Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An mới được “nâng cấp” lên Trường ĐH Y khoa Vinh cách đây 6 năm. Trước thời điểm ông Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng về hưu, tỉnh đã chọn 5 người làm "ứng viên" cho chức danh hiệu trưởng.
Thế nhưng khi Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An xin ý kiến Bộ GD-ĐT thì đã có 3 ứng viên bị loại, chỉ còn lại 2 PGS.TS đương chức Phó Hiệu trưởng là ông Cao Trường Sinh và ông Nguyễn Cảnh Phú được giới thiệu đưa ra thăm dò chuẩn bị bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Cảnh Phú cao hơn PGS.TS Cao Trường Sinh 3 phiếu (trong đó có 1 phiếu không hợp lệ).
Tuy nhiên, sau kết quả bỏ phiếu thăm dò nói trên, lại có một số thông tin cho rằng vấn đề bằng cấp và kinh nghiệm quản lý của PGS.TS Nguyễn Cảnh Phú đang có vấn đề cần phải làm rõ.
Chúng tôi đã tiếp cận hồ sơ và làm việc với một số cơ quan chức năng để xác minh. Theo đó, chuyện ông Nguyễn Cảnh Phú đi làm nghiên cứu sinh vào cuối năm 2001 đến tháng 7/2003 mới kết thúc là có thật. Nhưng điều khiến nhiều người đặt dấu hỏi chính là là việc vì sao ông Phú đã được cấp bằng tiến sỹ vào tháng 4/2003 (?).
Năm 1986, ông Nguyễn Cảnh Phú vào học tại Học viện Y khoa quốc gia Tashkent (thuộc Liên Xô cũ) chuyên ngành Bác sĩ đa khoa. Cuối năm 2001, ông Phú làm thực tập sinh tại Nga, đến tháng 4/2003, ông được cấp bằng Tiến sỹ Y học. Ông Phú từng giữ chức vụ PGĐ Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An. Năm 2005, được bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An (nay là Trường ĐH Y khoa Vinh) cho đến nay. |
Theo khảo sát của chúng tôi, thời gian đào tạo tiến sỹ tại Nga đối với người đã có trình độ ngoại ngữ (tiếng Nga) đều phải đào tạo 3 năm. Ở Việt Nam, thời gian đào tạo tiến sĩ hệ tập trung là 4 năm đối với người có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi và từ 2 đến 3 năm đối với người có bằng thạc sỹ. Bởi thế, việc ông Phú tham gia chương trình đào tạo tiến sỹ chỉ hơn một năm rưỡi là lý do khiến dư luận thêm nghi ngờ?
Một câu hỏi được đặt ra là ông Nguyễn Cảnh Phú có thực sự là người tham gia đào tạo tiến sỹ hay không? Luận án tiến sỹ của ông hiện còn được lưu giữ tại Nga hay không?
Điểm thứ hai, khiến nội bộ ngành y tại Nghệ An đặt ra chính là lý do khiến cả 3 ứng viên trước đó bị loại khỏi danh sách quy hoạch để bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh là do chưa kinh qua quá trình quản lý cấp khoa phòng trong đào tạo đại học.
Điều này, theo họ, bản thân ông Nguyễn Cảnh Phú cũng trong tình trạng như vậy, nghĩa là chưa từng làm nhiệm vụ đó bao giờ, nhưng không hiểu vì sao lại được bỏ qua?
Theo Điều 20, Luật Giáo dục hiện hành: Người được bổ nhiệm Hiệu trưởng các trường đại học phải “Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm".
Điều thứ ba đang được nhiều người đặt ta và yêu cầu làm rõ là: Tại cuộc bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm chức danh Hiệu trưởng, mặc dù có đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy khối cơ quan dân chính đảng và Sở Nội vụ Nghệ An, thế nhưng việc bỏ phiếu thăm dò lại do ông Nguyễn Trọng Tài đứng ra chủ trì (ông Tài chỉ còn 2 ngày nữa rời chức Hiệu trưởng về nghỉ hưu).
Ngay phiếu thăm dò tín nhiệm cũng do Trường ĐH Y khoa Vinh làm và đóng dấu. Việc kiểm phiếu cũng không được làm tại chỗ? Đối chiếu với quy chế bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi chức vụ... tại Quyết định 4358-QĐ/TU, ngày 30/7/2013, của Tỉnh ủy Nghệ An thì các vấn đề trên đều bị vi phạm.
Theo Luật Giáo dục, Hiệu trưởng phải đảm bảo đủ các yêu cầu của Điều 20. Với mô hình Trường ĐH Y khoa Vinh (vừa học, vừa thực hành) nên càng đòi hỏi người đứng đầu phải có kinh nghiệm thực tiễn, khả năng đào tạo về quản lý đào tạo đại học và y học lâm sàng. Đây chính là điều Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An cần phải cân nhắc thêm khi ra quyết định bổ nhiệm. |