| Hotline: 0983.970.780

Bỏ thì thương, vương thì tội

Thứ Ba 07/05/2013 , 11:17 (GMT+7)

Nên vén khéo mọi bề mới mong chồng không quậy, gia đình chồng thông cảm và phụ huynh học sinh không lên án mình.

Kính gửi chị Dạ Hương!

Em 30 tuổi, lấy chồng được gần 7 năm và đã có một cháu 6 tuổi. Dường như chúng em không xuất  phát từ tình yêu, đơn giản vì gia đình giới thiệu rồi thấy ổn ổn, thế là lấy nhau. Một thời gian sau em mới nhận ra em và anh ấy là người của hai thế giới khác hẳn. Em khá sâu sắc, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, có ý thức vươn lên trong công việc, biết chăm  sóc con cái nhưng lại ẩu đoảng việc nhà.

 Anh ấy cực kỳ ít nói và cũng không biết ăn nói, khép kín, ít quan tâm đến vợ con, ưa sạch sẽ nhưng lười, lại còn có những biểu hiện “hâm hâm”. Ngỡ ngàng trước sự thật này, em có những phản ứng không hợp ý anh và có lần đã bị chồng đánh, cũng đã có những lần em định ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ rồi sẽ làm đơn ly hôn sau.

Nhưng rồi bố mẹ chồng không cho em mang con đi và đã động viên “mày cứ chiều nó thì việc gì nó cũng làm hết cho”. Rồi em cũng xác định: Dù sao chúng em cũng đã lấy nhau, bỏ thì khổ con và cũng gặp khó trong sự nghiệp nên em quyết định nhịn nhục để cứu vãn gia đình mình.

Bỗng dưng chúng em gặp khó khăn về kinh tế (anh ấy bị mất việc trước khi cưới trong khi em chỉ là giáo viên hợp đồng lương rất thấp). Anh còn vướng lô đề nợ nần nên em và bố mẹ chồng phải trả nợ cho. Anh chuyển nhiều công việc khác nhau nhưng chẳng trụ được ở việc nào. Cuối cùng rồi cũng không làm công nhân trong một nhà máy nhỏ do anh trai em xin cho.

 Rất lạ là thời gian đầu anh cứ bị ám ảnh chuyện có bọn nào đó ngoài công ty cứ theo để đánh anh. Cộng thêm khi bỏ việc về quê thì anh dằn vặt em là em yêu thằng cháu của em rồi đe doạ cả hai. Không chịu nổi nữa, lần này em quyết tâm bỏ, không cho em mang con thì em sẽ để con ở nhà nội cho họ trông rồi nhanh chóng làm đơn để giành quyền nuôi con.

Với những biểu hiện không bình thường như vậy, gia đình đưa anh đi khám thì biết được anh bị trầm cảm. Thương cho anh nhưng em cũng thương chính mình: Thì ra bệnh trầm cảm của anh có từ lâu rồi. Em quyết định cố gắng yêu thương để anh khỏi bệnh và cải thịên tình cảm vợ chồng. Đến nay bệnh của anh đã biến chuyển nhưng vẫn phải uống thuốc, không dằn vặt, đay nghiến em như trước kia nhưng vẫn lạnh lùng.

Chúng em đã ly thân nửa năm nay (do ảnh hưởng của bệnh và thuốc nên anh không có cảm giác gì về đời sống vợ chồng). Em không muốn sống cuộc sống như vậy nhưng vẫn cố chịu đựng để cho anh khỏi bệnh và miễn là em không bị đánh (làng em có một anh bị thần kinh chỉ trong một đêm giết chết cả ba người đều là vợ con anh ta).

Hiện anh đi làm thuê, thích làm thì làm mà nghỉ thì nghỉ. Em không muốn “có chồng cũng như không” nhưng ly hôn thì sẽ ảnh hưởng đến đến con, đến danh dự của hai bên đều cùng làng với nhau và ảnh hưởng lớn đến uy tín nhà giáo của em. Nói chuyện nghiêm túc với anh, anh không chấp nhận ly hôn, còn ra giọng “muốn đi thì đi một mình”.

Đã quyết tâm thì em có thể để lại con ở nhà nội một thời gian nhưng sợ anh bị chấn động tâm lý và sợ anh làm những điều ảnh hưởng xấu đến con. Nhưng nếu mang con đi chắc chắn sẽ có to tiếng và xô xát. Em phải làm như thế nào để được ly hôn một cách nhẹ nhàng?

Chị giấu email giúp em.

Em thân mến!

Như đã viết nhanh cho em trước khi nghỉ lễ, chồng em ở dạng bệnh thần kinh, loại trầm cảm và  có hoang tưởng. Người thần kinh nhẹ hay có  những triệu chứng “hâm hâm” khác người, nặng hơn nữa thì đập phá hoặc trầm cảm. Chồng em thuộc dạng nặng dần kiểu lầm lì, không chia sẻ. Và chắc chắn là hoang tưởng nên mới thấy mình bị đánh, bị hành hạ, bạo lực.

Không ai biết chồng mình sẽ bị như thế nếu không có yếu tố của di truyền. Chính xác ra là may rủi rất lớn nhưng em đã bị rủi rồi. Chị tin khi em biết chồng bệnh thì đã cố gắng nén mình để chăm sóc, hy vọng cải thiện tâm tính và tình trạng gia đình của mình.

Nhưng phải có tình yêu rất lớn thì mới kiên nhẫn với bệnh tật của anh ấy. Bởi không thể hy vọng gì ở một người tâm thần: kiếm tiền, làm chủ sinh hoạt, và biết quan tâm vợ con. Chỉ cần anh ta không diễn biến sang đập phá, không bạo hành vợ con là may rồi.

Nhưng ở em không đến từ tình yêu. Em luôn bất an, lo sợ và bất mãn. Biết làm sao được? Nếu em quyết giải thoát mình thì nên tiến hành thủ tục một cách êm thấm. Có cách nào đơn phương làm đơn và nói có chứng cứ (giấy bệnh và thuốc định kỳ của chồng) để tòa xử vắng mặt cậu ấy không?

Em chỉ cần danh nghĩa ly dị để độc lập hẳn cho mình và con với chồng, với nhà chồng, với dư luận và với cơ quan, đúng không? Vậy thì đừng làm kinh động quá, rồi cậu ấy sẽ tự nhận biết cách tách ra của em. Các tòa án đều dễ chấp thuận thì người vợ yêu cầu ly hôn nếu chồng là tù nhân hoặc bệnh tâm thần.

Một điều nên nhớ để cư xử cho phải là chồng mình bệnh, bỏ thì thương vương thì tội, mình là giáo viên nữa. Nên xem cậu ấy như anh trai, vẫn đi lại thăm nom, vẫn nên cho con đi về nhà nội để giữ cho chắc một chiếc cầu.

Em nghĩ mình lo sự nghiệp, không dám mơ một người chồng khác, nhưng tuổi xuân hãy còn, biết đâu. Nhưng hai nhà cùng làng, không khỏi chạm nhau, vì vậy mà nên vén khéo mọi bề mới mong chồng không quậy, gia đình chồng thông cảm và phụ huynh học sinh không lên án mình. Rất khó đó em, vậy mới cần cẩn trọng, thấu đáo và thật nhu, thật mềm.

Dạ Hương

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm