu, để bán được sản phẩm ngay ở thị trường đang có chúng ta vẫn phải cạnh tranh với các quốc gia khác, như: Ấn Độ, Indonesia… Hiện chúng ta khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn mỗi yếu tố là tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục được khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.

 

HĐ-XT (ghi)

12-11-36_ong_luu_hong_ly_gim_doc_so_nn-ptnt

Khi Trung Quốc siết nhập khẩu qua tiểu ngạch khiến bước đầu thủy sản xuất khẩu của Bạc Liêu nói riêng cũng như cả nước nói chung gặp một chút khó khăn (giá tôm nguyên liệu giảm), tuy nhiên, đã nhanh chóng thích ứng đường chính ngạch đồng thời tìm kiếm thêm thị trường khác.

Năm 2020, Bạc Liêu xác định thủy sản tiếp tục là ngành mũi nhọn. Tỉnh sẽ tập trung phát triển các mô hình tôm sạch, tôm hữu cơ và lúa - tôm… Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, năm 2020 tổng sản lượng tôm của tỉnh sẽ đạt 200.000 tấn.

(Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu)

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.