| Hotline: 0983.970.780

Xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng, tiết kiệm 20 - 30% phân bón

Thứ Sáu 30/08/2024 , 10:55 (GMT+7)

Kiên Giang Ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ giúp nhà nông giảm 20 - 30% lượng phân bón cả vụ, năng suất lúa tăng 10 - 15%.

Bồi bổ dưỡng chất hữu cơ cho đất

Hàng trăm nông dân đã tập trung về Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất (ấp Sơn An, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) để dự hội thảo đánh giá mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại ruộng vụ lúa hè thu 2024. Nhổ những khóm lúa trĩu bông xem xét kỹ lưỡng, nhiều nông dân ngỡ ngàng khi biết lúa trúng mùa một phần nhờ nguồn phân hữu cơ được xử lý từ rơm rạ của vụ lúa trước đó.

Ứng dụng chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm rạ ngay tại ruộng thành phân bón hữu cơ bổ sung dưỡng chất cho đất giúp lúa phát triển tốt, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trung Chánh.

Ứng dụng chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm rạ ngay tại ruộng thành phân bón hữu cơ bổ sung dưỡng chất cho đất giúp lúa phát triển tốt, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất là người tiên phong tại địa phương ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ ngay tại ruộng thành phân bón hữu cơ để bồi bổ cho đất. Mô hình này do Văn phòng trường trực tại Nam Bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang và Công ty TNHH Phát triển nông thôn Phương Nam hỗ trợ thực hiện.

Sumitri biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng, giúp bổ sung nguồn hữu cơ cho đất, tiết kiệm được 20 - 30% lượng phân bón cả vụ; cây lúa sinh trưởng, phát triển mạnh khỏe, cân đối; tăng năng suất lúa thêm 10 - 15%, giúp nông dân tăng lợi nhuận.

Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất có 70 thành viên, diện tích canh tác 520ha, gồm 430ha của thành viên và 90ha liên kết với các hộ nông dân khác. Trong đó, đất canh tác của gia đình ông Đức là 12ha tham gia vào Hợp tác xã. Vụ lúa hè thu 2024, ông Đức đã mạnh dạn tham gia mô hình ứng dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ với diện tích 6ha, giúp giảm chi phí sản xuất.

Theo đó, có 3ha sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri, liều lượng 3kg/ha và 3ha sử dụng phân bón hữu cơ Crowel M+ phối hợp với chế phẩm vi sinh Sumitri, liều lượng 200kg/ha để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ ngay tại ruộng. Sau 15 ngày rơm rạ đã được phân hủy toàn bộ, không còn khả năng gây ngộ độc cho cây lúa, tạo nguồn phân bón hữu cơ bổ sung cho đất.

Ông Phạm Xuân Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông thôn Phương Nam cho biết, sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ thành phân bón ngay tại ruộng giúp nông dân bỏ thói quen đốt đồng gây ô nhiễm môi trường. Sumitri giúp phân hủy nhanh rơm rạ ngay tại ruộng nên không cần thời gian cách ly giữa 2 vụ dài, có thể làm đất, xử lý Sumitri và cấy, sạ được ngay, tránh tình trạng gây ngộ độc hữu cơ.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất chia sẻ những lợi ích khi sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ ngay tại ruộng thành phân bón hữu cơ. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất chia sẻ những lợi ích khi sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ ngay tại ruộng thành phân bón hữu cơ. Ảnh: Trung Chánh.

Nhà nông cũng giảm được chi phí sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh, trừ ốc nhờ Sumitri có tác dụng làm thối hạt cỏ dại, hạt lúa cỏ, hạt lúa lẫn nền nếu được xử lý đúng quy trình. Cây lúa sau khi gieo sạ sinh trưởng, phát triển cân đối, cứng cây, chống chịu tốt với sâu bệnh hại nhờ nguồn dinh dưỡng hữu cơ phân hủy từ rơm rạ. Vi sinh vật cạnh tranh dinh dưỡng với ốc nên hạn chế sự phát sinh của ốc mới nở. Trong Sumitri có chủng đối kháng bệnh hại lúa nên sẽ hạn chế được sự gây hại của bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn rất rõ.

Tăng lợi nhuận sản xuất lúa

Theo Trạm Khuyến nông huyện Hòn Đất, huyện có diện tích đất sản xuất lúa 78.900ha, chủ yếu là sản xuất lúa 2 vụ/năm. Những năm gần đây, nông dân Hòn Đất canh tác giống lúa hạt tròn ĐS1 (lúa Nhật) khá nhiều, chiếm khoảng 50% diện tích mỗi vụ.

Sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri giúp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng nhanh, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu và phát triển mạnh, ít sâu bệnh gây hại. Ảnh: Trung Chánh.

Sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri giúp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng nhanh, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu và phát triển mạnh, ít sâu bệnh gây hại. Ảnh: Trung Chánh.

Trong khi đó, giống ĐS1 sau khi thu hoạch để lại lượng rơm rạ tương đối lớn và dai hơn các giống lúa ngắn ngày khác nên thời gian phân huỷ ban đầu chậm. Rơm lúa ĐS1 khi thu gom khỏi ruộng cũng không được thương lái thu mua để trồng nấm do cọng rơm cứng, dai, khó xử lý.

Do đó, giải pháp đơn giản nhất mà nông dân thường lựa chọn là đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Tuy nhiên, tập quán này gây ô nhiễm khói bụi, làm gia tăng phát thải và làm mất đi nguồn dinh dưỡng hữu cơ.

Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh Sumitri đã giúp giải bài toán khó này. Chỉ trong thời gian ngắn khoảng 15 ngày (theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thời gian giãn vụ ít nhất là 20 ngày) xử lý Sumitri, lượng rơm rạ trên ruộng đã mềm nhũn và chuyển sang màu đen hoàn toàn, trở thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ, không còn khả năng gây ngộ độc cho cây lúa. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với những vùng nông dân sản xuất lúa 3 vụ/năm vì thời gian xuống giống rất ngắn, nếu không có chế phẩm xử lý thì nông dân sẽ đốt đồng.

Nông dân tham quan ruộng trình diễn sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri phân hủy rơm rạ tại ruộng và đánh giá cao hiệu quả mô hình cả về lợi ích môi trường và kinh tế. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân tham quan ruộng trình diễn sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri phân hủy rơm rạ tại ruộng và đánh giá cao hiệu quả mô hình cả về lợi ích môi trường và kinh tế. Ảnh: Trung Chánh.

Tham quan mô hình trình diễn tại ruộng của hộ ông Đức cho thấy, sử dụng chế phẩm vi Sumitri giúp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng nhanh, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu và phát triển mạnh, ít sâu bệnh gây hại, đặc biệt cây lúa không bị vàng do ngộ độc hữu cơ. Sản xuất lúa sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ tại ruộng sẽ từng bước góp phần cải tạo đất, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo, tăng lợi nhuận cho nhà nông.

Do thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật, ruộng mô hình thử nghiệm tại Hợp tác xã nông nghiệp Vinacam Hòn Đất đã giảm được lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón hóa học, giảm chi phí thuốc BVTV, hạ giá thành và tăng lợi nhuận.

Cùng sản xuất giống lúa ĐS1, ruộng sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri đạt năng suất 8 tấn/ha, tổng thu 62,4 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 41 triệu đồng/ha. Ruộng sử dụng phân bón hữu cơ Crowel M+ phối hợp với chế phẩm vi sinh Sumitri đạt năng suất 8,4 tấn/ha, tổng thu 65,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận 43,2 triệu đồng/ha. Ruộng đối chứng đạt 7,8 tấn/ha, tổng thu 60,8 triệu đồng/ha, lợi nhuận 36,8 triệu đồng/ha.

Từ những lợi ích thiết thực mang lại cho nhà nông, Trạm Khuyến nông huyện Hòn Đất đánh giá đây là mô hình dễ áp dụng và có khả năng nhân rộng trong thời gian tới. Qua đó, dần hình thành tập quán thu gom, xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch thay cho việc đốt đồng để tránh ảnh hưởng đến môi trường cũng như tận dụng nguồn phân hữu cơ từ rơm rạ sau phân hủy để trả lại cho đất. Đặc biệt, đây là mô hình phù hợp trong việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đang được triển khai trên địa bàn huyện.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.