Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tháng 6 là tháng đầu tiên trong năm nay, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng âm, sau khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số trong 5 tháng trước đó.
Cụ thể, tháng 6, giá trị xuất khẩu tôm giảm nhẹ 1% đạt gần 416 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, nguyên nhân xuất khẩu tôm trong tháng 6 giảm là do nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước hạn chế, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường Mỹ, EU chững lại. Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng mạnh bất thường trong những tháng đầu năm nay còn được cho là do chi phí cước tàu tăng.
Góp phần làm tăng giá bán, hậu quả Covid-19 cuối năm 2021 khiến không ít doanh nghiệp tôm giảm chế biến và đẩy mạnh trả nợ đơn hàng vào đầu năm nay và lạm phát tăng cũng phần nào tác động làm tăng giá tiêu thụ tôm.
Trong top 4 thị trường chính của tôm Việt Nam, trong đó lần đầu tiên xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ giảm, tháng 6 xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 93 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ.
Theo VASEP lý giải lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới hành vi chi tiêu của người dân, họ sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn. Tôm cũng được coi là loại protein cao cấp nên nhu cầu tiêu thụ của người dân có phần chững.
Tuy nhiên, theo lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ được đánh giá vẫn khá ổn định, đạt gần 483 triệu USD, tăng 10%.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), cho rằng: ngành tôm năm nay có nhiều khó khăn do giá nguyên liệu trong nước tăng cao, thị trường nước ngoài đang lạm phát. Trung Quốc đã cho nhập tôm trở lại nhưng tôm Ấn Độ, Ecuador còn ứ đọng ở các thị trường khác nên tình hình xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Khác so với thị trường xuất khẩu tôm sang Mỹ, thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản và EU vẫn ổn định, trong đó, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng trưởng dương liên tục dao động từ 6 - 23%. Trong 6 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đạt gần 333 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá, thị trường xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn duy trì ổn định từ nay đến cuối năm. Chi phí cước tàu tới Nhật Bản không cao như tới Mỹ, EU. Mức lạm phát tại Nhật Bản cũng thấp hơn so với mức lạm phát đang tăng cao tại Mỹ, EU. Đây được coi là những yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản.
Giống như thị trường Nhật Bản, xuất khẩu tôm sang EU khá ổn định, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 6 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng 37% đạt trên 74 triệu USD. Trong 6 tháng, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 378 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh lạm phát giá, hiệp định thương mại tự do EVFTA càng là yếu tố thuận lợi trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong những tháng tới sẽ tiếp tục phải chịu tác động từ lạm phát tại châu Âu, đồng EURO mất giá so với USD.
Ông Trần Văn Diệu, Chủ tịch HĐTV, TGĐ Cty Thủy sản Thái Minh Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: Thị trường xuất khẩu tôm của Cty chủ yếu là sang Nhật Bản, hiện nay vẫn rất ổn định, nói về xuất khẩu tôm sang một số thị trường như Mỹ, EU… bị giảm.
Ông Diệu cho biết, đối với ngành hàng tôm của Việt Nam sau khi xuất sang các thị trường EU, Mỹ hay Nhật Bản…thường được chế biến sâu theo chuỗi giá trị gia tăng, nên giá trị xuất khẩu cao, trong khi đó một số nước xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Ecuador, chủ yếu là xuất khẩu mặt hàng sơ chế, giá nguyên liệu cũng rẻ hơn so với VN khoảng 1 USD/kg tôm. Do đó, nhiều quốc gia đã lựa chọn nhập tôm qua sơ chế để thay thế cho hàng tôm qua chế biến sâu, giá thành sẽ rẻ hơn.
Theo ông Diệu, hiện nay một số địa phương nuôi tôm trong nước rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu chế biến, do người dân có tâm lý e dè thả nuôi vì chi phí đầu vào tăng cao, mặt khác một số tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau hay Sóc Trăng… đang mùa mưa nên người dân cũng hạn chế chậm thả tôm nuôi.