| Hotline: 0983.970.780

Báu vật vô giá

Thứ Hai 28/04/2014 , 06:55 (GMT+7)

Chiếc nồi được đồng đội gò bằng tay từ những mảnh bom tặng cho vợ chồng đại tá Phương được ông bà coi như báu vật vô giá. Bên phía bảo tàng năn nỉ mãi ông bà mới chịu tặng lại.

Chiến tranh đã lùi xa. Thời gian trôi qua, ký ức mờ dần, những nhân chứng, vật chứng về một thời hào hùng của đất nước đang ngày một ít đi. Với mong ước, thế hệ tương lai sẽ luôn khắc ghi về một thời oanh liệt của cha ông, một người lính, từ khi buông tay súng, vẫn đi tìm, gom nhặt và lưu giữ những kỷ vật của đồng đội.

Ông là đại tá Võ Tấn Phương, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh vệ 180 anh hùng, đơn vị bảo vệ Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết.

KÝ ỨC THỜI HOA LỬA

Trong cái nắng bỏng rát một ngày giữa tháng Tư, từ TP. HCM, theo QL13, vượt hơn 100 cây số, tôi tìm đến nhà đại tá Phương (ấp Sóc 5, xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), một ngôi nhà nhỏ nép mình dưới tán những cây sao mát rượi. Mặc dù, năm nay đã 80 tuổi, lại thêm căn bệnh tiểu đường, sức khỏe không được tốt lắm nhưng đại tá Phương còn rất minh mẫn, tinh thần lạc quan, “chất lính” Cụ Hồ năm xưa vẫn còn nguyên vẹn, hiện rõ trong cách nói chuyện hóm hỉnh của ông.

Giữa không gian tĩnh lặng ở vùng quê miền Đông, giọng kể trầm ấm của đại tá Phương hòa trong tiếng gió rì rào, đã tái hiện sinh động về một thời lịch sử đấu tranh hào hùng của ông và đồng đội ở căn cứ Miền Tà Thiết.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Ô Môn, Cần Thơ, 19 tuổi ông Phương theo cách mạng rồi tập kết ra Bắc. Đến năm 1964, sau gần 10 năm được đào tạo để trở thành chiến sĩ đặc công, bộ binh, công binh… ông quay trở về quê hương Cần Thơ với khát vọng được chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương.

07-23-29_nh-4
Ở căn cứ Tà Thiết, bà Thương ngồi đánh máy ban đêm bằng chiếc đèn dầu làm từ vỏ đạn này

Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh (Bình Phước) là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Sau khi suy xét mọi mặt, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định dời căn cứ từ Sóc Con Trăng (Tây Ninh) về trú đóng tại Tà Thiết (tiền thân là Sở Chỉ huy của Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972) ở xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Nơi đây trở thành căn cứ cuối cùng của Quân ủy Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam. Đồng thời là Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (Bộ Chỉ huy Miền).

Nhằm bảo vệ cho Bộ Chỉ huy Miền, ông Phương được điều từ Cần Thơ lên Tà Thiết để nhận nhiệm vụ mới là chỉ huy Tiểu đoàn Cảnh vệ 180, đây là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất, đa năng nhất của quân đội ta thời ấy. Tiểu đoàn 180 không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ mà còn kiêm nhiệm nhiệm vụ quan trọng khác. Cũng từ đây, ông cận kề bên các tướng lĩnh như Tư lệnh Trần Văn Trà, nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Hoàng Cầm..., di chuyển như con thoi khắp các vùng khu vực miền Đông, Tây Nguyên.

“Trong kháng chiến, căn cứ Tà Thiết là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử lớn. Đó là ngày 8/4/1975, tại hội trường căn cứ, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết 7 của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ Chỉ huy “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Và, cũng tại hội trường này, Bộ Chỉ huy Miền đã công bố bức điện 37 TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký, đồng ý cho đổi tên “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định” thành chiến dịch mang tên Bác - “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch”, ông Phương nhớ lại.

07-23-29_nh-5
Đại tá Phương và những kỷ vật ông trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Bình Phước

Tại căn cứ Tà Thiết, đại tá Phương đã tìm được “một nửa” của mình là bà Nguyễn Thị Thương, nhỏ hơn ông 14 tuổi. Bà Thương sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở TP. Hồ Chí Minh. 15 tuổi, bà theo ba làm giao liên ở nội thành Sài Gòn. Bị lộ, bà thoát ly lên chiến khu và làm văn thư đánh máy bảo mật cho Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết. Năm 1973, khi căn cứ đã hoàn thành, đơn vị đã tác thành cho họ nên đôi vợ chồng và gắn bó hạnh phúc đến nay với 4 người con đã trưởng thành.

Nói về cái duyên vợ chồng, bà Thương cười: “Chúng tôi lấy nhau là nhờ có cấp trên quan tâm mai mối, gán ghép cho, chứ trước ngày cưới, tôi có biết ông ấy mày ngang mũi dọc thế nào đâu?”.

07-23-29_nh-13
Và đây là bộ nồi được gò từ mảnh bom. Món quà của đồng đội tặng đôi vợ chồng trẻ Phương - Thương nhân ngày cưới năm 1973

KỶ VẬT THIÊNG LIÊNG

"Đại tá Võ Tấn Phương là người lưu giữ nhiều hiện vật về Tà Thiết nhất, trong đó ngoài kỷ vật của các chiến sĩ, còn có nhiều kỷ vật rất quý, ghi dấu ấn những nhân vật huyền thoại của đất nước như nữ tướng Nguyễn Thị Định, thượng tướng Trần Văn Trà… nhưng vì chú quá nặng tình với đồng đội, không nỡ rời xa những kỷ vật một thời gắn với lịch sử hào hùng của Tà Thiết nên nhiều lần chúng tôi liên lạc đều bị từ chối. Sau nhiều lần thuyết phục, đại tá Phương mới đồng ý chuyển phần lớn kỷ vật cho bảo tàng trưng bày", bà Trương Thị Thúy, Phó phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh Bình Phước.

Có thể nói, đại tá Phương là người lưu giữ nhiều kỷ vật thời chiến nhất ở Bình Phước. Tháng 8/2013 vừa qua, ông đã chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh Bình Phước 116 kỷ vật chiến tranh gắn với Tà Thiết những năm 1972 - 1975. Đó là những hiện vật do đồng đội tặng, nhờ ông Phương cất giữ để sau chiến tranh dùng cho sinh hoạt hằng ngày bên cạnh dụng cụ phục vụ chiến đấu, cứu thương, văn phòng...

Trong đó, nhiều dụng cụ được ông chế lại để làm xe nôi, xe đẩy trẻ em. Cũng có những món do ông tự chế từ vỏ đạn, mảnh bom sau hòa bình như lược, ca uống nước, điếu cày, kẹp rút dép quai cao su...

Trong số những món đồ vợ chồng ông Phương tặng bảo tàng tỉnh, có một kỷ vật mà ông bà rất quý, đó là chiếc nồi được đồng đội gò bằng tay từ những mảnh bom để tặng vợ chồng bà nhân ngày cưới.

Bà Thương kể, đó là món quà cưới giá trị nhất mà ông bà có ngày cưới và được 2 ông bà gìn giữ như một báu vật vô giá: "Suốt từng ấy năm, cả 2 vợ chồng và 4 đứa con đều lớn lên cùng bộ nồi ấy. Từ nấu cơm, canh, đến nấu bột cho cho, nấu nước uống, tất cả đều bằng chiếc nồi ấy. Sau này, điều kiện kinh tế khá hơn, tụi nhỏ mua cho bộ nồi inox vừa sang vừa đẹp, nhưng chúng tôi vẫn thích nấu ăn bằng bộ nồi ấy”.

Sau nhiều lần lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Phước đến vừa thuyết phục vừa năn nỉ mãi, hứa sẽ gìn giữ thật tốt, ông bà mới quyết định tặng lại. “Tôi tiếc lắm, nhưng nghĩ lại thì thấy để bên bảo tàng tốt hơn, nhiều người biết hơn”, đại tá Phương nói.

Trong các hiện vật có mảnh khăn tang của tướng lĩnh, chiến sĩ Tà Thiết để tang Bác Hồ năm 1969. Bà Thương nhớ như in, lúc 21 giờ ngày 2/9/1969, Đài Giải phóng phát bản tin đặc biệt Bác Hồ lâm bệnh nặng. 6 giờ sáng hôm sau, cả đơn vị tập trung nghe tin Bác Hồ mất.

Thiếu tướng Hoàng Cầm chỉ đạo Phòng Chính trị lấy băng rôn đỏ cắt thành những mảnh viền đen làm khăn tang cho tất cả cán bộ, chiến sĩ ở 16 phòng, ban Bộ Chỉ huy Miền. Khăn tang Bác được các đồng chí giữ gìn cẩn trọng.

Hiện nay, tại gia đình, đại tá Phương chỉ còn giữ lại vài kỷ vật làm kỷ niệm như “khẩu pháo đựng rượu”. Đó là chiếc vỏ đạn cối 81 được ông chế thành chiếc ống đựng rượu, có 2 chân chống, nhìn như khẩu pháo đang vươn nòng lên trời. Bên trong có một vỏ chai thủy tinh.

07-23-29_nh-3
Ly rượu được làm từ đuôi đạn 72 ly

Do được thiết kế một sợi dây lò xo, nên mỗi khi muốn uống, chỉ cần nhấn nút là miệng chai nhô ra ngoài. Đi kèm với khẩu pháo (chai rượu) này là một chiếc ly gắn vào đuôi viên đạn 72 ly. Ngoài ra, còn có bình hoa, chiếc đèn dầu, kẹp rút dép cao su… tất cả đều được làm bằng tay, từ chất liệu là mảnh vỏ bom, đạn.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất