| Hotline: 0983.970.780

Lãng phí dự án sản xuất và kiểm định giống thủy sản hàng chục tỷ đồng

Thứ Hai 11/11/2024 , 07:30 (GMT+7)

Quảng Nam Được đầu tư kinh phí gần 40 tỷ đồng nhưng những năm qua, Dự án hạ tầng khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam không mang lại hiệu quả.

Dự án hạ tầng khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam thu hút được 3 doanh nghiệp vào đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả. Ảnh: L.K.

Dự án hạ tầng khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam thu hút được 3 doanh nghiệp vào đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả. Ảnh: L.K.

Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Nam được Bộ NN-PTNT chuyển giao chủ đầu tư Dự án hạ tầng khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam tại xã Bình Nam (huyện Thăng Bình). Trên cơ sở đó UBND tỉnh này đã phê duyệt lại dự án, giao Sở NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư.

Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu sản xuất giống thủy sản tập trung, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đạt tiêu chuẩn về môi trường và các tiêu chuẩn hiện hành do nhà nước quy định. Quy mô xây dựng khoảng 200 trại sản xuất giống. Tổng công suất 2,5 - 3 tỷ con giống sạch bệnh, đạt chất lượng tốt/năm. Kết hợp với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh tạo thành điểm du lịch nghề nghiệp, tự nhiên, sinh thái liên hoàn.

Diện tích đất giải phóng mặt bằng gần 208.000m2; tổng diện tích xây dựng hơn 193.600m2. Trong đó diện tích đất xây dựng trại giống xấp xỉ 144.000m2; diện tích khuôn viên hàng rào trên 169.000m2; công trình kiến trúc hơn 234m2; công trình giao thông hơn 8.800m2; hạ tầng kỹ thuật (hộp kỹ thuật, bể chứa và xử lý nước thải) hơn 1.232m2…Tổng mức đầu tư dự án hơn 39 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Khu nhà hành chính 2 tầng nằm trong nằm trong khuôn viên sân vườn bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: L.K.

Khu nhà hành chính 2 tầng nằm trong nằm trong khuôn viên sân vườn bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh: L.K.

Tháng 7/2015, dự án hoàn thành các hạng mục: Khu nhà hành chính; cổng, hàng rào; hạ tầng kỹ thuật: san nền, taluy lát mái, đường nội bộ, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, sân vườn, bệ cá cảnh; trạm biến áp 560 KVA; đường dây trung thế; đường dây hạ thế; đường dây chiếu sáng. Sau đó, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam giao cho Chi cục trồng Thuỷ sản (nay là Chi cục Thủy sản) quản lý, sử dụng.

Qua ghi nhận thực tế, hiện nay, Dự án hạ tầng khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam chỉ có ngôi nhà hai tầng đang trong giai đoạn xuống cấp; Nền nhà nhiều chỗ bị bể nát hư hỏng, cửa chính, sửa sổ khu hành chính cũng bị hư hỏng….Được biết đây là khu nhà hành chính nằm trong khuôn viên sân vườn với diện tích 736,562m2. Mục đích của khu nhà hành chính để phục vụ bố trí bộ máy nhân sự quản lý, kiểm dịch con giống.

Tuy nhiên từ 2016, do quy định không còn thực hiện kiểm dịch giống thủy sản nội tỉnh, nên không có cán bộ thường xuyên tại khu sản xuất giống nên khu nhà hành chính không được sử dụng, khai thác. Bên cạnh đó, từ năm 2017, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam không được bố trí nguồn kinh phí thuê bảo vệ, duy tu, bảo trì nên qua các đợt mưa, bão khu nhà hành chính dần dần xuống cấp.

Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho hay, từ khi đưa dự án này vào sử dụng đến nay, các công ty: Công ty TNHH MTV thuỷ sản Long Thịnh Hưng, Công ty cổ phần Giống thuỷ sản Kim Hoàng, Công ty TNHH Đầu tư thuỷ sản công nghệ cao Nam Mỹ đề xuất cho phép nghiên cứu, thực hiện đầu tư và được UBND tỉnh chấp thuận.

Các hạng mục công trình xuống cấp. Ảnh: L.K.

Các hạng mục công trình xuống cấp. Ảnh: L.K.

Các doanh nghiệp này đã triển khai dự án đầu tư vào khu hạ tầng, với diện tích 129.355/143.972m2 đất quy hoạch cơ sở sản xuất giống. Khi đầu tư vào đây, những công ty này cũng được hưởng nhiều ưu đãi nhưng lại hoạt động không hiệu quả. Đến nay, Công ty Cổ phần giống thủy sản Kim Hoàng và Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ Quảng Nam vẫn chưa thực hiện nộp tiền thuê hạ tầng.

Riêng Công ty TNHH MTV thủy sản Long Thịnh Hưng, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định giao các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định, do dự án chậm tiến độ, công ty không đủ khả năng tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án như đã cam kết. Hiện nay, Sở TN-MT đang nghiên cứu, xem xét, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo quy định chức năng, Chi cục Thủy sản chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về giống thủy sản; không có nhu cầu tiếp tục sử dụng tài sản khu hạ tầng. Do đó, việc tiếp tục giao Chi cục Thủy sản quản lý, vận hành, khai thác Khu Hạ tầng hiện nay không hiệu quả.

“Để việc quản lý và sử dụng tài sản được đảm bảo, đúng mục đích và không gây ra lãng phí, Sở đề xuất phương án giao Khu hạ tầng cho huyện Thăng Bình bố trí lại cho xã Bình Nam, hoặc các đơn vị trên địa bàn huyện đang cần trụ sở làm việc... Đối với các công trình điện gồm 2 trạm biến áp 560 KVA, đường dây trung thế bàn giao cho Điện lực Thăng Bình quản lý, sử dụng”, ông Vũ kiến nghị.

Từ thực tế này, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất giao UBND huyện Thăng Bình tiếp nhận, quản lý, sử dụng đối với tài sản tại Dự án Hạ tầng Khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung. Riêng công trình điện, gồm 2 trạm biến áp 560 KVA, đường dây trung thế thống nhất chủ trương bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Nam tiếp nhận quản lý, sử dụng theo đúng trình tự thủ tục quy định…

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.