| Hotline: 0983.970.780

Bờ sông Trà Bồng sạt lở nghiêm trọng

Thứ Tư 29/11/2023 , 10:38 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Tình trạng sạt lở bờ sông Trà Bồng ngày càng nghiêm trọng khiến cho hàng trăm hộ dân sống trong bất an, lo sợ đất vườn, nhà cửa của mình sẽ bị nước cuốn trôi.

Tình trạng sạt lở bờ sông Trà Bồng diễn ra hàng năm đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Tình trạng sạt lở bờ sông Trà Bồng diễn ra hàng năm đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Mấy năm gần đây, hàng trăm hộ dân sống ở dọc bờ sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) luôn sống trong tâm trạng bất an mỗi khi mùa mưa lũ đến. Nước từ thượng nguồn đổ về sau những đợt mưa lớn khiến cho hàng ngàn m2 đất sản xuất của bà con bị sạt lở, cuốn trôi. Dù người dân địa phương đã có gắng hạn chế nguy cơ sạt lở bằng giải pháp trồng tre giữ đất nhưng hiệu quả mang lại cũng không mấy khả quan.

Đặc biệt, trong đợt mưa lớn vào giữa tháng 11 vừa qua, bờ sông Trà Bồng lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 7km, đe dọa nhà cửa, đất đai của các hộ dân. Trong đó, các đoạn bờ sông qua xã Bình Minh và Bình Chương là 2 điểm bị ảnh hưởng nặng nhất. Trước thực trạng này, người dân nơi đây đang rất mong mỏi được nhà nước xây dựng kè kiên cố để giữ đất, giữ lại kế sinh nhai từ bao đời và ổn định cuộc sống, sản xuất.

Trước đây, mảnh vườn của hai chị em bà Hà Thị Nga (trú thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh, Bình Sơn) rộng hơn 1.000 m2, chiều dài dọc bờ sông Trà Bồng khoảng 100m. Thế nhưng, qua từng năm đất vườn của nhà bà Hà lại bị nước lũ “ngoạm” đi một ít. Đến bây giờ, khoảng cách từ mảnh đất đến bờ sông chỉ còn hơn 5m.

“Những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra càng mạnh. Vậy nên khi vào mùa mưa lũ, ban đêm nhà tôi không dám ngủ, phải túc trực để canh chừng nguy hiểm, sợ nước cuốn sụt đất, sập nhà. Cứ mưa xuống là tôi lại thường xuyên theo dõi nước sông lên, xuống. Nếu nước lên nhanh là phải tất tả dọn đồ đạc, dắt trâu bò vào nhà người thân hoặc tìm vùng đất cao an toàn để tránh trú, lúa gạo cũng đem đi, chỉ để lại một ít trong nhà để ăn”, bà Hà tâm sự.

Hiện nay, bờ sông Trà Bồng đã lấn sâu vào khu dân cư. Ảnh: L.K.

Hiện nay, bờ sông Trà Bồng đã lấn sâu vào khu dân cư. Ảnh: L.K.

Tương tự, nhà bà Phạm Thị Dân (trú thôn Tân Phước Đông) cũng có 2.000m2 đất gần bờ sông Trà Bồng. Để ngăn sạt lở, bà Dân đã trồng tre và nhiều loại cây khác để giữ đất nhưng cũng bị nước cuốn trôi. Đến nay, nơi sinh sống của cả nhà bà Dân chỉ còn cách mép sông khoảng vài chục mét. “Nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn thì e rằng, nhà cửa, đất đai của chúng tôi sẽ bị cuốn trôi hết”.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, địa bàn xã là vùng "rốn" lũ của sông Trà Bồng, hằng năm mỗi khi nước lũ chảy về đều xảy ra sạt lở và ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến gần 2.000 hộ dân trong xã. Hiện sạt lở đã vào sát nhà dân, nguy cơ làm sập nhà bất cứ lúc nào. Địa phương cũng rất mong muốn các cơ quan chức năng sớm xây dựng kè chống sạt lở để người dân an tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Theo kết quả kiểm tra, báo cáo của UBND huyện Bình Sơn, đoạn sông Trà Bồng chảy dọc qua các thôn Tân Phước, thôn Tân Phước Đông và thôn Mỹ Long An (xã Bình Minh) và các thôn An Điềm 1, An Điềm 2, Ngọc Trì (xã Bình Chương) bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 2.400m, ảnh hưởng trực tiếp đến 740 hộ dân sống dọc bờ sông này.

Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, trước thực tế này, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng khẩn cấp 2 kè chống sạt lở bờ sông Trà Bồng. Trong đó, bờ kè chống sạt lở tại thôn Tân Phước, thôn Tân Phước Đông và thôn Mỹ Long An (xã Bình Minh) có chiều dài 1.800m. Còn bờ kè chống sạt lở tại thôn An Điềm 1, thôn An Điềm 2, thôn Ngọc Trì (xã Bình Chương) có chiều dài khoảng 6.000m. Kinh phí thực hiện khoảng 400 tỷ đồng.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thông tin, về kiến nghị của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã nhận được. Tuy nhiên về kinh phí xây dựng các đoạn kè này tương đối lớn nên tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ. “Khi Trung ương trả lời thì tỉnh sẽ có ý kiến sau chứ hiện tại chưa thể thực hiện được”.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.