| Hotline: 0983.970.780

Xót xa nhìn ruộng vườn trôi xuống sông

Thứ Ba 09/01/2024 , 09:24 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên diễn ra ngày càng phức tạp, cướp đi nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân.

Dọc bờ sông Hà Yến, thôn Quảng Đức, xã An Thạch xảy ra sạt lở bờ sông. Ảnh: KS.

Dọc bờ sông Hà Yến, thôn Quảng Đức, xã An Thạch xảy ra sạt lở bờ sông. Ảnh: KS.

Sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp

Tỉnh Phú Yên hiện có hơn 50 con sông, suối lớn nhỏ, với tổng diện tích các lưu vực sông khoảng 16.400km2, tổng lưu lượng dòng chảy hàng năm khoảng 11,8 tỉ m3.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ năm 2010 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp. Hàng năm, hiện tượng sạt lở đã làm mất hàng chục đến hàng trăm ha đất ven sông, ven biển. Dù địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều tuyến kè sông, kè biển song tình trạng này vẫn diễn ra.

Điển hình mới đây, dọc bờ sông Hà Yến, thôn Quảng Đức, xã An Thạch (huyện Tuy An) xảy ra tình trạng sạt lở, uy hiếp nhiều hộ dân. Theo người dân địa phương, vụ việc xảy ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, do ảnh hưởng mưa lớn nên nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp với nước sông chảy xiết đã gây sạt lở bờ sông kéo dài hàng trăm mét.

Ông Nguyễn Minh Tuân ở thôn Quảng Đức cho biết, nhiều vị trí sạt lở rất nghiêm trọng, ăn sâu vào đất liền khoảng 2-3m, có vị trí sạt lở gần đến đường giao thông liên thôn từ Quảng Đức đi Hà Yến, uy hiếp nhiều hộ dân.

Tương tự, tại sông Kỳ Lộ đoạn qua địa bàn huyện Tuy An cũng xảy ra nhiều điểm sạt lở. Ông Phạm Văn Hiệp, thôn Quảng Đức cho hay, vào mùa mưa lũ hai bên bờ sông Kỳ Lộ (đoạn phía hạ lưu cầu Ngân Sơn) lại bị sạt lở. Nhiều diện tích đất bị nước lũ cuốn trôi và ăn sâu vào đất liền khoảng 2-3m mỗi bên.

Điểm sạt lở khu vực bờ sông Kỳ Lộ đoạn qua xã An Thạch được người dân đổ đất đá gia cố. Ảnh: KS.

Điểm sạt lở khu vực bờ sông Kỳ Lộ đoạn qua xã An Thạch được người dân đổ đất đá gia cố. Ảnh: KS.

“Hàng năm, gia đình tôi phải đổ đất, đá tại các vị trí sạt lở dọc bờ sông trước nhà nhằm hạn chế nước sông ăn sâu vào đất liền”, ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, hiện tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn huyện xảy ra nhiều điểm, nặng nhất là ở các xã An Dân, An Thạch, An Mỹ, An Ninh Đông, An Chấn và thị trấn Chí Thạnh.

Đối với các vị trí sạt lở kéo dài khoảng 200 m dọc bờ sông Hà Yến ở thôn Quảng Đức, một đoạn gần 15m bị ăn sâu vào đất liền khoảng 3m, cuốn trôi hàng trăm mét khối đất, uy hiếp trực tiếp gần chục nhà dân.

Chính quyền xã An Thạch đã giăng dây cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở, đồng thời huy động lực lượng cùng người dân triển khai khắc phục tạm thời.

Cần xây kè chống sạt lở

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có khoảng 45 địa điểm, khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 90km. Trong đó tại các sông lớn như sông Ba, Bàn Thạch, Kỳ Lộ, tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp hơn. Không những thế, tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh cũng đáng báo động.

Các địa phương kiến nghị cần xây dựng kè bảo vệ để hạn chế tình trạng sạt lở. Cụ thể, huyện Phú Hòa kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống kè sông tại các nơi xung yếu trên sông Ba đoạn qua thị trấn Phú Hòa. Huyện Sông Hinh kiến nghị đầu tư xây dựng kè chống xói lở dọc sông Ba tại các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây và Sơn Giang.

Điểm sạt lở bờ biển thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An. Ảnh: AN.

Điểm sạt lở bờ biển thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An. Ảnh: AN.

Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, huyện đã kiến nghị tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng một số tuyến kè gồm 150m kè sông tại thôn Quảng Đức; 500m kè sông tại thôn Long Uyên (xã An Dân); 650m kè sông Ngân Sơn - An Thạch (từ cầu Lò Gốm đến đập Tam Giang) và các tuyến kè biển thuộc các xã An Chấn, An Mỹ và An Ninh Đông.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, trước mắt các địa phương cần tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển, triển khai các biện pháp phi công trình, chủ động bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng tại các vị trí xung yếu nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản và hoa màu cho người dân.

Về lâu dài, các địa phương phối hợp với các sở, ngành có liên quan kiểm tra, khảo sát các vị trí cần thiết đầu tư, đồng thời tham mưu UBND tỉnh báo cáo các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để khắc phục.

Được biết, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai xem xét, hỗ trợ cho tỉnh khoảng 200 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để xử lý khẩn cấp, khắc phục sạt lở bờ biển với chiều dài khoảng 2km tại khu vực Gành Dưa, xã An Mỹ (huyện Tuy An).

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, thời gian qua, tỉnh và Trung ương đã đầu tư một số tuyến kè dọc sông Ba tại buôn Mã Vôi, các thôn Tuy Bình, Chí Thán, Hà Giang và dọc sông Nhau trên địa bàn huyện Sông Hinh, với tổng chiều dài hơn 17,8km. Còn tại huyện Tuy An những năm qua đã đầu tư xây dựng một số tuyến kè chống xói lở dọc bờ sông Kỳ Lộ như kè Ngân Sơn - Chí Thạnh; kè thượng lưu đập Ông Tấn; kè sông Vét với tổng chiều dài hơn 4,8 km.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.