Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc xử lý tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 31/12.
Vụ phá rừng ở tiểu khu 301, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng do cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước quản lý |
Vừa qua, một số báo, đài liên tục phản ánh, đưa tin về các vụ phá rừng xảy ra ở Lâm Đồng; những cánh rừng bị triệt phá không chỉ do các cá nhân hay vài hộ gia đình, mà có cả những DN trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng tham gia.
Năm 2017, lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng và các đơn vị chức năng phát hiện, lập biên bản 1.035 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, diện tích rừng bị lâm tặc ra tay “làm thịt” là 89,6 ha, lâm sản thiệt hại 3.777,4 m3. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý 942 vụ (xử phạt hành chính 908 vụ, xử lý hình sự 34 vụ). Những trọng điểm phá rừng phải kể đến là huyện Đam Rông 24 vụ, huyện Di Linh 50 vụ, huyện Bảo Lâm 81 vụ…
Còn 8 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 595 vụ phá rừng, diện tích rừng bị lâm tặc tàn phá là 43,4ha, lâm sản bị thiệt hại là 576,4m3.
Tổng số vụ phá rừng đến nay đã xử lý là 492 vụ (xử phạt hành chính 465 vụ, xử lý hình sự 27 vụ). Theo cơ quan chức năng, số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá đều giảm so với cùng kỳ. Thế nhưng, trên thực tế tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, lâm tặc vẫn lộng hành.
Vừa qua, ngày 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt phải ban hành văn bản “hỏa tốc” yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh; các huyện, TP cùng các chủ rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp.