Lâm sản vẫn là lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng |
Trong đó, mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 875 triệu USD, thuỷ sản ước đạt 694 triệu USD, sản phẩm chăn nuôi ước đạt 46 triệu USD. Lũy kế 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 12,4 tỷ USD, tương đương so với cùng kỳ.
Lĩnh vực xuất khẩu nổi bật nhất từ đầu năm đến nay cũng như trong tháng 4 vẫn là lâm sản và đồ gỗ khi giá trị xuất khẩu tháng 4/2019 ước đạt 875 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,278 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2018, góp phần đưa xuất siêu lâm sản đạt 2,488 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam hiện nay, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.
Cũng trong 4 tháng, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng khá ấn tượng, như: Cao su đạt 559 triệu USD (+14,1%); Chè đạt 62 triệu USD (+14%); Rau, quả ước đạt 1,4 tỷ USD (+7,2%); Hạt điều, hồ tiêu tăng về khối lượng nhưng giảm về giá trị khi hạt điều khối lượng xuất khẩu tăng 4,7%, giá trị đạt 922 triệu USD (-13,3%) còn hạt tiêu khối lượng tăng 21,4%, giá trị đạt 288 triệu USD (-6%).
Thủy sản cũng là lĩnh vực duy trì được đà tăng trưởng với giá trị xuất khẩu 4 tháng ước đạt 2,48 tỷ USD, tăng 2,4%, trong đó cá tra ước đạt 635 triệu USD (+4,3%), tôm các loại ước đạt 913 triệu USD.
Các mặt hàng gạo, cà phê, sắn và sản phẩm từ sắn giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, gạo khối lượng xuất khẩu giảm 8%, giá trị đạt 915 triệu USD (-19%); Cà phê khối lượng giảm 13%, giá trị đạt 1,13 tỷ USD (-19%); Sắn và sản phẩm từ sắn khối lượng giảm 14%, giá trị đạt 356 triệu USD (-3,3%). Riêng các sản phẩm chăn nuôi vẫn khá khiêm tốn, ước đạt 170 triệu USD, giảm 6,5%.
Trong khi đó, tháng 4 giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp ước đạt 2,68 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 4 tháng đạt khoảng 9,7 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 8,1 tỷ USD, tương đương năm trước.
4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 46.000 ha, tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước (trồng mới rừng sản xuất đạt 45,8 nghìn ha); rừng trồng được chăm sóc đạt 183,8 nghìn ha, tăng 10,5%; giao khoán bảo vệ rừng đạt 3,62 triệu ha, giảm 7%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 6,23 triệu m3, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã thu được 755,24 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 23,6% kế hoạch năm và tăng 9% so với cùng kỳ.