| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở bờ sông uy hiếp cuộc sống người dân

Thứ Hai 18/11/2024 , 07:58 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Sau lũ lớn, sông Kiến Giang chảy qua xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy đang xảy ra tình trạng bị sạt lở nghiêm trọng.

Sạt lở đã làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân thôn Long Đại. Ảnh: T. P.

Sạt lở đã làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân thôn Long Đại. Ảnh: T. P.

Trong đợt mưa lũ lớn xảy ra cuối tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Tại xã Trường Thủy, lũ quét làm ngập sâu vượt mái nhà dân. Nước xiết đã gây nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trong khu dân cư cũng như trên tuyến giao thông kết nối.

Theo ông Trần Công Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thủy, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng sạt lở bờ sông Kiến Giang đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đe dọa đến cuộc sống của hàng chục hộ dân.

“Hiện tượng sạt lở mới xảy ra trong vài ba năm trở lại đây. Trước đây đoạn sông này cũng hẹp và không sâu lắm. Có những đoạn như thác Địch, thác Tre, thác Cóc… vào mùa hè vẫn có thể lội bộ qua sông được. Nhưng bây giờ thì lòng sông đã sâu lắm. Vì lòng sông sâu nên hai bên bờ bị sạt lở đã thành bờ dựng đứng cao", ông Sáu cho hay.

Hàng tre và cây trồng lâu năm cũng đã bị sạt xuống lòng sông. Ảnh: T. P.

Hàng tre và cây trồng lâu năm cũng đã bị sạt xuống lòng sông. Ảnh: T. P.

Thôn Long Đại (xã Trường Thủy), dân cư sinh sống và canh tác bên phía hữu sông Kiến Giang. Ông Lê Xuân Gọn, Trưởng thôn Long Đại cho biết, tình trạng sạt lở đất hoa màu dọc sông Kiến Giang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của khoảng 70 hộ dân với diện tích gần 8ha.

“Không chỉ mất đất canh tác, mà nhà nhiều hộ dân chỉ cách bờ sạt lở khoảng chục mét nên lo lắng sau này sạt lở sẽ ăn sâu hơn. Nếu năm sau có lũ như năm nay thì sạt lở sẽ ăn hết nhà dân thôi”- ông Gọn lo âu nói.

Bờ sông bị sạt lở đã thành tường dựng đứng cao từ 4 - 5m. Ảnh: T. P.

Bờ sông bị sạt lở đã thành tường dựng đứng cao từ 4 - 5m. Ảnh: T. P.

Chúng tôi cùng ông Trần Công Sáu xuống đò đi dọc bờ sông. Cả chiều dài hơn 5km trên địa phận thôn Long Đại đều bị sạt lở. Có những điểm sạt lở ăn sâu vào bờ khoảng 20m. Bờ sông hiện dựng đứng như tường thành cao từ 4 - 5m.

“Ngày trước, bên bờ sông có những dãy tre trồng để chắn và nhiều cây cổ thụ, cây lâm nghiệp. Bây giờ tất cả đều nằm dưới đáy sông rồi”, ông Sáu nói thêm.

Cũng theo nhiều người dân, cách đây mấy năm, cơ quan chức năng Quảng Bình cấp phép khai thác cát trên đoạn sông này. Từ đó, cả đêm ngày đều có nhiều tàu, xà lan vục gàu xuống lòng sông để nạo hút lấy cát.

Khi lòng sông bị khoét sâu thì vào mùa mưa lũ, nước xiết đã khoét vào bờ và gây nên hiện tượng sạt lở kéo dài hết đoạn sông được cấp phép khai thác. Chính quyền và người dân đã nhiều lần kiến nghị tạm dừng việc khai thác khoáng sản này, nhưng vẫn chưa được chính quyền quan tâm.

Sạt lở cũng đã xảy ra phía tả bờ sông Kiến Giang, nơi phương tiện khai thác cát, sạn đang neo đậu. Ảnh: T. P.

Sạt lở cũng đã xảy ra phía tả bờ sông Kiến Giang, nơi phương tiện khai thác cát, sạn đang neo đậu. Ảnh: T. P.

Khi chúng tôi đi quan sát việc sạt lở trên sông Kiến Giang thì vẫn còn 2 tàu, xà lan đang neo đậu để chuẩn bị cho việc khai thác. Đoạn sông tại nơi hai phương tiện neo đậu do bờ bị sạt lở nghiêm trọng nên đã phình to ra như một cái hồ lớn chứ không còn hình thù dòng sông như trước đây.

Tại khúc sông có phương tiện khai thác cát, sạn đang neo đậu, bờ sông phía địa phận xã Mai Thủy (huyện Lệ Thủy), cũng đã bị sạt lở kéo dài hàng chục mét. 

Ông Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy: “Người dân Trường Thủy chúng tôi cũng mong muốn cấp trên hạn chế việc cấp mỏ khai thác vật liệu xây dưng trên sông Kiến Giang ở phía thượng nguồn. Đồng thời hỗ trợ địa phương có nguồn kinh phí để xây dựng kè chống xói lở ở những khu vực dân cư sinh sống đang bị ảnh hưởng”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.