| Hotline: 0983.970.780

Tỷ phú ngao& những thất bại cay đắng

Thứ Tư 18/08/2010 , 10:30 (GMT+7)

"Chính sự thất bại ấy đã giúp tôi đúc rút được thêm nhiều bài học xương máu trong quá trình làm ăn. Tôi nghiệm ra một điều, kỹ thuật là then chốt cho sự thành công", tỷ phú ngao Nguyễn Văn Việt nói.

Tỷ phú Nguyễn Văn Việt trao đổi kỹ thuật nuôi ngao

"Chính sự thất bại ấy đã giúp tôi đúc rút được thêm nhiều bài học xương máu trong quá trình làm ăn. Tôi nghiệm ra một điều, kỹ thuật là then chốt cho sự thành công", tỷ phú ngao Nguyễn Văn Việt nói. 

>> Người dựng nên ''tập đoàn trang trại''
>> Gã gàn Vũ Cao Thăng

Thất bại chồng thất bại

Trong cái nắng gắt nơi vùng quê biển mặn chát, chúng tôi đi tìm tỷ phú ngao Nguyễn Văn Việt ở Mai Phụ (Lộc Hà, Hà Tĩnh), người vinh dự được báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua yêu nước ngành nông nghiệp tới đây tại Hà Nội.

Đối diện với chúng tôi là người thương binh, bằng nghị lực của người lính Cụ Hồ, anh đã vượt qua mọi gian nan thử thách, làm nên kỳ tích là biến đầm lầy, nước mặn bên chân sóng thành mô hình nuôi ngao với doanh thu mỗi năm nhiều tỷ đồng. Bên bát nước chè xanh với rì rào sóng biển, anh Việt kể cho chúng tôi nghe về một thời lận đận, gian lao đến bao phen lụi bại để có được ngày hôm nay.

Rít một hơi thuốc lào, thư thả nhả khói về phía biển, đăm chiêu vài phút, khà một hơi dài, anh bắt đầu kể về đời mình. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Việt không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa, bố mất sớm khi anh mới 7 tuổi nên học chưa hết lớp 5 anh phải gác bút, đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp mẹ, nuôi các em ăn học. Năm 1977, anh lên đường cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Năm 1981, xuất ngũ trở về quê hương, mặc dù mang trên mình vết thương chiến tranh, thấy quê hương nghèo khó, anh đã bôn ba khắp mọi nẻo ngược xuôi, từ Bắc vô Nam, từ rừng xuống biển để tìm tòi học hỏi kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế, sau đó anh đã quyết định chọn nghề nuôi trồng thủy hải sản để lập thân, lập nghiệp.

Chúng tôi rảo bước bên chân sóng, phía dưới mặt nước là lớp lớp ngao đang nằm chờ thu hoạch. Vừa đi thăm đầm ngao, anh Việt vừa cho hay, năm 1998 thông qua bạn bè, anh tìm vào Thuận An, Thừa Thiên - Huế xin làm thuê để học hỏi kinh nghiệm từ một chủ trang trại nuôi ốc hương lớn. Qua gần 2 tháng trở về quê, anh táo bạo vay mượn đầu tư 145 triệu đồng, mua 16 kg ốc hương về nuôi thử nghiệm trên diện tích 63 mét vuông. Thời gian đầu thấy ốc phát triển đều, lớn nhanh như thổi, những tưởng trúng to, ai ngờ ông trời cho thấy mà không cho ăn, đến gần ngày thu hoạch, gặp phải một trận lũ, tỷ lệ nước ngọt cao quá khiến ốc hương chết hết. Trận lũ quái ác ấy đã cướp đi của anh trên 200 triệu đồng khiến gia đình điêu đứng.

Thất bại chồng thất bại, đêm đêm Việt vắt tay lên trán để nghĩ cách làm ăn, trả nợ. Câu hỏi đặt ra luôn thôi thúc anh, cuối cùng phải đánh liều một phen, đó là làm nghề thu mua thủy hải sản tươi sống xuất sang Trung Quốc thông qua một bạn hàng tin cậy ở Móng Cái. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, anh đành phải từ bỏ nghề lái buôn bởi biển khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt, giá cả mua vào thì cao mà bán ra lại rẻ, tính đi tính lại chẳng lời lãi được là bao nên anh đành bỏ cuộc.

Chúng tôi cùng Việt ngồi xòa trên bãi cát ngắm nghía đầm ngao, mắt xa xăm nhìn ra phía biển, tư lự hồi lâu, anh kể tiếp: Thất bại là nền tảng của sự thành công. Nghĩ thế nên mỗi lần thất bại tôi lại lấy châm ngôn ấy làm nguồn động viên để tiếp tục vượt qua thử thách. Rồi tôi quyết định chuyển sang nghề nuôi ngao. Năm 2000, vay ngân hàng và bạn bè được 250 triệu đồng, khai hoang được 3 ha vùng đất nước mặn, vào cuộc nuôi giống ngao địa phương. Những tưởng nghề nuôi ngao sẽ đổi đời, nào ngờ cũng sau một thời gian, sắp đến kỳ thu hoạch thì bỗng dưng ngao chết dần chết mòn. Qua tìm hiểu cũng như kinh nghiệm tôi nhận thấy ngao địa phương sức đề kháng kém, cộng với thời tiết ở Hà Tĩnh khắc nghiệt, mùa nắng nóng nhiệt độ cao, mùa mưa rét kéo dài triền miên, ngoài tác động của thời tiết, kiến thức, kỹ thuật còn yếu kém nên thất bại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thất  bại nhưng không nản chí, tôi vẫn quyết tâm theo nghiệp nuôi ngao và đã có được thành công ngoài mong đợi.

Kỹ thuật là cánh cửa thành công

Tuyển lựa ngao xuất khẩu
Sau bao lần trắng tay từ nghề nuôi ốc hương đến nghề lái buôn, nghề nuôi ngao địa phương, anh Việt rút ra được một triết lý: thất bại, vất vả, nhọc nhằn, gian khổ nhưng nếu vững tin ắt sẽ thành công.

Vợ anh Việt, một phụ nữ đảm đang, đôn hậu luôn hậu thuẫn, động viên những lúc chồng thất bại. Bên nồi ngao luộc thết đãi đoàn chúng tôi, chị Phạm Thị Hồng vui vẻ nói: "Có được ngày hôm nay, chúng tôi đã trải qua bao lần thất bại thảm hại, nợ đầm nợ đìa ra đấy. Nhận thấy giống ngao địa phương dễ mắc bệnh, hiệu quả kinh tế thấp, chúng tôi quyết đi tìm cho bằng được giống ngao khác để nuôi trồng".

Qua tìm hiểu, anh Việt đã bay thẳng vào tận Bến Tre đi làm thuê cho các chủ đầm ngao nhằm tiếp cận để học hỏi và thậm chí cả "ăn cắp" kinh nghiệm. Sau gần năm trời làm mướn, anh đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu nhất về nuôi ngao Bến Tre. Trước lúc trở về quê, anh gom những đồng tiền tích cóp được trong quá trình làm thuê để mua 10 kg ngao giống về thả nuôi trên diện tích 5 ha với mật độ nuôi 200 con/m2. Sau một năm chăm sóc đến ngày thu hoạch, trừ các khoản chi phí, gia đình anh Việt còn lãi được 50 triệu đồng.

Thành công bước đầu ấy là nguồn động viên to lớn để Việt mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích nuôi ngao ra 17 ha. Trong đó diện tích nuôi ngao thịt 10 ha, 5 ha được được sử dụng ươm ngao giống. Gian nan lại thử lòng anh thêm một lần nữa bởi năm 2007, sắp đến mùa thu hoạch, toàn bộ diện tích ngao bỗng dưng chết đồng loạt mà không hay biết lý do. Hơn 3 tỷ đồng đầu tư trôi ra biển, thất bại lần này làm anh như chết đứng.

Trên diện tích 10 ha nuôi ngao thương phẩm, bình quân mỗi năm sản lượng ngao đạt từ 200-300 tấn, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng, trừ mọi chi phí gia đình anh còn lãi ròng trên 1 tỷ đồng; giải quyết công ăn việc làm cho trên 50 lao động địa phương có thu nhập ổn định từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm ngao của anh không những được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn được bạn hàng lựa chọn làm sản phẩm xuất khẩu ra nước bạn như Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…
Sau nhiều lần thất bại như vậy, đã bao giờ anh nghĩ đến chuyện bỏ cuộc? - tôi bất chợt hỏi. Việt miên man nhìn về phía mặt biển đang âm thầm vỗ sóng: "Chính sự thất bại ấy đã giúp tôi đúc rút được thêm nhiều bài học xương máu trong quá trình làm ăn. Tôi nghiệm ra một điều, kỹ thuật là then chốt cho sự thành công để từ đó tôi lựa chọn ngao giống cẩn thận hơn, thả nuôi theo đúng mật độ, chọn thời tiết phù hợp để thả giống, chăm sóc đúng quy trình... nên đến bây giờ, có thể nói tôi đã “hiểu” ngao hơn cả các chuyên gia về loài nhuyễn thể này. Chính vì vậy, nói không ngoa, mấy năm nay tôi nuôi vụ nào là chắc bắp vụ đó. Cứ mỗi năm kiếm khoảng 1 tỷ đồng bỏ túi là điều dễ như bỡn".

Từ mô hình của mình, anh Việt cũng đã giúp đỡ vốn và kỹ thuật cho 71 hộ dân trong xã Mai Phụ phát triển nghề nuôi ngao Bến Tre. Nhiều người dân Mai Phụ cũng từ đó mà giàu có, điển hình như hộ anh Hùng, anh Thiết, anh Thành… Anh Việt là người biết trước biết sau, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, con giống và cả vốn liếng để giúp đỡ những người có nhu cầu nuôi ngao nên rất được bà con quý mến.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân cho hay: “Ngành thủy sản chúng tôi rất bất ngờ với mô hình nuôi ngao của Việt, bởi anh Việt không phải là nhà kỹ thuật hay một người có trình độ trung cấp, đại học mà chỉ là một con người xuất thân từ hai bàn tay trắng, từ con số 0; nhưng với nghị lực của một thương binh - người lính Cụ Hồ, anh đã vượt qua bao thất bại để có được thành công rực rỡ như ngày hôm nay. Từ mô hình gia đình anh Việt, nay Mai Phụ đã nhân rộng được gần 100 hộ nuôi ngao. Từ những gia đình nông dân nghèo khổ, nay cả làng trở thành giàu có, sung túc. Ngành thủy sản Hà Tĩnh rất tự hào khi có được những nhân tố điển hình như thương binh Nguyễn Văn Việt.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm