| Hotline: 0983.970.780

Xương dâu đầu gáo!

Thứ Tư 25/06/2014 , 10:08 (GMT+7)

Chuyện những người đi biển mãi không trở về vẫn xẩy ra thường xuyên như cơm bữa./ Cạm bẫy biển khơi

Đau đớn vì thế cũng hóa chai sạn, một sự chấp nhận phũ phàng. Nhưng âm ỉ trong những ngôi làng chài, nỗi đau càng nhức nhối mỗi khi màn đêm buông xuống. Nỗi đau cứ kéo dài và ngày một nhiều hơn bởi vì ngư dân họ bảo: Chúng tôi đang tay không đi biển.

Năm nào cũng có người bỏ mạng

Làng chài Minh Thành (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) có khoảng 350 hộ, gần như 100% chỉ biết mỗi nghề đi biển. Bước vào ngôi làng này có cảm giác buồn bã, u ám. Không phải mùa trăng, đàn ông Minh Thành đi biển hết, làng chỉ còn ông già, bà lão, phụ nữ và trẻ con.

Trưởng thôn Trần Trung Chính lý giải sự buồn bã của làng bằng giọng lạnh lùng đến mức nghe rờn rợn: Năm nào cũng có người đi biển gặp rủi ro. Khi thì chết tập thể, khi thì chết lẻ tẻ. Thiên tai bão gió gặp nạn, lao động gặp nạn, ngồi chơi trên boong tàu gặp nạn, đi vệ sinh cũng gặp nạn.

Thuyền thằng Hiệp chết một lúc 8 người. Thằng Chuột đang ngồi ăn cơm trên boong tàu bị sóng đánh rơi xuống biển không vớt kịp... Nghề đi biển dễ mất mạng lắm ai ơi.

Chính xác là trong vòng 10 năm, làng Minh Thành có khoảng 20 người bỏ mạng ngoài biển cả. Phần lớn những người xấu số ấy đều không tìm thấy xác. Tính bình quân, mỗi năm Minh Thành cống cho biển khơi hai sinh mạng đàn ông.

Trong căn nhà của ông Bùi Xuân Hạ ở cuối thôn Minh Thành, một bức ảnh cưới chụp đôi uyên ương còn vương mùi hạnh phúc. Đẹp hệt như tài tử. Ở góc bức ảnh cưới ghi: Hoàng Hiệp – Minh Huế, ngày 27-11 Nhâm Thìn (2012). Đối diện tấm ảnh cưới là chiếc ban thờ còn nghi ngút khói hương. Người con trai trong bức ảnh cưới và tấm ảnh trên ban thờ là một: Bùi Hoàng Hiệp, sinh năm 1987.

“Nó chết cuối năm ngoái. Chết khi vợ nó vừa sinh con trai chưa đầy 4 tháng. Chết ở tuổi 27, sung mãn nhất của nghề đi biển. Tàu cũng mất tích luôn. Bây giờ vợ dại con thơ và khoản nợ 220 triệu góp vào tàu”. Ông Hạ mở chuyện. Những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt khắc khổ, dạn dày gió sương của người đàn ông miền biển.

Cái ngày định mệnh cuối năm 2013 ấy không chỉ cướp đi sinh mạng người con trai cả trong gia đình ông Hạ mà còn có thêm 7 người đi biển xấu số nữa. “Hai cha con tui đi hai chiếc tàu khác nhau. Sau hơn chục ngày đánh bắt ngoài khơi chúng tôi quay vào đất liền bán cá. Tàu của tôi đi trước, tàu con trai đi sau.

Buổi sáng nó còn điện thoại cho tôi hẹn hai cha con cùng vào cảng Lạch Quèn bán cá nhưng đợi mãi không thấy con về. Một tuần sau có người phát hiện xác hai thành viên trên tàu trôi dạt trong vùng biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Những người còn lại cùng với xác con tàu Na 93240 đang nằm mô đó ngoài đáy biển không có hi vọng tìm”, ông Hạ lại kể.

8 người mất mạng, chỉ có 2 người tìm thấy xác. Những người còn lại, theo phong tục của miền biển này, mỗi gia đình sắm một bộ xương bằng thân cây dâu, lấy sọ dừa làm đầu rồi làm lễ gọi hồn về nhập vào đem đi mai táng. Những ngôi mộ ấy, dân biển gọi là mộ gió, hương khói bình thường nhưng thân thể người xấu số mãi mãi nằm lại biển khơi. Nghiệt ngã lắm.

Ông Hạ kể với tôi, khi chia tay ngoài khơi để quay tàu vào bờ, thằng Hiệp nhà ông là thuyền trưởng, rất phấn khởi vì chuyến đi được nhiều tôm cá. Thằng Vang (Vũ Văn Vang, sinh năm 1991) còn dặn với theo là ít hôm nữa nhờ chú Hạ đi nói chuyện người lớn để cháu cưới vợ. Vậy mà chẳng đứa nào về.

Cạnh nhà ông Hạ là căn nhà xập xệ của ông Vũ Quang Trung (61 tuổi). Tứ đại đồng đường cùng sống trong một ngôi nhà nhưng thế hệ nào cũng khuyết người do biển khơi lấy mạng. Người mới nhất là con trai ông Trung, Vũ Văn Biên, chết trên chuyến tàu Bùi Hoàng Hiệp. Gia cảnh xem chừng không thể khốn khó hơn được nữa.

13-50-30_ql3
Vợ chồng ông Vũ Quang Trung

Bà vợ vừa bị bệnh viện trả về do mắc bệnh ung thư, đứa con dâu không nghề nghiệp, nuôi con nhỏ, ông nội Biên 83 tuổi, ăn rồi bảo chưa. Mọi gánh nặng gia đình phụ thuộc vào những chuyến đi biển của người đàn ông đã bước qua tuổi 60.

Ông Trung ôm đứa cháu nội vào lòng. Đứa bé gái gần một tuổi có cái tên rất đẹp: Vũ Thị Long Hải. Ông Trung giải thích rằng cái tên ấy là do thằng Biên đặt. “Tháng 7 năm ngoái nó bị chìm tàu một lần, may mắn được các anh ở đội cứu hộ tàu Long Hải cứu vớt, về đến nhà cũng là lúc vợ sinh nên lấy tên con tàu đặt luôn cho con gái. Ai ngờ được vài tháng sau lại gặp nạn. Lần này nó không về nữa”. Xót xa quá, nghiệt ngã quá.

Tay không đi biển

Người đi cùng tôi dọc dải biển Quỳnh Lưu là anh Nguyễn Văn Dũng, một tay thợ sửa chữa dụng cụ hành nghề bám biển. Dũng nói với tôi: Nếu ngư dân có đủ áo phao, có đủ thiết bị như ra đa hay chiếc camera thì chẳng đến mức bỏ mạng nhiều như thế. Rất khó tin, nhưng đó lại là sự thật.

Hai chúng tôi lần lượt đi tìm những người đàn ông may mắn trở về sau khi gặp nạn trên biển. Có người bỏ làng đi rồi, có người sang Trung Quốc làm thuê, có người ở lại làng nhưng chuyển sang làm việc khác... Nhắc đến biển tất cả đều ám ảnh, sợ hãi, rúm ró. Nhưng tôi tin chắc rằng những người đàn ông này sẽ sớm phải quay lại với nghề đi biển. Giống như một lời nguyền, đã bám biển rồi khó mà làm được nghề nào khác.

Đa phần những người thoát nạn từ biển trở về đều cố gắng tìm cho mình một công việc khác, nhưng xưa nay dọc bãi biển Quỳnh Lưu chưa có ai thành công cả. Trước khi chia tay, Hồ Vĩnh Lai khẳng định với tôi: Sắp tới tui lại đi biển thôi. Nguy hiểm nhưng còn có thu nhập. Ở nhà có giữ được mạng thì cũng chết vì nợ nần mất.

Khi tôi đến nhà, Hồ Vĩnh Lai (36 tuổi, thôn Hồng Phong, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu), một người trở về từ biển hết sức thần kỳ thì anh đang ở ngoài đồng tôm. Sau khi thoát chết một cách lạ lùng, Lai thề bỏ nghề đi biển, vay mượn ngân hàng đầu tư nuôi tôm.

Trong xập xệ, Hồ Vĩnh Lai kể về hành trình trở về từ biển cả. Tình tiết, số phận giống như một bộ phim hành động pha nhiều chi tiết rùng rợn, bi kịch.

Hồ Vĩnh Lai là một trong hai ngư dân sống sót trong vụ chìm tàu cá vào tháng 11 năm ngoái. Người còn lại là Vũ Văn Hà (31 tuổi ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bỏ làng đi Trung Quốc làm thuê. Vụ tai nạn khiến 8 người trên tàu cá Na 90249 bỏ mạng.

“Khi chúng tôi đang đánh cá ở khu vực cách đất liền chừng 80 hải lý thì trời đổ mưa phùn, gió giật rất mạnh. Cột lưới trên nóc tàu bất ngờ bị gió đánh gãy khiến tàu bị nghiêng rồi bắt đầu chìm.

Lúc này, trên tàu chỉ hai chiếc áo phao mà tôi với Hà đã mặc vào từ trước cho đỡ lạnh. Những người còn lại vớ được tấm xốp rộng chừng 2,5m để bấu vào, trôi lênh đênh trên biển.

13-50-30_ql4
Hồ Vĩnh Lai

Gió rát, sóng dữ nên được tầm 4 tiếng đồng hồ thì đuối sức. Người đầu tiên không chịu nổi là Nguyễn Văn Khiêm mới có 17 tuổi. Nó không nói được nữa, chỉ ra dấu chào anh em ruồi buông tay. Một lúc sau em trai tôi là Hồ Vĩnh Thế (32 tuổi) cũng lịm dần rồi chìm. Lần lượt, lần lượt từng người một. Chúng tôi nghĩ ra cách bẻ xốp nhai cho đỡ đói, đỡ lạnh nhưng cũng không trụ được lâu.

Nguyễn Văn Trí (32 tuổi), thuyền trưởng, trú tại thôn Tân An, xã An Hòa, là người tiếp theo. Trước khi buông tay Trí có dặn em trai là Nguyễn Văn Huỳnh (24 tuổi), nếu còn sống thì thay anh chăm sóc mẹ. Nhưng Trí chìm một lúc thì Huỳnh cũng chìm theo. Ba ngày đêm nổi trôi trên biển chúng tôi được một chiếc tàu của ngư dân Quảng Bình phát hiện và cứu sống”.

Lai kể rành rọt như thế rồi ngửa mặt lên trời than: Giá như có đủ áo phao thì em tôi, bạn tôi, tất cả những người trên tàu sẽ không chết.

Giá như? Không thể nào quay ngược được thời gian để “giá như”. Tôi và anh Dũng lại lang thang ra Lạch Quèn, nơi tập trung của các tàu cá. Dù những năm gần đây ngư dân Quỳnh Lưu đầu tư tiền của đóng tàu thuyền công suất lớn, nhưng con số đó vẫn chưa nhiều.

Họ không có đủ tiền để sắm những thiết bị cần thiết cho một chuyến xa khơi. Mạng người đi biển mong manh, chênh chao quá. Đêm trên cảng cá Lạch Quèn, tiếng ru con ời ời của những người đàn bà có chồng đi biển: Lấy chồng nghề ruộng em theo/Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm