| Hotline: 0983.970.780

Ồ ạt "móc ruột" tài nguyên ở Đông Nam Bộ

Thứ Hai 09/08/2010 , 13:47 (GMT+7)

Trong thời gian dài, phóng viên NNVN đã nằm vùng ở khu vực mỏ đá Hoá An và Tân Đông Hiệp để chứng kiến việc khai thác tài nguyên quốc gia đang diễn ra một cách vô tội vạ và dường như khó có thể kiểm soát.

Giữa trưa nắng, những tiếng nổ chát chúa tại mỏ đá ở xã Hoá An (Biên Hoà, Đồng Nai) và Tân Đông Hiệp (Dĩ An, Bình Dương) làm rung chuyển hàng trăm căn nhà thuộc khu vực lân cận. Khủng khiếp hơn, hàng ngàn chuyến xe ben chở đá chất ngọn lấp lu tung hoành đã khiến nhiều tuyến đường khu vực này xuống cấp nghiêm trọng, bụi bay mịt mù, ô nhiễm môi trường khủng khiếp.

Cận cảnh nơi tài nguyên bị xẻ thịt

Mỏ đá Hoá An đang được khai thác hết công suất
Trong thời gian dài, phóng viên NNVN đã nằm vùng ở khu vực mỏ đá Hoá An và Tân Đông Hiệp để chứng kiến việc khai thác tài nguyên quốc gia đang diễn ra một cách vô tội vạ và dường như khó có thể kiểm soát.

Khai thác kiểu nước rút

Trung tuần tháng 7, chúng tôi có mặt tại một số mỏ đá ở Bình Dương, Đồng Nai nhận thấy không khí khai thác đá diễn ra rất sôi động. Tại những mỏ đá này mỗi ngày có hàng chục chiếc máy xúc đá lên xe ben để vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi nhưng chủ yếu là khu vực Đông Nam bộ.

Tại mỏ đá Hoá An, nhiều héc-ta đất nông nghiệp của người dân ở khu vực Cầu Hang đã được Cty CP Hoá An (Cty Hóa An) thuê lại của nông dân để làm nơi chất đá. Theo điều tra của NNVN, có lẽ do biết được thông tin đến ngày 31/12/2010 này mỏ đá Hoá An sẽ bị đóng cửa nên việc khai thác đá những ngày này của Cty Hoá An (30% vốn nhà nước) đang diễn ra vô cùng khẩn trương. Tại mỏ đá này, các phương tiện khai thác hết công suất từ sáng sớm đến tối mịt. Ở khu vực nghiền đá mi (đá dăm) có hàng chục máy nghiền nhưng không được phun nước khiến cho nơi đây như một cái “lò khổng lồ” vô tư xả bụi ra khu dân cư.

Chính vì việc khai thác tài nguyên quốc gia kiểu nước rút khiến cho lượng đá khai thác được chất cao như núi sừng sững kéo dài. Nguy hiểm hơn, khi chúng tôi lên đỉnh những “ngọn” đá này nhìn xuống nhận thấy những nóc nhà dân nằm kế bên trở nên nhỏ bé. Bất giác chúng tôi trộm nghĩ, nếu những khối đá khổng lồ này bị sụp thì chắc chắn nhiều người dân ở khu vực lân cận khó bảo toàn được tính mạng. Mặc dù vậy, việc chất đá vẫn được thực hiện mỗi lúc một cao hơn.

Theo tìm hiểu của NNVN, mỏ đá Hoá An được đánh giá có quy mô cực lớn với trữ lượng lên tới trên 4 triệu m3, đá với diện tích khoảng 20ha. Mỏ đá này đã khai thác từ những năm 1990 và đến nay đã được UBND tỉnh Đồng Nai nhiều lần gia hạn cho phép Cty Hoá An được khai thác. Lần gia hạn mới nhất là ngày 22/10/2009, UBND Đồng Nai đã ký Quyết định 3083/QĐ-UBND cho phép Cty Hoá An được phép khai thác đến hết ngày 31/12/2010. Điều đáng chú ý, theo quy định việc khai thác đá chỉ cho phép ở độ sâu tôi đa là 70 mét (kể từ mặt hầm), thế nhưng từ trên miệng hầm nhìn xuống chúng tôi ghi nhận độ sâu hun hút, những chiếc máy xúc, xe ben vốn dĩ lớn là vậy nhưng cũng trở nên bé nhỏ như bao diêm. Nhiều người dân cho biết, việc khai thác đá hiện phải sâu hàng trăm mét…Chính vì thế, khu vực khai thác biến thành một hố sâu hoắm khổng lồ. Đáng lưu ý, mỏ đá nằm ngay khu dân cư nhưng toàn bộ khu vực này không hề có rào chắn để mọi người biết nhất là trẻ em…

Xe ben chở đá quá tải từ mỏ đá đi ra
Ngay kế đó là mỏ đá Hoá An 1 (xã Hoá An, TP. Biên Hoà) do Cty TNHH một thành viên Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (viết tắt là Cty BBCC) khai thác, dù trong giấy phép được UBND Đồng Nai gia hạn bằng Quyết định 706/QĐ-UBND chỉ được khai thác đá từ ngày 22/3/2007 đến hết tháng 11/2009, thế nhưng hiện nay mỏ đá này vẫn đang được Cty BBCC khai thác rầm rộ. Liên tục thời gian qua mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe chở đá từ mỏ đá đi ra. Ngày 5/8/2010 chúng tôi tìm đến Cty BBCC để làm rõ vấn đề này nhưng được cán bộ Cty này cho biết ban giám đốc Cty bận đi họp.

Trái lệnh Chính phủ

Chúng tôi đến mỏ đá Tân Đông Hiệp (xã Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương). Theo ghi nhận của NNVN việc khai thác mỏ đá này còn rầm rộ hơn nhiều so với mỏ đá Hoá An và Hoá An 1. Tại khu vực khai thác mỗi ngày có đến cả ngàn chuyến xe chở đá các loại toả đi khắp nơi tiêu thụ. Ngay lối vào mỏ đá, tuyến đường QL 1K bằng bê tông nhựa chắc chắn mới được hoàn thành chưa lâu và người dân đang phải gồng mình đóng thuế nhưng đã bị những chuyến xe ben cày nát. Trong khu vực khai thác đá, hàng chục chiếc máy nghiền đá thủ công chạy rầm rầm hết công suất bất kể giờ giấc. Mặc dù theo quy định, việc nghiền đá phải được phun nước nhằm giảm thiểu gây ô nhiễm từ khói, bụi đá làm ảnh hưởng đến môi trường nhất là khu vực này lại đông dân cư.

Theo tài liệu điều tra của NNVN, chỉ riêng tỉnh Đồng Nai đến nay đã được UBND tỉnh này cấp phép khai thác tài nguyên tới…46 mỏ gồm đá và các loại nguyên liệu phục vụ xây dựng. Trong đó chỉ riêng địa bàn TP. Biên Hoà có tới 15 mỏ đang được khai thác rầm rộ khiến thành phố này chẳng khác nào là “đại công trường” xây dựng. Vấn đề đặt ra là việc khai thác tài nguyên quốc gia đang diễn ra rất rầm rộ tuy nhiên việc thanh tra kiểm tra chỉ được thực hiện mỗi năm…1 lần và doanh nghiệp được thông báo trước khi thanh tra. Chính vì thế xung quanh những khu vực khai thác mỏ đều bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  
Thế nhưng bất chấp quy định, ống kính của NNVN ghi nhận toàn bộ những máy nghiền đá tại đây trong quá trình hoạt động đều không thực hiện phun nước. Việc này khiến cho hàng ngàn người ở khu vực Hoá An và Tân Đông Hiệp phải sinh sống trong môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đáng nói, nhiều công nhân trực tiếp sản xuất còn không mang khẩu trang cũng như bảo hộ lao động.

Theo Quyết định số 77 của Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2010 các mỏ đá Hóa An, Tân Vạn và Tân Hạnh ngừng khai thác để cải tạo thành khu công viên cây xanh, kết hợp với hồ nước phục vụ giải trí, du lịch của người dân TP. Biên Hòa. Thế nhưng, không hiểu sao UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định gia hạn thời gian khai thác cho các Cty, cụ thế, đối với các mỏ: Tân Hạnh, Tân Vạn, Tân Bản và Hóa An kéo dài đến 31/12/2010. Riêng, 3 mỏ đá Hoá An 1, Bình Hoá 1A, được phép khai thác đến hết 31/11/2009 và 31/8 (mỏ Tân Hạnh 1A) nhưng đến thời điểm (8/8/2010) này, các mỏ này vẫn đang hoạt động bình chân như vại và chưa có động thái nào cho thấy việc ngưng khai thác đá khiến người dân vô cùng bức xúc vì hàng ngày họ phải sống trong bầu không khí đầy bụi đá.

Nguồn tin của NNVN từ Sở TN - MT Đồng Nai cho biết, một nguyên nhân dẫn đến khai thác đá rầm rộ ở Hoá An là do cuối năm nay Đồng Nai có 10 mỏ đá buộc phải đóng cửa, không cho khai thác. Tuy nhiên những DN đang khai thác vẫn được xay nghiền đá từ lượng đá đã khai thác chính vì thế các DN đang đua nhau nổ mìn để khai thác đá dự trữ để sau khi đóng cửa hầm vẫn có nguyên liệu để xay nghiền buôn bán…(Còn nữa)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm