| Hotline: 0983.970.780

Xứ Lạng hưởng lợi từ rừng

Thứ Tư 19/03/2014 , 07:20 (GMT+7)

Theo quy hoạch phát triển lâm nghiệp đến năm 2015, tỉnh Lạng Sơn có 648.244,8 ha đất rừng, đất lâm nghiệp, chiếm 77,8% tổng diện tích tự nhiên.

Do kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh, đến nay diện tích đất có rừng đã đạt trên 500.000 ha, bao gồm các loại cây lấy gỗ, lấy nhựa, lấy hoa và hái quả.

Hiện rừng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản của tỉnh có khoảng 80.000 ha, riêng cây hồi đã cho thu hái hoa hơn 33.000 ha. Còn lại là thông mã vĩ, sa mộc là chủ yếu và một số loại cây ngoại lai khác như bạch đàn, keo, mỡ...

Do nông dân có thu nhập tốt từ rừng nguyên liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả nên mấy năm trở lại đây họ tự giác trồng rừng ở bất cứ chỗ nào có thể trồng được, đã tạo nên phong trào thi đua trồng rừng tự phát khắp cả tỉnh.

Nếu như trước đây không có hỗ trợ giống, phân bón, tiền công, nông dân không mặn mà với trồng rừng, thì nay họ sẵn sàng đầu tư vốn mua cây giống, thuê đất để trồng rừng nguyên liệu. Với giá gỗ nguyên liệu cao và dễ bán như hiện nay, nhiều nông hộ hi vọng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn sau mỗi kỳ thu hoạch cây rừng.

Chỉ từ năm 2006 - 2013, tổng diện tích rừng được trồng mới của Lạng Sơn đã trên 120.000 ha, trong đó có khoảng 30% diện tích do dân tự trồng. Trong cơ cấu cây trồng thì cây thông mã vĩ, sa mộc, hồi phù hợp với điều kiện tự nhiên nên vẫn được ưa trồng nhất, chiếm khoảng 70% diện tích.

Chỉ tính riêng xã Hải Yến, nơi được gọi là vùng sâu, vùng xa của Lạng Sơn mà có đến 20 ha cây hồng Bảo Lâm, hơn 10 ha cây mận cơm đang cho thu quả hàng năm, hơn 1.000 ha thông cho thu hoạch nhựa, 500 ha cây hồi cho hái hoa... đã nói lên kinh tế lâm nghiệp có vị trí quan trọng với bà con đến chừng nào.

Có thu nhập từ rừng nguyên liệu gối vụ và các sản phẩm từ rừng theo mùa vụ, đã góp phần giúp nông dân thu hoạch quanh năm, thông qua khai thác gỗ trung bình hơn 90.000 m3 các loại/năm. Khai thác nhựa thông cũng khoảng trên 12.000 tấn/năm. Chế biến gỗ xẻ các loại luôn đạt hơn 10.000 m3/năm... Cùng với hơn 33.000 ha cây hồi cho thu hái hoa từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm và các loại cây ăn quả khác, đã khiến bà con yên tâm với lâm nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Thắng, thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình cho biết: "Cứ đến vụ thu hoạch hoa hồi, mình lại cùng mấy anh em trong xóm này đi hái thuê, mỗi ngày chịu khó cũng được khoảng 200 nghìn đồng tiền công. Ngày trước, có năm hoa hồi giá cao, có ngày được 300 - 400 nghìn đ/công, vì bọn mình đi thu hái ăn chia sản phẩm với chủ rừng hồi. Còn đi cạo nhựa thông cũng được từ 100 - 200 nghìn đ/công...".

Mặc dù không có đất trồng rừng, nhưng gần 20 năm gắn với nghề hái hoa hồi, cạo nhựa thông và cắt gỗ thuê anh cho các chủ rừng, anh Thắng cũng như các gia đình trong xã đều có cuộc sống ổn định hơn so với chỉ bám vào canh tác mấy sào ruộng lúa.

Hỏi vì sao nhiều hộ vùng sâu thích trồng rừng, anh Hứa Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho hay: "Cả xã này đã cơ bản là cơ giới hóa nông nghiệp, tính trung bình cứ 2 hộ gia đình có 1 máy cày làm đất, nông dân cũng ngại nuôi trâu, bò vì phải chăn dắt. Do đó khoảng hơn 10 năm trở lại đây, đất rừng đã được nông dân tận dụng trồng hết các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, không còn đất hoang, đồi trọc như trước nữa".

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.