Dự án thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125 MW, xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) được khởi công vào năm 2008.
Đến 2013, công trình hoàn thành và đưa vào vận hành. Để thực hiện dự án này, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã tiến hành chi trả tiền đền bù đất đai, tài sản cho hàng trăm hộ dân.
Mặc dù vậy, đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, hiện vẫn còn 45 thửa đất với tổng diện tích 9,5ha của 21 hộ ở huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nằm trong lòng hồ thủy điện vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ. Trong quãng thời gian này, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh, làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết gây bức xúc trong nhân dân.
Gia đình ông Phan Thanh Phong (xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây) có hơn 1ha đất nằm trong diện thu hồi đất để thi công lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh. Từ ngày đất canh tác bị thu hồi đến nay, cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. “Các hộ dân khác cũng bị thu hồi đất nhưng đã nhận tiền đầy đủ, mua đất trồng cây, làm ăn, gia đình tôi vẫn phải chờ. Không biết khi nào mới nhận được bồi thường. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, đối thoại, các cấp, các ngành đều hứa là giải quyết, nhưng rồi đến giờ vẫn không thấy đâu”, ông Phong bộc bạch.
Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Tây, để thực hiền bồi thường cho người dân, trong quá trình xác minh nguồn gốc đất đối với phần diện tích 9,5ha này gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do đất được chuyển nhượng phức tạp, không có giấy tờ, chuyển nhượng qua nhiều người, nhiều lần... nên công tác xác thực bị kéo dài. Đồng thời, qua rà soát nhiều hồ sơ sai sót rất nghiêm trọng, cả vấn đề giả mạo giấy tờ, sử dụng giấy chứng minh thư giả, giả chữ ký.
Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, ngoài nguyên nhân nói trên thì còn rất nhiều trường hợp khác hết sức phức tạp và nhạy cảm, với mục đích cuối cùng là nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Qua rà soát, huyện xác định chỉ có 1/21 bộ hồ sơ đảm bảo về thủ tục để có thể chi trả tiền bồi thường.
“Cùng với đó, nhiều cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ giải quyết vụ việc ở thời điểm hiện tại là những người mới nên họ rất lo lắng. Bởi cơ sở pháp lý còn chồng chéo, giấy tờ không đảm bảo nên dẫn đến phải làm từng bước, thận trọng”, ông Giang nói.
Trước thực tế này, UBND huyện Sơn Tây đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND xã Sơn Dung cùng các hộ dân có liên quan rà soát, xác minh lại toàn bộ hồ sơ, nguồn gốc đất có liên quan để tiến hành niêm yết công khai và tiến hành phân loại.
Trường hợp các hộ dân có giấy tờ mua bán hợp lệ, đảm bảo theo quy định tại thời điểm thực hiện và không có khiếu kiện, khiếu nại, Hội đồng bồi thường trình UBND huyện xem xét cho chủ trương tách phương án, lập hồ sơ đảm bảo quy định trình phê duyệt và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Đối với thửa đất nào các bên mua bán có tranh chấp sẽ tiến hành hòa giải, nếu đồng thuận thì trình phê duyệt vị trí, loại đất lập phương án phê duyệt và tiến hành chi trả cho dân. Thửa đất nào các bên mua bán có tranh chấp, không đúng theo quy định của pháp luật thì hướng dẫn các bên ra tòa. Sau khi bản án có hiệu lực sẽ trình phê duyệt vị trí, loại đất lập phương án phê duyệt và tiến hành chi trả cho dân.
Đối với những thửa đất liên quan bị ảnh hưởng dự án thủy điện Đăk Đrinh đến nay chưa thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ với nguyên nhân như trên, sẽ thực hiện theo quy định Luật Đất đai năm 2024 và đơn giá bồi thường theo quy định hiện hành.
Theo ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăk Đrinh là trách nhiệm của địa phương. Do đó, huyện Sơn Tây phải xác định hồ sơ nào đủ điều kiện thì chi trả tiền, hồ sơ nào không đảm bảo thì trả lại cho công dân và hướng dẫn công dân khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa.
“Huyện Sơn Tây phải làm quyết liệt, rõ ràng, không thể để sự việc kéo dài. Nhưng khi trả hồ sơ cho công dân thì huyện phải chịu trách nhiệm trước cấp trên. Phải khẩn trương giải quyết rốt ráo vụ việc vì hơn chục năm rồi, không để kéo dài thêm nữa…”, ông Tuấn chỉ đạo.