| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu lao động ngày càng khó

Thứ Tư 10/10/2012 , 10:05 (GMT+7)

Hàn Quốc không tiếp nhận lao động VN, Nhật Bản khắt khe trong tuyển dụng, Đài Loan thu phí vô tội vạ… đang là những “rào cản” lớn...

* Thị trường XKLĐ truyền thống sụt giảm

Chăm chỉ làm việc trong nước cũng đem lại thu nhập không thấp cho người lao động

Hàn Quốc không tiếp nhận lao động VN, Nhật Bản khắt khe trong tuyển dụng, Đài Loan thu phí vô tội vạ… đang là những “rào cản” lớn tác động khiến cho mục tiêu đưa 90.000 lao động VN ra nước ngoài làm việc trong năm nay khó thực hiện.

Thời gian quý III đã khép lại nhưng VN mới XKLĐ được 51.318 người, đạt 57% kế hoạch năm… Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, đang có nhiều tác động khách quan khiến cho mục tiêu đẩy mạnh việc XKLĐ khó có thể hoàn thành chỉ tiêu.

Mới nhất là thông tin của Đại sứ quán Hàn Quốc chính thức thông báo “đóng” hạn ngạch tuyển dụng lao động VN năm 2012 bởi tỷ lệ lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc quá cao (trên 50%- tương ứng khoảng 11.000 lao động). Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (OWC) cho biết, việc Hàn Quốc thông báo “chốt” hạn ngạch tuyển dụng như vậy có nghĩa là từ nay đến cuối năm sẽ không có lao động VN được tuyển dụng mới để sang Hàn Quốc nữa.

Còn kỳ thi tiếng Hàn đợt tháng 12/2011, đã gửi lên mạng 13.958 bộ hồ sơ cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn, đến nay mới có 2.816 lao động được chọn (chiếm 20,2%). Như vậy, số còn lại phải chờ hạn ngạch tuyển dụng của năm 2013.

Mừng hơn khi Nhật Bản thông báo sẽ tuyển dụng hộ lý và điều dưỡng VN sang làm việc. Thế nhưng điều kiện tuyển dụng lại vô cùng khắt khe khiến nhiều lao động có tay nghề cũng chùn bởi bằng cấp, trình độ đào tạo ở VN chưa tương xứng với một nước có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản. Nhất là đất nước “mặt trời mọc” chỉ tiếp nhận ứng viên dự tuyển làm hộ lý phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành điều dưỡng.

Đối với ứng viên điều dưỡng, ngoài bằng cấp như trên cần có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng, có kinh nghiệm từ 2 năm trở lên. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cty TNHH MTV Dịch vụ XKLĐ & chuyên gia Suleco - đơn vị được Sở LĐ-TB&XH TPHCM giao nhiệm vụ khảo sát chương trình thổ lộ, vì yêu cầu cao nên cho tới thời điểm này cả 3 địa phương là Lâm Đồng, Trà Vinh và TP Cần Thơ không có người nào đăng ký.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN:

Mục tiêu đưa lao động sang làm việc tại nước ngoài năm 2012 sẽ không dễ dàng với các DN XKLĐ. Vì vậy, giải pháp tốt nhất lúc này chính là tạo việc làm ngay trong nước. Riêng với các DN, thay vì chạy theo số lượng thì hãy chỉnh đốn lại chính mình. Đồng thời, cũng nên đầu tư tạo nguồn lao động chất lượng cao để hướng trong những năm tới nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

Những thị trường truyền thống còn lại cũng đang có sự sụt giảm về số lượng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Điển hình là thị trường Đài Loan (Trung Quốc), các DN đã thu phí vô tội vạ của người lao động. Khi bị kiểm tra thì không DN nào là không vi phạm. Khi chi phí xuất cảnh được kiểm soát chặt thì các DN lớn đều không dám vi phạm. Mặc dù trong tháng 8 vừa qua, có 2.551 trường hợp lao động VN sang Đài Loan làm việc nhưng thấp hơn so với nhu cầu tuyển dụng.

Nhận định chung về một số thị trường đang tiếp nhận lao động VN, ông Lê Nhật Tân, Phó TGĐ Cty LOD cho biết, không chỉ các thị trường truyền thống bị ảnh hưởng mà thị trường mới khai thác ở châu Âu cũng u ám không kém, ví dụ như thị trường Bồ Đào Nha, Nê-pan... Mặc dù kết nối quan hệ XKLĐ từ năm 2011 đến nay nhưng VN chỉ dừng lại ở việc triển khai thí điểm bởi ít DN tìm kiếm được đơn hàng.

Thêm vào nữa, những thị trường này chưa đi vào hoạt động đã bị một số đối tượng lợi dụng lừa đảo. Đại diện một số DN XKLĐ còn chung nhận định, từ nay đến cuối năm, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng nên càng khắt khe trong việc tuyển chọn lao động là người nước ngoài. Nhất là với châu Âu, một thị trường càng mới càng khó đưa lao động xuất ngoại do đòi hỏi về tay nghề, ngoại ngữ khá cao.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Cương quyết không để tàu cá vươn khơi khi chưa đủ điều kiện

Bà Rịa - Vũng Tàu Bộ đội biên phòng tỉnh đang tăng cường các biện pháp mạnh tay với những trường hợp tàu cá không đủ điều kiện vươn khơi, nhằm gỡ thẻ vàng IUU trước 'giờ G' sắp điểm.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.