| Hotline: 0983.970.780

Xử lý dứt điểm sâu bệnh hại chanh leo ở Hướng Phùng

Thứ Hai 06/03/2023 , 07:06 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Nông dân xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) lo lắng khi cây chanh leo xuất hiện sâu bệnh lạ khiến lá vàng úa, cành không phát triển, nhiều vườn quả rụng đồng loạt.

Vo Van Dung Bao NNVN

Cây chanh leo bị sâu bệnh hại khiến người dân xã Hướng Phùng hết sức lo lắng. Ảnh: Võ Dũng.

Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) hiện có 90ha cây chanh leo. Đa phần diện tích này người dân chuyển đổi từ những vườn cà phê già cỗi, năng suất một vài năm đầu ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng dần đã xuất hiện những loài sâu bệnh lạ khiến người dân lo lắng.

Từ cuối năm 2022, vườn chanh leo của gia đình ông Trần Thái tại thôn Đại Độ (xã Hướng Phùng) héo úa, quả rụng hàng loạt. Do mới trồng năm đầu, chưa có kiến thức về sâu bệnh hại nên ông Thái cho rằng, nguyên nhân khiến vườn chanh leo vàng úa, rụng quả là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt; quả nhiều nhưng lượng phân bón không đáp ứng đủ nhu cầu? Dù đã dùng nhiều biện pháp cải thiện tình trạng trên nhưng vườn chanh leo vẫn tiếp tục rụng quả. Ông Thái lo lắng không biết làm cách nào để bộ cành phát triển...

Bài liên quan

Ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho hay, đây là tình trạng khá phổ biến ở địa phương này và đến đầu năm 2023, hiện tượng sâu bệnh lạ này ngày càng lan rộng. Đến nay, toàn xã có 30ha chanh leo bị sâu bệnh gây hại. Điều đáng lo là nông dân đang loay hoay không biết hướng xử lý nên có nguy cơ sử dụng ồ ạt thuốc BVTV hoặc chặt bỏ chanh leo.

Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc tìm hiểu và kết luật, các loại sâu bệnh xuất hiện trên cây chanh leo ở Hướng Phùng được xác định là nhện, phấn trắng và thối cổ rễ.

Để giúp người dân không hoang mang, lo lắng trước nguy cơ vườn cây bị hư hại, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con không tự ý mua các loại thuốc BVTV để xử lý hoặc ồ ạt phá bỏ chanh leo bị sâu bệnh. UBND xã Hướng Phùng đã phối hợp với Tổ chức Helvetas Việt Nam triển khai khóa tập huấn “Biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho chanh leo, thân thiện với bảo tồn theo tiêu chuẩn VietGAP".

Các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trồng trọt của Việt Nam đã tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp ngay tại vườn về quy trình làm đất, cải tạo đất, xuống giống, tưới, bón phân, nhận biết các loại sâu bệnh và phương pháp xử lý, chọn các sản phẩm chuẩn xử lý sâu bệnh… cho nông dân. Hơn 200 hộ dân của 13 thôn bản trên địa bàn xã đã tích cực tham gia tập huấn.

Vo Van Dung Bao NNVN (3)

Cây chanh leo được xử lý triệt để các loại sâu bệnh hại sau khi nông dân xã Hướng Phùng được tham gia khóa tập huấn. Ảnh: Võ Dũng.

Sau khi được tập huấn, nhiều hộ dân đã vệ sinh vườn tược, cắt bỏ các phần cây nghi nhiễm bệnh, tập trung tiêu hủy sạch sẽ nhằm tránh lây lan diện rộng, đồng thời sử dụng các loại thuốc phù hợp xử lý đối với cây bị bệnh, tạo vườn cây thoáng đãng.

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, các hộ dân trong xã cơ bản đã xử lý được sâu bệnh hại trên cây chanh leo, đảm bảo cho cây tiếp tục phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp khảo sát, kiểm tra các diện tích chanh leo để kịp thời phát hiện và đưa ra phương án xử lý dứt điểm tình trạng sâu bệnh; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về quá trình sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu để cấp mã vùng trồng chanh leo nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Cây chanh leo được trồng thí điểm tại xã Hướng Phùng từ năm 2018. Kết quả cho thấy chanh leo rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây. Nông dân Hướng Phùng đã liên doanh liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Từ chỗ chỉ có 7,5ha trồng thí điểm, đến nay toàn xã có trên 90ha chanh leo, năng suất đạt 15 - 18 tấn/ha.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.